“Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý người đứng đầu”
Trong năm 2016 có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xem xét, xử lý trách nhiệm.
- 28-10-2016Cả họ làm quan là biến tướng của tham nhũng
- 27-10-2016Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý 3 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
- 20-10-201610 vụ án kinh tế và tham nhũng với 38 bị can đang được C46 điều tra
Còn nể nang, xem nhẹ
Liên quan trách nhiệm giải trình và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 vừa được trình trước Quốc hội cho biết, các cơ quan nhà nước đã thực hiện giải trình 17/17 yêu cầu.
Có 10 người bị tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác khác do vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng. 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xem xét, xử lý trách nhiệm, trong đó 6 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 5 người đang được xem xét để có các hình thức xử lý.
“Việc nâng cao trách nhiệm giải trình và xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã góp phần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định, nhưng thực tế số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu” – báo cáo thẳng thắn chỉ rõ.
Lý giải nguyên nhân trên, báo cáo chỉ ra nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Vì nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày cũng cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.
“Có tình trạng người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình” – bà Lê Thị Nga nói.
Xác định xử lý trách nhiệm người đứng đầu là rất đúng
Trao đổi với phóng viên VOV.VN bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng Đảng, Chính phủ cũng như Luật PCTN xác định nâng cao trách nhiệm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu là hết sức đúng. Nếu thực hiện được nguyên quy định đó sẽ là một trong những bước đột phá trong phòng chống tham nhũng.
“Anh là người lãnh đạo mà để cơ quan có tham nhũng thì trước hết anh từ chức, hoặc bắt anh phải ngưng chức. Còn việc cá nhân anh có tham nhũng không, có bao che không thì tính sau. Nhiều nước đã làm việc này” – ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm vì cho rằng nếu xử lý người đứng đầu theo phương thức đó sẽ có tác động rất lớn đối với việc phòng chống tham nhũng nói riêng và trong nhiều lĩnh vực khác sẽ chuyển biến.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa trả lời báo chí ngày 28/10
“Tại sao công tác phòng chống tham nhũng của Đảng xác định xử lý người đứng đầu? Vì nhiệm vụ của anh là không để xảy ra những sai phạm gây ra những tổn thất, thiệt hại nên nếu xảy ra thì anh không làm tròn nhiệm vụ rồi” – vị đại biểu đoàn TPHCM nói.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, có những người khi có những sai phạm quá lớn ở địa phương thì từ chức là một thái độ tự trọng, chính mình bảo vệ danh dự của mình.
“Tôi không ăn một đồng nào, tôi không để người ta lo lót nhưng xảy ra những sự cố, sai phạm lớn thì vì danh dự và lòng từ trọng, tôi từ chức. Xử sự như thế là đúng với quy định quản lý cán bộ của Đảng, của luật pháp và đúng với tinh thần công bộc của dân” – ông Nghĩa nói.
Nhấn mạnh cứ ở trên ngay ngắn, chặt chẽ, nghiêm khắc 100% thì ở dưới sai phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng, hành vi trái pháp luật sẽ giảm rất nhiều, ông Nghĩa lưu ý nếu trên không chặt chẽ, thiếu nghiêm túc chỉ một ly thôi thì ở dưới sẽ “đi một dặm”../.
VOV