Một triệu phú tự thân ‘hé lộ’ bí quyết duy nhất để thành công: 90% người trẻ làm điều này rất tệ
Oscar Vương. Ảnh: Getty
Người trẻ hiện nay thường thiếu một kỹ năng rất quan trọng.
- 23-12-2022Độc lạ cách ‘phục vụ’ giới siêu giàu thế giới: Tìm cách tiêu hàng triệu USD, hết tìm tuần lộc lại đến rồng phun khói, ‘lo toan’ từ A-Z và không được ‘say no'
- 23-12-2022Mặc kệ lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga và quốc gia này vẫn ‘đồng lòng’ dốc tiền bạc xây dựng tuyến thương mại mới dài 3.000km
- 23-12-2022Hạt lúa mì làm ‘điêu đứng’ thế giới: Kẻ mạnh giành nhau, kẻ nghèo gặp hạn, 'đứng im' vẫn làm rung chuyển cả nền kinh tế-xã hội toàn cầu
Trước khi nghỉ hưu sớm ở tuổi 35, triệu phú tự thân Oscar Vuong đã có 14 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Anh từng là quản lý cấp cao tại nhiều công ty và có kinh nghiệm phỏng vấn hơn 100 ứng viên. Tuy nhiên, anh cho biết, phần lớn ứng viên đều không lọt vào vòng thứ hai. Đây là một số lượng đáng kinh ngạc.
Phỏng vấn giỏi không chỉ để có được công việc mà còn cho thấy trình độ kỹ năng mềm của một con người. Biết cách tạo dựng và phát triển mối quan hệ sẽ đem đến nhiều lợi ích cho nghề nghiệp. Ví dụ như học hỏi cách giải quyết vấn đề, tìm kiếm khách hàng dễ dàng hơn, tự tin nói trước công chúng và thậm chí là có “tự tin” để “deal” lương.
Dựa trên kinh nghiệm của triệu phú tự thân Oscar Vuong, 90% thành công ban đầu của con người đều bắt nguồn việc họ có “biết cách” phỏng vấn tốt hay không? Thật không may, hầu hết những người trẻ tuổi đều rất tệ trong kỹ năng này.
Dưới đây là năm quy tắc mà Oscar Vuong gợi ý để nâng cao kỹ năng phỏng vấn:
1. Không ăn mặc quá “xuề xòa”
Trong một lần phỏng vấn, khi bản thân mặc áo sơ mi cài cúc cẩn thận thì Oscar lại gặp một ứng viên ăn mặc quá thoải mái với trang phục áo phông và quần bò.
Ngay cả khi họ phù hợp và đáp ứng một số tiêu chí thì việc ăn mặc quá đơn giản vẫn thể hiện con người đó có óc phán đoán nghèo nàn và thiếu sự chỉn chu. Đối với những ứng viên ăn mặc ‘quá diện’, đôi khi họ sẽ để lại một vài “ấn tượng” cho nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, nếu ứng viên không chắc chắn nên mặc gì vào ngày phỏng vấn, họ nên liên hệ với bộ phận nhân sự để tham khảo về các quy định trang phục tại công ty đó. Đặc biệt, mang theo sổ tay và bút sẽ khiến người ứng tuyển “trông có vẻ” có chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự tôn trọng và là người ngăn nắp.
2. Thành thật về điểm yếu
Khi nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu lớn nhất của các ứng viên, điều họ thực sự quan tâm, đánh giá là mức độ tự nhận thức và kỹ năng giải quyết vấn đề chứ không quá bận tâm tới các sai lầm đó.
Cách tốt nhất để trả lời là trung thực về những điểm còn khiếm khuyết và những gì bản thân đã làm được để cải thiện nó.
Ví dụ: “Tôi có xu hướng hoàn thành các dự án một cách khá vội vàng và gấp rút. Đôi khi tôi sẽ bỏ lỡ những chi tiết nhỏ. Vì vậy tôi bắt đầu làm việc với tốc độ ổn định hơn và có sự tham khảo ý kiến của các thành viên khác trong nhóm”.
3. Nhấn mạnh các “bí kíp” riêng của bản thân khi giải quyết vấn đề
Hai câu hỏi mà Oscar Vuong thường hỏi các ứng viên:
“Hãy kể cho tôi nghe về lần bạn giải quyết một vấn đề phổ biến nhưng sử dụng một giải pháp độc đáo”.
“Mô tả khoảng thời gian bạn đã thất bại. Làm thế nào để bạn kiểm soát tình hình và khắc phục nó?”
Rất nhiều ứng viên đã “chần chừ” trong các câu hỏi như thế này bởi họ có xu hướng không muốn chia sẻ về các thất bại trong cuộc sống.
Nhưng thật ra, những người phỏng vấn như Vuong không hề quan tâm hay đánh giá về các sai lầm đó. Thứ họ quan tâm là cách các ứng viên nhìn lại những thất bại và đưa ra các phương pháp để khắc phục. Điều này sẽ phản ánh việc các ứng viên đối diện và xử lý vấn đề tương tự như thế nào khi trở thành thành viên của công ty.
4. Luôn hỏi thêm ít nhất hai câu hỏi sau khi phỏng vấn kết thúc
Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội được đặt câu hỏi sau khi kết thúc phỏng vấn. Vị triệu phú đã đồng ý thuê những người có những câu hỏi sâu sắc, trọng tâm hơn là những người ra về ngay lập tức. Những câu hỏi có chiều sâu thường cho thấy ứng viên có tư duy cầu tiến và mong muốn “mãnh liệt” được nhận vào vị trí này.
Một vài câu hỏi ví dụ như: “Thách thức mà tôi sẽ phải đối mặt khi làm công việc này là gì?, “Các dự án cấp bách được quan tâm nhất tại công ty hiện nay là gì?”, “Liệu tôi có được thực hiện các dự án dài hơi để vận dụng kỹ năng của mình hay không?” hoặc “Công ty có cung cấp các chương trình đào tạo cho nhân viên không?”.
5. Chuẩn bị nhiều câu chuyện thú vị
Một trong những dấu hiệu tốt nhất cho thấy ứng viên có phù hợp với văn hóa công ty hay không là nhờ khả năng kể chuyện.
Đơn giản với một câu hỏi “Kinh nghiệm làm việc đáng nhớ nhất của bạn là gì? Có thể là một sự cố bất ngờ khiến ứng viên tình cờ có được một khách hàng. Hoặc cách ứng viên sử dụng sự hài hước để “cứu cánh” công ty trước sự cố khó xử.
Những câu chuyện hay thường khơi dậy cảm xúc, tạo điểm nhấn khó quên và khiến nhà tuyển dụng chú ý. Khiếu hài hước và có một câu chuyện “độc lạ” cũng khiến cuộc phỏng vấn trở nên thú vị và hấp dẫn hơn”.
Bên cạnh 5 yếu tố “vàng” mà triệu phú Oscar Vuong gợi ý, các ứng viên cần tự trau dồi các kiến thức chuyên môn phù hợp với ngành nghề.
Đặc biệt cần lưu ý rèn luyện các kỹ năng mềm phục vụ công việc như kỹ năng giao tiếp, đàm phán, ngoại ngữ, làm việc nhóm, lãnh đạo, thuyết trình và làm báo cáo. Trước mỗi cuộc phỏng vấn, mọi người nên tìm hiểu trước về thông tin của công ty cũng như chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển thật tốt.
Ý thức cũng là một “chìa khóa” quan trọng. Ứng viên cần đến đúng giờ, chuẩn bị tinh thần thoải mái để tỏa năng lượng tích cực và rèn luyện cho mình một phong thái lịch sự và thân thiện.
Tổng hợp
Nhịp sống thị trường