MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một tháng Vũ Hán bị phong tỏa trong mệt mỏi và mất mát, Trung Quốc đau đầu vì dân bắt đầu chủ quan

27-02-2020 - 15:03 PM | Tài chính quốc tế

Một tháng đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán, cuộc sống của hàng chục triệu người bỗng chốc trở nên u ám, đảo lộn. Hơn 1 tỷ người ở các thành phố khác trong trạng thái chán nản kéo dài bắt đầu có tâm lý chủ quan khiến nhà chức trách phải cảnh báo "chưa được hạ mức phòng vệ".

Virus kéo đến mà không hề báo trước. Đúng một tháng trước, vào thời điểm những thông tin về virus còn khá mơ hồ, nhà chức trách thành phố lớn nhất ở miền Trung Trung Quốc phải ra lệnh phong tỏa toàn bộ thành phố, chỉ một ngày sau khi cuộc khủng hoảng còn được tuyên bố "trong tầm kiểm soát".

Đây là khoảnh khắc chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, cũng như thế giới, khi 9 triệu người "bị nhốt" trong một thành phố với số phận chưa biết ra sao. Ngay cả với sự bùng phát của dịch SARS 17 năm về trước, lệnh cấm di chuyển và phong tỏa lớn như thế này cũng chưa từng xảy ra.

Trong các tuần sau đó, người dân trong thành phố bị phong tỏa phải đối mặt với những đảo lộn trong cuộc sống, từ việc đi siêu thị mua nhu yếu phẩm có giới hạn cho đến cảm giác bất lực để cứu sống người thân bị bệnh.

Lệnh phong tỏa vẫn còn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu cho thấy người dân Vũ Hán đã có thể tự do ra khỏi nhà. Và thậm chí đến lúc đó, Vũ Hán cũng không bao giờ có thể trở lại "bình thường" như trước được nữa.

"Thành phố này bị cô lập và chỉ còn chờ chết?"

Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu Guan Wenhua khi nghe đến việc phong tỏa thành phố là "đó là chuyện đùa". Doanh nhân 46 tuổi và là cha của hai đứa con nhớ lại khi đọc được dòng tin tức từ điện thoại ngày 23/1/2020.

"Sao lại có thể đóng cửa một thành phố cảng khẩu quan trọng của cả nước với 11 triệu dân mà đơn giản thế được?", ông nghĩ.

Thông báo được đưa ra lúc 2h sáng và khi các cửa hàng mở cửa vào buổi sáng, mọi người đổ xô đi mua hàng tích trữ, tranh cướp nhau mua nhu yếu phẩm, video được đăng trên mạng xã hội cho thấy. Một số khác cuống cuồng rời khỏi thành phố khi họ còn có thể.

Dịch bệnh do chủng mới của virus corona có số người tử vong cao hơn nhiều lần dịch SARS năm 2013 và xuất phát từ thành phố Vũ Hán. Giới chức địa phương bị chỉ trích và người đứng đầu tỉnh Hồ Bắc đã bị cách chức khi không xử lý đúng mức độ và chỉ báo cáo khi dịch đã quá lớn và không thể che giấu được nữa.

Một tháng Vũ Hán bị phong tỏa trong mệt mỏi và mất mát, Trung Quốc đau đầu vì dân bắt đầu chủ quan - Ảnh 1.

Ga tàu hỏa ở Vũ Hãn đóng cửa từ 10h sáng 23/1/2020, lần đầu tiên kể từ ghi ga được xây dựng. Ảnh: Caixin

Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh dịch Vũ Hán ra thông báo trong ngày đầu tiên phong tỏa, nói rằng người dân không nên hoảng sợ. Nhà chức trách nỗ lực cập nhật tình hình thường xuyên cho người dân và truyền thông nhà nước mô tả việc phong tỏa thành phố là cuộc chiến được người dân Vũ Hán tiến hành vì lợi ích của cả nước.

Nhưng Guan và gia đình mất hai tuần đầu sống trong lo sợ và không yên tâm với những trấn an từ giới chức.

"Trong tuần đầu tiên và tuần thứ hai, cả gia đình tôi sống trong lo lắng, tại sao chính phủ lại phải ra quyết định đột ngột như vậy. Liệu có phải dịch bệnh đã vượt ngoài tầm kiểm soát? Tôi đã rất sợ khi nghĩ rằng thế giới ngoài kia có thể đã mặc kệ chúng tôi", Guan nói.

Một vấn đề lớn nữa cho gia đình Guan là con gái lớn 18 tuổi của ông đáng nhẽ sẽ tham gia kỳ thi vào đại học mỹ thuật được tổ chức vào tháng 1.

"Nó đã chuẩn bị rất nhiều trong những tháng qua và bây giờ kỳ thi bị hủy. Nó không biết bao giờ được thi và kỳ thi sẽ như thế nào", ông nói.

Nỗ lực mỗi ngày giữ cho Vũ Hán hoạt động

Với Xia Chengfang, cô có quá nhiều đêm mất ngủ trong một tháng qua, dịch Covid-19 trở thành một mất mát cá nhân quá lớn mà không số liệu thống kê nào tính đếm được.

Vào ngày Vũ Hán bị đóng cửa 23/1, ông của cô lên cơn sốt và mẹ cô đưa ông đến Bệnh viện số 7 Vũ Hán. "Bệnh viện chật cứng bệnh nhân và phải đợi đến 5 tiếng đồng hồ để gặp bác sĩ. Bác sĩ cũng chỉ cho được ít thuốc và nói rằng hãy đi về nhà", Xia nói.

Tình trạng của ông của Xia nhanh chóng xấu đi và gia đình năm lần bảy lượt gọi cấp cứu nhưng không ai đến cả vì hệ thống y tế của thành phố quá tải bởi lượng bệnh nhân tăng đột biến.

"Ông của tôi cuối cùng đã được tiếp nhận điều trị ngày 28/1, nhưng đã quá muộn, ông qua đời sáng hôm sau vì 'nhiễm virus'", cô nói.

Cô nói rằng ông của cô là một trong những người chết vì virus nhưng không được tính vào số liệu chung vì ông cô tử vong trước khi được nhân viên y tế xét nghiệm.

"Nếu tôi biết trước rằng ông tôi sẽ mất mạng vì virus trong mùa đông này, tôi đã về thăm ông vào cuối tuần như ông mong muốn. Đó là lỗi của tôi, tôi rất hối hận, không thể chợp mắt nhưng đến giờ tôi không thể về thăm gia đình của mình", Xia đau đớn nói.

Nỗi hối tiếc và mất mát đó khiến thêm giận dữ về quyết định đóng cửa thành phố. "Sao họ có thể đột ngột đóng cửa toàn bộ thành phố chỉ trong một ngày ngay sau khi nói rằng mọi việc trong tầm kiểm soát", Xia nhắc lại bình luận của Wang Guangfa, chuyên gia từ Bệnh viện số 1 Đại học Bắc Kinh, viết trên mạng xã hội.

Một ngày trước khi Vũ Hán bị cách ly, Wang, một trong những anh hùng trong cuộc chiến chống SARS năm 2003, viết rằng dịch do chủng mới của virus corona vẫn "có thể phòng ngừa và kiểm soát được", ngay cả khi ông Wang cũng nhiễm virus này.

Những người "chiến dịch" ở tiền tuyến

Dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.300 người, phần lớn ở Vũ Hán và ảnh hưởng đến hầu hết tất cả mọi người trong xã hội. Một giáo sư về chuyên ngành máy tính nói rằng cái chết của đồng nghiệp khiến ông nhận ra rằng mọi người đều bình đẳng trước cái chết, trong khi một người mẹ than thở rằng cuộc khủng hoảng khiến cô cảm thấy bất lực trong việc cân bằng công việc và những người thân.

Nhưng với Andy Wang, một tình nguyện viên, những khoảnh khắc kết nối lặng lẽ đã khiến anh trải qua những cảm xúc chưa từng có trong nhiều năm. Khi toàn bộ hệ thống giao thông công cộng dừng hoạt động, Wang là một trong các tình nguyện viên dùng xe riêng của mình để chở các nhân viên y tế tới bệnh viện.

Ngày 31/1, anh chở một y tá về căn hộ của mình, đã một tuần cô chưa về nhà, và trên đường về thì tranh thủ thăm bố mẹ cô vài phút.

"Nữ y tá không vào nhà và đứng nói chuyện với bố mẹ ở hành lang và sợ có khả năng lây nhiễm virus cho họ. Tôi vốn rất hiếm khi khóc, nhưng trong tháng qua, tôi đã rơi nước mắt hơn 10 lần", anh nói.

Một tháng Vũ Hán bị phong tỏa trong mệt mỏi và mất mát, Trung Quốc đau đầu vì dân bắt đầu chủ quan - Ảnh 3.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân ở bệnh viện Đồng Tế, Vũ Hán. Ảnh: Xinhua

Mỗi ngày trôi đi, nỗi lo lắng trong cộng đồng người dân ở Vũ Hán vơi dần khi họ nhận thấy họ vẫn sống sót khi không được kết nối với bên ngoài mà như người sử dụng mạng xã hội đùa rằng họ đang sống cuộc sống của những tù nhân tại nhà.

Người dân có thể đặt hàng online và nhận hàng ngày hôm sau ở cổng được chỉ định của mỗi khu dân cư. Giá rau, thịt, trứng tăng nhẹ nhưng người dân nói rằng họ hiểu và có thể chấp nhận được. Mọi người lên mạng và chia sẻ thông tin cho nhau.

Với tất cả người dân Vũ Hán, cuộc sống vẫn tiếp diễn và trước khi tuyên bố gỡ lệnh phong tỏa thành phố xảy ra, cuộc sống của những tù nhân tại nhà vẫn tiếp diễn.

Andy Wang nói rằng ông chờ đợi ngày bệnh dịch chấm dứt và lệnh phong tỏa Vũ Hán chấm dứt.

"Tôi biết rất nhiều người mất người thân và mọi thứ không thể nào quay lại được như trước, nhưng tôi hy vọng sẽ sớm đến ngày cuộc sống trở lại quỹ đạo bình thường".

Chán ngán với bệnh dịch, người dân nôn nóng tụ tập trở lại

Các quan chức ở thành phố phía Tây Nam Trung Quốc đã bị cách chức khi cho phép đám đông người dân tràn vào một quán trà mở cửa trở lại. Lúc này, "chiến dịch" - chiến đấu với bệnh dịch - vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.

Nhà chức trách Trung Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo người dân chưa được chủ quan, không được hạ thấp mức độ phòng dịch, vẫn tiếp tục hạn chế tụ tập đông người, dù số ca nhiễm bệnh và tử vong vì dịch có dấu hiệu giảm xuống.

Một tháng sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã có tác dụng nhất định. Ngoại trừ Hồ Bắc, trên toàn Trung Quốc, chỉ có 18 ca nhiễm mới trong ngày 22/2, mức thấp nhất trong tháng, giới chức Y tế Trung Quốc cho biết. Ngoài ra, 21 tỉnh trong cả nước cũng không có ca nhiễm mới.

Bất chấp tình hình có dấu hiệu tích cực tại Trung Quốc, tại các nước khác ở châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như các khu vực khác ở Trung Đông như Iran, Lebanon, đến châu Âu là Italy, dịch Covid-19 bất ngờ diễn biến khó lường với tốc độ lây lan nhanh chóng và số người chết tăng.

Tân Hoa Xã dẫn lời các quan chức cấp cao của Trung Quốc cảnh báo chống lại sự chủ quan và tự mãn.

"Bước ngoặt của cuộc chiến chống dịch chưa tới và các nỗ lực phòng chống và kiểm soát dịch bệnh ở Hồ Bắc, Vũ Hán vẫn còn khó khăn, phức tạp. Vẫn còn nhiều ngừoi cần được điều trị. Con đường lây lan của virus vẫn chưa được hiểu rõ", bài xã luận của Tân Hoa xã ngày 23/2 viết.

"Duy trì chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta sẽ không cho phép tụ tập đông người hoặc trở lại sản xuất, nếu không đạt một số tiêu chuẩn", Tân Hoa xã viết. Đài truyền hình trung ương CCTV cũng cảnh báo người dân không nên tụ tập đông người. Những biện pháp hạn chế cứng rắn đã được áp dụng trên cả nước để không chế lây lan.

Bất chấp những cảnh báo đó, nhiều người vẫn mạo hiểm ra khỏi nhà.

Một tháng Vũ Hán bị phong tỏa trong mệt mỏi và mất mát, Trung Quốc đau đầu vì dân bắt đầu chủ quan - Ảnh 4.

Ảnh chụp màn hình video người Quảng Nguyên (Tứ Xuyên) vứt bỏ khẩu trang, tụ tập uống trà. Ảnh: Dongbeiwang

Tại thành phố Quảng Nguyên của tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc, hàng nghìn người, không đeo khẩu trang, tụ tập tại quảng trường Lizhou hôm 21/2 khi một cửa hàng trà mở cửa trở lại, theo video lan truyền trên mạng xã hội.

"Một biển người tụ tập ở quảng trường, vô cùng đông đúc", người quay phim nói trong đoạn video được đặt tên là "Người Quảng Nguyên vứt bỏ khẩu trang, tụ tập uống trà". Nhà chức trách sau đó can thiệp và cấm tập trung đông người, yêu cầu mọi người giữ khoảng cách 1,5 m.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội bức xúc với việc làm này của đám đông. "Họ làm gì vậy? Họ không sợ chết à? Chính phủ không giám sát chuyện này à? Đừng vứt bỏ tất cả những nỗ lực trước đó chứ?", một người dùng mạng xã hội viết.

Nhà chức trách Quảng Nguyên cho biết một số quan chức địa phương chịu trách nhiệm giám sát quảng trường đã bị kỷ luật vì không quản lý được số khách hàng này.

Tại Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, các khách hàng tuân thủ lỏng lẻo hơn việc tránh tụ tập và xếp hàng dài trước cửa một nhà hàng để ăn tối hôm 21/2. Trước đó, thành phố chỉ cho phép mua hàng mang về.

Chán nản với cảnh bị hạn chế đi lại, người dân Bắc Kinh cũng rời nhà đến công viên ở ngoại ô hoặc hàng dài người xếp hàng ăn súp cay, món ăn sáng truyền thống, ở Trịnh Châu hôm 22/2.

Vẫn còn lâu mới đến lúc bệnh dịch chấm dứt

Trong bối cảnh bùng nổ các hoạt động ngoài trời, Hu Xijin, tổng biên tập Global Times, phụ san của Nhân dân Nhật báo, kêu gọi người dân cân nhắc kỹ trước khi ra khỏi nhà.

"Xin nhớ rằng tình hình ở Vũ Hán vẫn còn rất nghiêm trọng và đừng nghĩ rằng dịch bệnh đã chấm dứt. Vẫn còn lâu mới đến lúc đó. Hãy có trách nhiệm với bản thân và gia đình", ông Hu viết trên trang cá nhân.

"Chính quyền địa phương không được hiểu nhầm những kêu gọi của trung ương về việc trở lại làm việc và sản xuất. Nó không có nghĩa là kêu gọi người dân trở lại tập trung đông người ngay lập tức", ông viết thêm.

Jiang Yitong, 34 tuổi, làm việc tại Quảng Châu nhưng đã về quê ở An Sơn ở Đông Bắc Trung Quốc từ nhiều tuần qua. Jiang nói rằng cô không được phép ra khỏi nhà hay đi gặp bạn bè cũ và bắt đầu thấy tù túng, tuy nhiên cô vẫn sốc khi nhìn thấy quá nhiều người tụ tập ở quảng trường Guangyuan.

"Tôi sẽ không xếp hàng bên ngoài nhà hàng hay uống trà ở chỗ đông người như vậy đâu. Tôi sẽ không đánh cược sức khỏe của mình và những người khác", Jiang nói.

Tham khảo SCMP

Một tháng Vũ Hán bị phong tỏa trong mệt mỏi và mất mát, Trung Quốc đau đầu vì dân bắt đầu chủ quan - Ảnh 5.

Vũ Hà

Trở lên trên