Một thế hệ doanh nhân trẻ, tài năng đang đưa Việt Nam lên 'bản đồ startup' thế giới
Một thế hệ doanh nhân trẻ, tài năng đang đưa Việt Nam lên 'bản đồ startup' thế giới
Lớn lên ở Việt Nam nhưng thường xuyên theo dõi những chương trình tivi và phim Mỹ, Vu Van luôn mơ một ngày nào đó được sống tại Mỹ.
Tuy nhiên, khi trúng tuyển vào Đại học Stanford vào năm 2009 và tới California sống, kỹ năng tiếng Anh và làm việc kém khiến cô bị tụt lại phía sau.
"Tôi đứng lên phát biểu trên lớp nhưng các giáo sư chẳng hiểu tôi nói gì cả. Mặc dù đó là một ý tưởng tuyệt vời nhưng họ không hoàn toàn chú ý. Tôi bị mất tự tin khá nhiều trong năm đầu tiên".
Trải nghiệm đó của Van đã truyền cảm hứng cho cô tạo nên ứng dụng trợ giúp nói tiếng Anh sau khi quay trở lại Việt Nam. Ra đời năm 2015, ELSA - công cụ sử dụng trí thông minh nhân tạo giúp người học cải thiện kỹ năng phát âm đã huy động được 3,2 triệu USD vốn đầu tư từ quỹ Monk’s Hill Ventures - một công ty đầu tư chuyên tập trung vào các startup Đông Nam Á.
"Tôi đã thực hiện một khảo sát và 90% người được hỏi nói rằng họ cảm thấy sợ nói mà không có bất kỳ giải pháp thực sự nào giúp họ vượt qua thử thách này", Van nói. Cô cũng dự đoán trên toàn thế giới có khoảng 1,5 tỷ người học tiếng Anh.
Thành công của Van chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng khác trong giới startup ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Không chịu quá nhiều tổn thất từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng bình quân 6% mỗi năm trong suốt 10 năm qua, biến đây trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 60% trong số 90 triệu người dân dưới tuổi 35.
Tất cả những yếu tố đó khiến Việt Nam trở thành một trong những viễn cảnh startup sôi động nhất thế giới.
Năm ngoái, 39.580 startup đã gia nhập thị trường này. Các startup trong nước đã nhận được 291 triệu USD vốn đầu tư trong năm 2017, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Hầu hết những startup này đều trong lĩnh vực công nghệ - chúng tăng theo cấp số nhân nhờ dân số trẻ và rất nghiện internet.
Ngoài những khoản đầu tư từ thung lũng Silicon, các startup địa phương cũng thu hút sự chú ý của những gã khổng lồ trong khu vực.
Tencent là một trong những công ty đầu tiên của Trung Quốc tập trung vào thị trường này. Năm 2008, họ đã đầu tư một số tiền không được tiết lộ vào VNG - một công ty công nghệ trong nước được ví là Tencent của Việt Nam.
JD.com cũng đã đầu tư khoảng 50 triệu USD vào startup bán lẻ Tiki trong năm nay.
Eddie Thai - đối tác của 500 Startups - quỹ đầu tư trị giá khoảng 14 triệu USD nói rằng Việt Nam vẫn rất hấp dẫn so với những thị trường mới nổi khác.
"Ở những quốc gia khác tại Đông Nam Á như Singapore và Malaysia, hệ sinh thái startup đã trở nên bão hoà. Việt Nam thì khác, thị trường này thu hút bởi nền kinh tế tăng trưởng tốt, biểu đồ nhân khẩu học phù hợp và sở hữu rất nhiều nhân tài".
"Việt Nam hiện có khoảng 250.000 kỹ sư - lượng công việc liên quan tới công nghệ đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua". Chưa kể đến việc chi phí nhân công về công nghệ thông tin tại Việt Nam ít hơn 40% so với Trung Quốc và Ấn Độ.
Thai nói rằng nhiều startup anh đầu tư đều là đưa ra giải pháp cho những vấn đề đang nổi cộm của Việt Nam. Trong số đó có thể kể đến Productify - một nền tảng để xây dưng các ứng dụng tài chính; Detexian - ứng dụng cung cấp bảo mật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và ứng dụng học tiếng Anh ELSA.
"Startup Việt Nam đặc biệt phù hợp để giải quyết những vấn đề ở thị trường mới nổi", Thai nói rằng anh kỳ vọng sự phát triển hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giao thông, logistic, giáo dục, chăm sóc sức khỏe trong khoảng 5 năm tới.
Giống Vu Van - câu chuyện khởi nghiệp của nhà sáng lập Roy Nguyen cũng là nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở thị trường mới nổi.
"Trong năm 2013, tôi đã có chuyến đi xe đạp khắp Việt Nam và chứng kiến những người không có tài khoản ngân hàng để truy cập vào những giải pháp tài chính. Giống như vậy những doanh nhân trẻ địa phương cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như tiếp cận nguồn vốn".
Một năm sau đó, anh đã cho ra đời Huy Dong - một dịch vụ tài chính. Kể từ sau đó, startup đã hợp tác với SparkLab - một vườn ươm khởi nghiệp Hàn Quốc để tiếp tục phát triển.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và thung lũng Silicon là về kích thước và quy mô của các startup.
"Startup mới chỉ nổi lên từ vài năm trước và chúng tôi không có nhiều công ty lớn ra được toàn cầu, có nhiều khoản đầu tư quốc tế giống như những đồng nghiệp ở thung lũng Silicon", Van chia sẻ.
Tuy nhiên việc sao chép mô hình của thung lũng Silicon không phải lựa chọn thực tế cho Việt Nam.
"Nhìn chung, Việt Nam có nhiều cơ hội như là thị trường tiên phong… Tuy nhiên, nó cũng đối mặt với những vấn đề như văn hóa sợ rủi ro, độc quyền và hệ sinh thái startup không liền mạch".
Mặc cho những thách thức đó, các nhà sáng lập startup vẫn đồng tình rằng viễn cảnh khởi nghiệp ở Việt Nam mới trong giai đoạn đầu.
"Từ ý tưởng đến số lượng những vườn ươm, nhà đầu tư, nhà đầu tư thiên thần - tôi nghĩ những năm qua đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh. Chúng tôi đang tiếp tục tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn trẻ và cần nhiều câu chuyện thành công hơn nữa để giúp Việt Nam có tên trên bản đồ startup thế giới".