Một trở lực của chứng khoán
Nhà đầu tư nhỏ lẻ thiệt hại nặng từ đợt giảm sâu của thị trường. Ảnh: TRỌNG HIẾU
Sau giai đoạn phân phối mạnh mẽ, các tay to sẽ mất thời gian đáng kể để gom lại hàng, chắc hẳn phải với giá rẻ. Thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi vậy, sẽ còn gặp nhiều trắc trở trong giai đoạn tới.
Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch tiêu cực khi VN-Index sụt giảm mạnh gần 67 điểm (-5,2%) về mức 1.217,3 điểm. Nếu tính từ đỉnh 1.530, chỉ số chính đã giảm hơn 20%, đưa TTCK Việt Nam vào Top giảm mạnh nhất thế giới từ đầu năm đến nay, chỉ sau Nga và Hungary.
Nhịp giảm sâu của thị trường khiến nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng, không chỉ penny, mà nhà đầu tư cổ phiếu midcap, bluechip cũng "bốc hơi" 40-60% tài khoản từ đầu năm. Không ít người cháy tài khoản, trắng tay vì bị call margin.
Đà giảm diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất cùng những động thái tương tự từ các NHTW hàng đầu thế giới. Trong nước, NHNN cũng phát đi tín hiệu thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát tăng cao. Một phần dòng tiền từ đầu năm đã dần rút khỏi thị trường chứng khoán, quay lại sản xuất kinh doanh và qua các kênh an toàn hơn như gửi ngân hàng, trái phiếu ngân hàng, trái phiếu chính phủ, khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán thiếu hụt đột ngột.
Theo thống kê của HoSE, giá trị giao dịch bình quân trên sàn trong tháng 5/2022 chỉ còn gần 15.000 tỷ đồng, giảm 32% so với tháng 4 và thấp hơn nhiều so với 22.000 tỷ đồng/ phiên trong năm ngoái. Riêng 2 tháng cuối năm 2021, thanh khoản nhiều phiên đạt 30.000 - 40.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên tới hơn 56.000 tỷ đồng.
Trong khi dòng tiền dần rời đi, thì ở chiều ngược lại, nguồn cung cổ phiếu tăng rất mạnh trong các năm qua. Theo thống kê của Fiin Pro, số lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp niêm yết có kế hoạch chào bán giai đoạn 2021-2023 là hơn 20,5 tỷ đơn vị, riêng thực hiện trong năm 2021 là 19,87 tỷ đơn vị. Ba nhóm doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn nhiều nhất là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận sau mỗi đợt thị trường chứng khoán tăng mạnh, doanh nghiệp niêm yết sẽ tận dụng thực hiện các đợt phát hành lớn để tăng vốn, đồng nghĩa với lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường nhiều hơn. Khi thị trường giảm, nhà đầu tư chốt lời hoặc chán nản cắt lỗ sẽ bán ra cả các cổ phiếu phát hành thêm, điều này sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến giá cổ phiếu.
”Đà lao dốc sẽ mạnh hơn do tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam khá yếu. Tỷ lệ pha loãng càng cao, áp lực giảm giá có thể còn lớn hơn trong tương lai”, ông Nguyễn Thế Minh cho biết.
Trong ngắn hạn, thị trường khó có động lực đi lên do các yếu tố trên. Ngoài ra còn một nguyên do quan trọng mà ít người để ý đến, là các "tay to" đã phân phối mạnh mẽ cho nhỏ lẻ ở vùng đỉnh, và sẽ cần một khoảng thời gian dài để "gom" lại hàng giá rẻ từ cổ đông nhỏ lẻ chán nản phải bán ra.
Thống kê dưới đây của Nhadautu.vn phần nào cho thấy mức độ phân phối rất lớn của các cổ phiếu thị trường hàng đầu.
Trong khi tỷ lệ tham dự ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2019-2020 của Techcombank duy trì ở khoảng 84%, thì tới AGM 2021, tỷ lệ này giảm về 76,2% và về chỉ còn 69,6% tại AGM 2022. Có nghĩa rằng, số lượng cổ phần tham dự AGM giai đoạn 2020-2022 đã giảm khoảng 500 triệu đơn vị, tương đương gần 15% vốn điều lệ ngân hàng.
Thông thường, tham dự AGM, đặc biệt tại các ngân hàng chủ yếu là cổ đông lớn, cổ đông chi phối, nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ nhà đầu tư nhỏ lẻ là không đáng kể. Lưu ý rằng, giai đoạn 2020-2022, giá cổ phiếu TCB biến động rất mạnh, tăng gấp 3 từ đáy 17.000 đồng/CP ngày 1/4/2020 lên 52.300 đồng/CP chốt phiên 1/7/2021, và duy trì trên dưới 50.000 đồng/ CP trong nửa năm tiếp theo.
Tương tự, mã cổ phiếu hàng đầu trong ngành thép là HPG cũng có tỷ lệ dự AGM 2022 là 62,37%, giảm gần 7% so với cách đây 2 năm. 7% của mã "quốc dân" như HPG, nên biết, có khối lượng lên tới hơn 300 triệu cổ phiếu. Với trường hợp của HPG, nguyên nhân là do khối ngoại đẩy mạnh bán ròng từ đầu năm 2020 đến nay trong bối cảnh cổ phiếu ngành thép có đà tăng rất mạnh. Trong 2 năm qua, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại HPG đã giảm một nửa, từ khoảng 40% về 21% hiện nay.
Nhiều mã thị trường khác cũng có tỷ lệ dự AGM 2019 thấp hơn 2020, để rồi giảm mạnh trong giai đoạn 2021-2022. Theo giới phân tích, các số liệu này phản ánh thực trạng "tay to" gom hàng giá rẻ ở vùng dịch đầu năm 2020, rồi xả mạnh chốt lãi ở vùng đỉnh 2 năm sau đó.
Ở nhóm chứng khoán, các mã đầu ngành VND, SSI, SHS, VCI đều theo "motif" này. Tỷ lệ dự AGM 2019 của VND là 60,63%, tăng mạnh lên 72% tại AGM 2020, rồi giảm về còn 53,91% năm 2022.
Tương tự, các cổ phiếu dẫn sóng bất động sản như DIG, DXG, L14 cũng có hiện tượng "tay to" gom mạnh hàng giai đoạn 2020, trước khi phân phối cho nhỏ lẻ giai đoạn sau đó.
Cá biệt, tỷ lệ dự AGM 2022 của PHC chỉ là 54,36%, thấp hơn rất nhiều so với mức 93,36% năm 2021 - năm mà PHC thực hiện kế hoạch tăng vốn gấp đôi thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu và đấu giá ra công chúng.
Năm 2022, không còn "game" tăng vốn, thị giá PHC giảm liên tục, chốt phiên 17/6 xuống dưới xa mệnh giá, chỉ còn 7.300 đồng/CP, giảm 60% so với đầu năm và giảm. Mức giảm khiến cổ đông PHC băn khoăn khi mà nghiệp này vẫn vận hành ổn định, liên tục trúng các gói thầu, dự án bất động sản. Năm 2022, PHC dự lãi sau thuế 60 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với năm ngoái, thực hiện chia cổ tức bằng tiền 8% cho năm 2021.
Khá tương đồng là mã HHV, khi tỷ lệ tham dự AGM2022 chỉ là 52,48%, giảm gần một nửa so với mức 99,94% năm 2021.
Với góc nhìn này, sẽ phải mất một thời gian dài để các "tay to" gom lại hàng, và chắc hẳn phải ở mức giá rẻ. Thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi vậy, sẽ còn gặp nhiều trắc trở trong giai đoạn tới.
Nhà đầu tư