Một startup từng được định giá 22 tỷ USD vừa bị HSBC nhận định giá trị 'bằng 0', trở thành 'cú trượt' khởi nghiệp ngoạn mục bậc nhất lịch sử
Startup này trở thành một trong những "cú trượt" khởi nghiệp ngoạn mục nhất trong lịch sử.
Trong một nghiên cứu gần đây, HSBC ước tính rằng gã khổng lồ công nghệ giáo dục Byju's của Ấn Độ - startup từng được định giá tới 22 tỷ USD, giờ đây KHÔNG CÒN GIÁ TRỊ GÌ. BlackRock, một nhà đầu tư tại Byju's, cũng đã thực hiện bút toán xóa xổ (writen off) với khoản đầu tư này.
Những thông tin kể trên khiến Byju's trở thành một trong những "cú trượt" khởi nghiệp ngoạn mục nhất trong lịch sử gần đây.
Ghi chú của HSBC được công bố sau một năm khó khăn đối với công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bengaluru, Ấn Độ. Từng là công ty khởi nghiệp có giá trị nhất Ấn Độ cách đây không lâu, Byju's đã phải vật lộn để đáp ứng thời hạn nộp báo cáo tài chính vào năm ngoái. Cuối cùng, họ cũng không đạt được kỳ vọng doanh thu do phải đối mặt với nhiều vấn đề quản trị khác nhau.
Những vấn đề đó - cùng với sự từ chức đột ngột của kiểm toán viên và thành viên hội đồng quản trị - đã góp phần làm chệch hướng cuộc thảo luận gọi vốn thêm 1 tỷ USD của công ty.
Prosus, một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Byju's, đã công khai chỉ trích công ty khởi nghiệp này, cáo buộc công ty "thường xuyên phớt lờ lời khuyên" từ họ. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, công ty khởi nghiệp này sau đó đã huy động được 200 triệu USD với mức định giá sau huy động vốn là khoảng 250 triệu USD trong năm nay. Tuy nhiên, khoản đầu tư này đang bị tranh chấp về mặt pháp lý bởi một số nhà đầu tư lớn nhất, bao gồm cả Prosus.
Khi đó, có lý do HSBC cũng ước tính giá trị 10% cổ phần của Prosus trong công ty khởi nghiệp Ấn Độ này bằng 0 do các vụ kiện pháp lý đang diễn ra và tình trạng thiếu vốn. Ước tính của HSBC chưa được báo cáo trước đây. Prosus đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào Byju's trong nhiều năm và chưa hề bán một cổ phiếu nào.
THẢM CẢNH
Trước đó, nhiều nguồn tin cho biết Byju Raveendran, người sáng lập Byju's, đã thế chấp ngôi nhà của mình cũng như những ngôi nhà thuộc sở hữu của các thành viên trong gia đình anh để lấy tiền trả lương cho nhân viên. Điều này đang diễn ra trong bối cảnh Byju's phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng tiền mặt.
Được biết, 2 ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình Byju nằm ở Bengaluru, miền nam Ấn Độ và 1 biệt thự đang xây dựng của anh ở Epsilon đã được dùng làm tài sản thế chấp để vay 12 triệu USD. Nguồn tin cho biết, công ty khởi nghiệp này đã sử dụng số tiền vay được kể trên để trả lương cho 15.000 nhân viên tại công ty mẹ của Byju's có tên Think & Learn.
Đại diện của Raveendran và Byju's đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Bloomberg.
Dường như nhà sáng lập của công ty đã nỗ lực hết sức để giữ cho công ty tồn tại và giảm bớt áp lực tài chính. Từng là công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị nhất Ấn Độ, công ty này đang trong quá trình bán nền tảng đọc kỹ thuật số dành cho trẻ em có trụ sở tại Mỹ với giá khoảng 400 triệu USD. Họ cũng đang vướng vào cuộc chiến pháp lý với các chủ nợ về việc không trả được lãi cho khoản vay có kỳ hạn trị giá 1,2 tỷ USD.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Byju Raveendran không phải là kẻ lừa đảo. Anh ấy cũng không phải là người ảo tưởng. Anh ấy là người tiên phong mở đường trong thế giới công nghệ giáo dục đang phát triển, người đã tìm thấy cơ hội phát triển trong thời kỳ đại dịch.
Startup của Byju từng chiến thắng trong cuộc đua giáo dục trực tuyến đã chứng kiến công việc kinh doanh sa sút, các nhà đầu tư rút lui, các giám đốc rời khỏi hội đồng quản trị, sa thải, nhân viên rời đi với lý do văn hóa nơi làm việc độc hại. Chưa kể đến việc, các cơ quan điều tra đã khám xét văn phòng tại Bengaluru của Raveendran vì nghi ngờ vi phạm các quy tắc ngoại hối.
Ngôi sao Bollywood Shah Rukh Khan, người đã được ký hợp đồng làm đại sứ thương hiệu với mức phí hàng năm khoảng 4 tỷ Rupee, khó có thể tiếp tục hợp tác với Byju's. Prosus NV, nhà đầu tư và cổ đông lớn nhất của Byju's, đã giảm mức định giá công ty xuống còn 5,1 tỷ USD.
Điều đáng nói là, Byju's từng được rót vốn bởi các nhà đầu tư xuất sắc bao gồm General Atlantic, BlackRock và Sequoia Capital. Hiện công ty đang bị cáo buộc vỡ nợ. Đơn vị kiểm toán riêng của Byju's là Deloitte Haskins và Sells Llp đã từ chức, nói rằng công ty đã trì hoãn việc nộp báo cáo tài chính, khiến họ không thể đánh giá tài chính của công ty. Các chủ nợ thì từ chối cơ cấu lại khoản vay hàng tỷ USD. Hiện chỉ có CEO Raveendran, vợ anh là Divya Gokulnath và anh trai Riju Raveendran còn lại trong hội đồng quản trị.
Theo: BI,Techcrunch
An ninh Tiền tề