MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một thôn có 20 hộ nuôi lợn vượt qua bão dịch

10-09-2019 - 22:22 PM | Thị trường

Mặc dù dịch tả lợn châu Phi càn quét qua thôn An Cập (xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) từ đầu tháng 3 nhưng tới nay vẫn có khoảng 20 hộ dân giữ lại được những con lợn khỏe mạnh...

Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu nổ ra ở thôn An Cập từ khoảng đầu tháng 3/2019 và lan nhanh như một cơn lốc, nhiều hộ đã bị chết sạch. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn giữ được lại một số ô chuồng khỏe mạnh và đã chuẩn bị cho xuất bán trong khi đã ô bên cạnh bị nhiễm bệnh. Đây được coi như kỳ tích của địa phương.

Ông Dương Văn Thông, một chủ hộ chăn nuôi trong thôn vẫn còn lợn tới thời điểm hiện tại kể lại, khi chính quyền thông báo dịch xảy ra trên địa bàn, các hộ chăn nuôi lo tới mất ăn mất ngủ. Ông và các hộ trong khu đã thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không giao lưu với những người dân trong làng, không ai qua nhà ai, chỉ nói chuyện qua điện thoại, mục đích cũng giữ tài sản cho nhau.

Bên cạnh đó, từ đường vào ngõ, đến chuồng trại ông thường xuyên rắc vôi bột, hàng ngày dọn dẹp chuồng trại 2 lần, cấm người lạ ra vào khu vực chăn nuôi... Nhờ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, vệ sinh chuồng trại, chuồng lợn không còn mùi hôi như trước, đồng thời ông thực hiện một số biện pháp phòng tránh ngay từ khi lợn còn nhỏ, tiêm đẩy đủ các vắc-xin truyền thống để tăng sức đề kháng.

Cũng giống hộ ông Thông, gia đình anh Nguyễn Văn Thỉnh có tổng đàn lợn 40 con sau khi bị dịch càn quét qua thì vẫn giữ được 18 con an toàn chuẩn bị xuất bán. Anh chia sẻ, ngoài thực hiện đầy đủ tiêm vắc-xin, phun thuốc khử trùng tiêu độc, anh còn quy định chặt chẽ khâu ra vào chuồng trại. Đàn lợn sống được qua dịch cũng có sự may mắn, nhưng để cả làng nuôi lợn đều sống sót thì phải có sự thực hiện phòng chống dịch nghiêm ngặt của đồng thời từng người dân, người chăn nuôi, thương lái…

Một thôn có 20 hộ nuôi lợn vượt qua bão dịch - Ảnh 1.

Anh Thỉnh nhiều lúc không tin gia đình mình đã vượt qua bão dịch mà vẫn giữ được 18 con lợn khỏe mạnh

"Thêm vào đó để giữa được đàn lợn tới giờ điều mấu chốt nhất là chúng tôi thực hiện theo hướng dẫn của các cán bộ Trung tâm Dịch vụ – Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Hòa. Khi ô chuồng đầu tiên thấy có biểu hiện bệnh chúng tôi đã ngay lập tức báo có cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra.

Sau khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi, gia đình đã ký biên bản tiêu hủy toàn bộ số lợn đó và khẩn trương tiến hành khoanh vùng những ô bị bệnh, tăng cường sát trùng liên tục. Cùng đó, chúng tôi tiến hành cách ly những đàn lợn khỏe mạnh ra khu vực chuồng xa hơn. Căng bặt phủ xung quanh tránh các nguồn bệnh xâm nhập vào", anh Thỉnh cho biết.

Song song với đó, gia đình phân nhau ra chăm sóc và tiêu hủy. Anh Thỉnh chia sẻ thêm, anh chịu trách nhiệm chỉ chăm đàn lợn còn khỏe mạnh còn lại không ai được vào. Chăm sóc và vệ sinh xong phải thay quần áo, dày dép, các trang thiết bị... Mỗi lần vào chuồng đều có quần áo riêng, cứ một lần vào chuồng thì phải thay quần áo một lần.

Còn vợ anh thì chịu trách nhiệm dọn dẹp chuồng bệnh, tiêu độc, khử trùng xung quanh chứ cũng không được vào chăm chuồng lợn khỏe. Những người chăn nuôi trong thôn cũng tự ý thức làm theo hướng dẫn và hạn chế không sang thăm nhà nhau để tránh lây lan cũng như mang mầm bệnh về nhà.

Một thôn có 20 hộ nuôi lợn vượt qua bão dịch - Ảnh 2.

Gia đình anh Thỉnh chuyển sang cho ăn cám mạch của những địa chỉ tin cây và kết hợp cho ăn thêm các loại rau, củ cùng thân chuối băm, chặt nhỏ.


Ngoài ra, việc phun khử trùng được duy trì đều đặn hàng ngày, với phạm vi cách xa xung quanh trại 40 - 50m. Các loại thuốc khử trùng phải được luân chuyển xen kẽ 3 - 4 loại khác nhau, để hạn chế khả năng vi khuẩn, virus “nhờn” với thuốc. Xe chở cám vào trại phải trải qua 2 lần phun kỹ khử trùng, một lần từ đầu làng, một lần trước khi vào trại. Nước uống cho lợn được xử lí để tránh mang mầm bệnh.

Định kỳ hàng tuần, phải phun thuốc trừ muỗi và côn trùng cho trại. Mặc dù là chuồng kín, tuy nhiên việc kiểm soát và diệt chuột cũng được siết chặt, để ngăn ngừa chuột xâm nhập vào trại qua các cống thải... Khâu tiêm phòng vacxin như tả cổ điển, LMLM, tai xanh... vẫn được tuân thủ đều đặn, cách một tháng cho lợn ăn kháng sinh phòng bệnh trộn trong thức ăn một lần.

Một thôn có 20 hộ nuôi lợn vượt qua bão dịch - Ảnh 3.

Anh Thỉnh đã mạnh dạn bắt đầu thử tái đàn với hơn chục con.


Đồng thời, lợn được bổ sung thêm các thuốc điện giải, vitamin C... để tăng cường thêm sức đề kháng. Thức ăn gia đình cũng giảm dần cho ăn cám công nghiệp vì sợ nguyên liệu xương làm cám không đảm bảo. Thay vào đó, gia đình chuyển sang cho ăn cám mạch của những địa chỉ tin cậy và kết hợp cho ăn thêm các loại rau, củ cùng thân chuối băm, chặt nhỏ.

Một thôn có 20 hộ nuôi lợn vượt qua bão dịch - Ảnh 4.

Gia đình cũng chuyển hướng sang nuôi thêm bò thịt và gà.

Ông Nguyễn Quốc Mỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ – Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Hòa thông tin: Tổng đàn của huyện Hiệp Hòa được thống kê trước khi có dịch là 145.000 con. Tính đến ngày 2/9, huyện còn trên 80.000 con, số lợn tiêu hủy là 34.182 con với tổng trọng lượng là 1.791 tấn.

Hiệp Hòa là một trong 2 huyện có số đầu lợn nhiều nhất tỉnh. Bên cạnh đó, huyện là nơi vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các huyện, lại giáp ranh các tỉnh đã bùng phát dịch cũng chính là một trong những khó khăn trong công tác phòng, chống.

Tuy là huyện đầu tiên trong tỉnh bùng phát dịch nhưng với cách làm riêng cùng sự đồng lòng của người dân nên đã hạn chế được phần nào thiệt hại, giữ được đàn lợn khá lớn sau bão dịch...

Theo Hưng Giang

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên