MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một thế giới đại dương ẩn mình giữa Sao Hỏa và Sao Mộc?

01-10-2024 - 17:29 PM | Tài chính quốc tế

Vật thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc có thể từng sở hữu đại dương giống "mặt trăng sự sống" Europa của Sao Mộc.

Một nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu của tàu vũ trụ Dawn của NASA cho thấy hành tinh lùn kỳ lạ mang tên Ceres có thể là một thế giới đại dương.

Theo TS Mike Sori từ Đại học Purdue (Mỹ), đồng tác giả, các phân tích mới cho thấy Ceres, từng bị nghĩ là một khối đá trơ trụi, cằn cỗi, lại giống một hành tinh hơn về bản chất.

Một thế giới đại dương ẩn mình giữa Sao Hỏa và Sao Mộc?- Ảnh 1.

Hành tinh lùn Ceres có thể từng là thế giới đại dương - Ảnh: NASA

Hành tinh lùn Ceres có đường kính 950 km và là vật thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.

Mặc dù nhỏ bé nhưng nó chứa các đặc điểm bề mặt phức tạp như các miệng hố va chạm, núi lửa và dấu vết của các vụ lở đất.

Nghiên cứu mới cho thấy lớp vỏ của Ceres có gần 90% là băng gần bề mặt, dần dần giảm xuống 0% ở độ sâu 117 km.

Cấu trúc kỳ lạ này chỉ có thể là tàn tích của một đại dương bị đóng băng dần, giàu tạp chất hơn khi nó đông đặc từ trên xuống.

Phát hiện này trái ngược với niềm tin trước đây rằng Ceres tương đối khô, với lượng băng tối đa chưa đến 30%. Tuy vậy, việc băng tập trung trên bề mặt rồi giảm dần xuống dưới đã khiến con số 90% mà nhóm nghiên cứu đưa ra trở nên hợp lý.

Nhóm tác giả kết luận rằng trong quá khứ, Ceres từng là một thế giới đại dương giống như mặt trăng Europa của Sao Mộc, thế giới mà NASA cho là có thể sở hữu một đại dương ngầm có sự sống.

“Khi đại dương đầy bùn đó đóng băng theo thời gian, nó tạo ra lớp vỏ băng với một ít vật liệu đá bị mắc kẹt bên trong” - TS Sori giải thích.

Để đưa ra lập luận trên, các tác giả đã sử dụng mô phỏng máy tính để mô hình hóa quá trình giãn nở của các hố va chạm trên hành tinh lùn này trong hàng tỉ năm.

Các mô phỏng này cũng cho thấy đại dương giàu băng và đá của Ceres hầu như không có dòng chảy. Điều này góp phần vào việc đại dương này nhanh chóng bị đông đặc lại khi môi trường trong hệ Mặt Trời dần thay đổi theo thời gian.

Theo TS Sori, điều thú vị nhất là giờ đây chúng ta có một thế giới đại dương đóng băng khá gần Trái Đất, thuận lợi cho các tàu vũ trụ tiếp cận và lấy mẫu.

Nghiên cứu các thế giới giàu nước cổ đại có thể giúp giải thích nhiều điều về sự tiến hóa của các vật thể trong hệ Mặt Trời - bao gồm Trái Đất - cũng như nguồn gốc của sự sống.

PV

Người Lao động

Trở lên trên