MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một tỉnh biên giới sẽ có tới 4 thành phố, 2 tuyến đường sắt, 2 cao tốc và 'sân bay tiềm năng'

Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh này đạt 6,12%, cao hơn mức bình quân chung cả nước, xếp thứ 2 vùng Đông Nam Bộ.

Theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định 1736/QĐ-TTg, đến năm 2030, toàn tỉnh có 16 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II là thành phố Tây Ninh và sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I; 3 đô thị loại III: Trảng Bàng, Hòa Thành, Gò Dầu (gồm Phước Đông); 05 đô thị loại IV: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, 02 đô thị mới Bến Cầu, Dương Minh Châu (gồm Bàu Năng).

Bên cạnh đó tỉnh sẽ phát triển 7 đô thị mới loại V: Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong thuộc huyện Tân Biên; Tân Đông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và Thái Bình, Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành. Đây dự kiến sẽ là các thị trấn mới.

Như vậy, theo quy hoạch, trong tương lai Tây Ninh sẽ có 4 thành phố trực thuộc tỉnh là TP Tây Ninh, Hoà Thành, Trảng Bảng và Gò Dầu. Các huyện Bến Cầu, Dương Minh Châu (hiện nay) sẽ trở thành thị xã trong tương lai. Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành vẫn giữ đơn vị hành chính huyện.

Một tỉnh biên giới sẽ có tới 4 thành phố, 2 tuyến đường sắt, 2 cao tốc và 'sân bay tiềm năng'- Ảnh 1.

Trong tương lai, Tây Ninh sẽ có 4 thành phố. Trong ảnh: TP Tây NInh, tỉnh lỵ tỉnh Tây Ninh.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá để phát triển. Vùng sẽ hình thành và phát triển các hành lang kinh tê, trong đó ưu tiên hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM - Biên Hoà - Vũng Tàu và các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với đường Vành đai 3-4 TP HCM.

Kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế và làm cơ sở để tổ chức lại không gian phát triển vùng.

Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng để bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng...

Đến 2030, Tây Ninh sẽ cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông

Giai đoạn đến 2030, Đông Nam Bộ có hai cảng hàng không quốc tế và hai cảng hàng không quốc nội. Đến 2050, duy trì 4 cảng trên và nghiên cứu xem xét đầu tư xây dựng các sân bay khi có đủ điều kiện, trong có có sân bay tiềm năng tại Tây Ninh, theo Báo Tây Ninh.

Về quy hoạch đường sắt, duy trì tuyến Hà Nội - TP HCM và các tuyến mới. Đông Nam Bộ có tuyến TP HCM - Tây Ninh, dài 40km, khổ 1.435mm.

Cùng đó, đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt mới Bàu Bàng (Bình Dương) - Mộc Bài (Tây Ninh). Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã ủng hộ tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh rà soát nhu cầu vận tải để nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ làm cơ sở quản lý quỹ đất và chủ động huy động nguồn lực đầu tư tuyến đường sắt này.

Một tỉnh biên giới sẽ có tới 4 thành phố, 2 tuyến đường sắt, 2 cao tốc và 'sân bay tiềm năng'- Ảnh 2.

Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) là cửa ngõ kết nối quan trọng giữa Việt Nam - Campuchia.

Về cao tốc, có hai tuyến đi qua Tây Ninh. Tuyến TP HCM - Mộc Bài, quy mô 6 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Và tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát dài 65 km, quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030.

Mới đây, theo tường thuật của Báo Pháp luật TP về Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ ở Tây Ninh, đối với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tất cả thủ tục liên quan đã xong. Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại hồ sơ, khẳng định hồ sơ đủ điều kiện xem xét phê duyệt.

Theo Báo Tây Ninh, dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài có chiều dài khoảng 50km, trong đó đoạn qua TP HCM dài 23,7km, qua Tây Ninh 26,3km. Điểm đầu tại đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi (TP HCM), đi song song và cách Quốc lộ 22 hiện hữu khoảng 3km đến 5km. Điểm cuối tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, huyện Bến Cầu, Tây Ninh.

Tây Ninh là tỉnh biên giới giáp với Campuchia.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của Tây Ninh đạt 6,12%, cao hơn mức bình quân chung cả nước, xếp thứ 2 vùng Đông Nam Bộ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,5%, duy trì nằm trong top 15 tỉnh, thành thu hút FDI cao của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Thu ngân sách Nhà nước đạt 11.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch.


Theo Dy Khoa

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên