MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một thành phố biển sắp được mở rộng, có 2 sân bay hậu thuẫn, thêm nhiều cao tốc, đường biển

TP Phan Thiết mở rộng có quy mô gấp đôi hiện tại, lên 45.373 ha, khoảng 453 km2.

Một thành phố biển sắp được mở rộng, có 2 sân bay hậu thuẫn, thêm nhiều cao tốc, đường biển - Ảnh 1.

Mới đây, HĐND tỉnh Bình Thuận khoá XI tổ chức kỳ họp thứ 17 thông qua nghiên cứu mở rộng không gian phát triển TP Phan Thiết về phía Bắc (thuộc huyện Hàm Thuận Bắc) và phía Tây (thuộc huyện Hàm Thuận Nam).

Trước đó, theo Quyết định số 1197/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh này, TP Phan Thiết mới dự kiến bao gồm thành phố hiện hữu và mở rộng ra thị trấn Phú Long và một phần các xã Hàm Thắng, Hàm Liêm, Hàm Hiệp thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, một phần xã Hàm Mỹ thuộc huyện Hàm Thuận Nam.

Theo quy hoạch trên, khu vực Hàm Thuận Bắc - được mệnh danh là một trong 2 vựa lúa phía bắc và là vùng trồng thanh long lớn thứ 2 của tỉnh Bình Thuận, sẽ có thị trấn Phú Long có diện tích 2.251ha, xã Hàm Thắng 8.686 ha, Hàm Liêm 6.305ha, Hàm Hiệp 3.700ha sáp nhập vào TP Phan Thiết.

Còn huyện Hàm Thuận Nam, sẽ có xã Hàm Mỹ lên thành phố. Đây từng là huyện khó khăn và nghèo nhất tại Bình Thuận vào những năm cuối của thập niên 80, 90. Đáng chú ý, cả hai địa phương này đều là nơi tập trung nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống như Chăm, K′ho, Rắc-lây,...

Tuy nhiên, từ các địa phương thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đến nay cả hai địa phương này đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Dự kiến, việc mở rộng thành phố Phan Thiết kỳ vọng mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng huyện trên, giúp Phan Thiết xứng tầm là đô thị hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với mục tiêu đến năm 2025 đạt các tiêu chí đô thị loại I, trở thành là đô thị trung tâm phía Nam của vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Như vậy, với diện tích hiện tại là 21.090 ha, TP Phan Thiết mở rộng có quy mô gấp đôi hiện tại, lên 45.373 ha (453 km2).

TP Phan Thiết đang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đô thị du lịch biển của tỉnh Bình Thuận với đường bờ biển dài 57km. Thu ngân sách của thành phố những năm gần đây đạt trên 1.800 tỷ đồng/năm.

Tỉnh này cho biết lộ trình phấn đấu trở thành đô thị loại I của Phan Thiết vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Nổi rõ nhất là hệ thống giao thông đối ngoại đến thành phố còn hạn chế, quy hoạch phát triển thành phố khu vực ven biển chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan, trục ven biển của Phan Thiết hiện nay bị chia cắt bởi các cửa sông, khu dân cư hiện hữu, các dự án du lịch, đô thị, nên thành phố chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn.

Một thành phố biển sắp được mở rộng, có 2 sân bay hậu thuẫn, thêm nhiều cao tốc, đường biển - Ảnh 2.

Trong giai đoạn tới, Bình Thuận sẽ tập trung phát triển đô thị Phan Thiết cho từng vùng. Cụ thể, ở khu vực nam sông Cà Ty , tập trung triển khai các dự án đường ĐT.719B, đường Hàm Kiệm – Tiến Thành để kết nối lên đường bộ cao tốc, làm mới cầu Văn Thánh; cải tạo, nâng cấp đường Trần Quý Cáp.

Đối với khu vực trung tâm , trọng tâm là triển khai dự án cải tạo kè bờ sông Cà Ty; nâng cấp các tuyến phố chính và quy hoạch mở rộng không gian đô thị thành phố phía nam về hướng Tiến Lợi, Tiến Thành và phía bắc về hướng Bắc Xuân An.

Khu vực bắc sông Cà Ty sẽ mở rộng không gian đô thị gắn với cảng hàng không Phan Thiết và Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Để nâng chất lượng đô thị, thành phố sẽ triển khai dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực Hàm Tiến, Mũi Né; cải tạo nâng cấp tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu và Huỳnh Tấn Phát; quy hoạch kết nối khu vực Mũi Né đến đường bộ cao tốc qua trục đường ĐT.711.

Riêng đối với khu vực ven biển , thành phố đã đề xuất vào quy hoạch tỉnh tuyến đường ven biển thông suốt từ Tiến Thành đến Hàm Tiến, theo đó đề xuất 2 vị trí cầu vượt, 1 tại cửa sông Cà Ty để kết nối từ khu vực Công viên Thương Chánh đến khu vực nam cảng Phan Thiết và 1 cầu vượt tại cửa sông Phú Hài,…

Ngoài ra, quy hoạch, xây dựng tuyến đường ven sông cả hai bên bờ kết nối thông suốt từ phía thượng nguồn (các xã Hàm Hiệp, Hàm Mỹ) đến cầu Dục Thanh.

Về hạ tầng, Phan Thiết được hậu thuẫn cùng lúc với 2 sân bay là sân bay Phan Thiết (543 ha, tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng) khai thác đầu năm 2024 và siêu sân bay quốc tế Long Thành hơn 300.000 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ USD sẽ hoàn thiện năm 2025.

Khi đưa vào sử dụng, sân bay Phan Thiết và Long Thành sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội - du lịch của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Không chỉ là đường bay, các công trình hạ tầng giao thông đường bộ kết nối liên vùng cũng đang dần hoàn thiện và đi vào hoạt động. Tuyến đường huyết mạch Dầu Giây - Phan Thiết (nối liền với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) thông xe vào cuối năm 2022 rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đến Phan Thiết còn khoảng 2 tiếng, thay vì 4-5 tiếng như trước đây.

Cùng với các tuyến đường Phan Thiết - Vĩnh Hảo, tuyến đường nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với đường ven biển 719, 719B... được đầu tư phát triển sẽ hình thành trục giao thông liền mạch, đưa Phan Thiết trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước.

Về phát triển du lịch, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Bình Thuận tổ chức thí điểm hoạt động phát triển kinh tế ban đêm ở một số khu vực phù hợp tại 5 địa phương, trong đó có TP Phan Thiết.

Năm 2022, TP đưa vào khai thác thí điểm trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) của thành phố. Đến 2025 dự kiến hoàn thiện trung tâm IOC thành phố, nhằm phát triển thành phố xanh, thông minh, an toàn.

Nhật Minh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên