Một từ "Nhân" để nói về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Đó là từ mà những thành viên một thời trong Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành cho ông...
- 17-03-2018TS Vũ Thành Tự Anh: "Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải là một người bình dị"
- 17-03-2018Những chuyện chưa kể về cố Thủ tướng Phan Văn Khải
- 17-03-2018Hình ảnh công tác chuẩn bị lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở quê nhà
"Nhân" có nghĩa là nhân hậu, nhân nghĩa trong cách ứng xử với mọi người, mọi vấn đề. Đó là từ mà những thành viên một thời trong Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành cho ông.
Chỉ có một chữ "Nhân"
(Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải)
"Tôi vẫn còn nhớ vào lúc kết thúc nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, anh em trong Ban Nghiên cứu chúng tôi đã ngồi lại với nhau và hỏi nhau rằng, nếu được nói một từ về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thì sẽ nói từ gì?
Chúng tôi đều thống nhất một từ như ông Trần Đức Nguyên - khi đó là Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng - nói, đó là từ "Nhân".
"Nhân" có nghĩa là nhân hậu, nhân nghĩa, bao quát toàn bộ cách ứng xử của nguyên Thủ tướng đối với tất cả mọi người, trong tất cả các trường hợp khác nhau.
Nhìn vào nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, sẽ không thấy sự quyết đoán như ông Võ Văn Kiệt, nhưng thay vào đó là một con người cẩn trọng, khiêm nhường, bình dị, gần gũi, không bao giờ quan cách, câu nệ mà luôn ấm áp tình người…
Ông đã có nhiều cống hiến quan trọng trong suốt nhiệm kỳ của mình, trong đó dấu ấn mạnh nhất mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại cho nền kinh tế Việt Nam là cải cách thể chế kinh tế, tạo nền tảng cho Việt Nam hướng đến nền kinh tế thị trường, tạo động lực để phát triển kinh tế một cách bền vững.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Tôi nói điều này là bởi ông đã chỉ đạo cho ra đời được Luật Doanh nghiệp năm 1999. Cho đến bây giờ, nhiều chuyên gia quốc tế khi đánh giá về quá trình 30 năm đổi mới của Việt Nam, họ vẫn cho rằng Luật Doanh nghiệp năm 1999 là cú hích, là sự đột phá lớn nhất mà Việt Nam có được về thể chế.
Sau Luật Doanh nghiệp 1999, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề nghị các nhóm chuyên gia, các bộ ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hoặc sửa đổi hàng loạt các bộ luật khác theo tinh thần đổi mới.
Có nghĩa là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, giải phóng sức dân để huy động các nguồn lực nội địa vào phát triển kinh tế. Các luật này đều được xây dựng theo nguyên tắc của WTO.
Cũng nhờ sự cải cách thể chế thông qua việc cải cách luật pháp mà Việt Nam vừa có thêm động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, vừa giúp cho chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Tôi nhớ thời điểm mà ông Phan Văn Khải nhậm chức rơi đúng vào thời kỳ khủng hoảng tài chính khu vực, làm cho động lực cũ như đầu tư nước ngoài, xuất khẩu sụt giảm mạnh, kinh tế Việt Nam giảm tốc độ tăng trưởng.
Sau đó nhờ có Luật Doanh nghiệp mà Việt Nam khôi phục được xuất khẩu trong nước, làm nền kinh tế phục hồi, thu hút được đầu tư nước ngoài quay trở lại...
Nhìn tổng quan 10 năm ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, mặc dù có khủng hoảng tài chính khu vực nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 7,2%, lạm phát được kiềm chế thấp, nợ công và bội chi ngân sách ở mức cho phép.
Cũng nhờ nền tảng đó mà hội nhập kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ, vị thế của Việt Nam được nâng cao, chúng ta đã đàm phán và ký kết thành công Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA), tạo nền tảng để sau đó gia nhập WTO.
Ai cũng biết để tham gia được WTO thì trở lực lớn nhất là Mỹ, nếu Mỹ đồng ý thì Việt Nam mới gia nhập được WTO, cho nên ký kết được BTA có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam. Đây chính là cột mốc rất lớn mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm được.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không để lại những công trình hoành tráng, mà ông luôn đầu tư vào làm thể chế để tạo sự tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Phan Văn Khải còn khiến người khác nể phục bởi sự thẳng thắn, không ngại nhận lỗi và xin lỗi trước nhân dân. Ông là người đầu tiên đồng ý đề nghị của Chủ tịch Quốc hội khi đó là ông Nguyễn Văn An, đề nghị Thủ tướng đăng đàn để trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Cách trả lời của nguyên Thủ tướng luôn đi thẳng vào vấn đề, nhận thẳng lỗi của mình. Tôi còn nhớ bài diễn văn từ nhiệm của ông trước Quốc hội đã thừa nhận vấn đề tham nhũng, lãng phí còn nhức nhối... Ông nhận khuyết điểm và bày tỏ lời xin lỗi đến nhân dân, Quốc hội, cuối cùng xin từ nhiệm sớm một năm.
Việc Thủ tướng từ nhiệm sớm là để giúp người kế tiếp lên được ngay. Tôi nghĩ đây là việc làm rất đáng ngưỡng mộ, chỉ khi vì nước, vì dân thì mới làm như vậy, còn nếu vì cái ghế của mình thì không ai sẵn sàng từ bỏ".
"Vị Thủ tướng kỹ trị"
(TS. Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải)
"Đối với tôi, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là vị Thủ tướng kỹ trị, đi sâu, đi sát, biết lắng nghe, cân nhắc và vô cùng sáng suốt.
Ông là người quan tâm đến sự ổn định của nền kinh tế, mọi quyết định ông đưa ra đều tính toán rất kỹ lưỡng và là người có cống hiến lịch sử cho nền kinh tế Việt Nam thông qua ba quyết sách.
Thứ nhất, trình Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra trước Quốc hội, giải phóng cho kinh tế tư nhân; thứ hai, thực hiện kinh tế thị trường, kiểm soát độc quyền; và thứ ba là thúc đẩy hội nhập quốc tế, thông qua việc trình và thực hiện ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ.
Tôi vẫn nhớ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi ấy đã không do dự ký quyết định hủy 268 giấy phép con, bằng khoảng 50% tổng số giấy phép lúc bấy giờ để cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân, đánh mạnh vào nguồn thu của các Bộ.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ông là người rất kiên quyết nhưng cũng là vị lãnh đạo sẵn sàng lắng nghe, thảo luận và chấp nhận. Trước khi đưa ra một nghị định hay quyết định nào, ông đều gửi cho Ban nghiên cứu xem trước và nếu chúng tôi can ngăn thì sẵn sàng dừng lại.
Dưới thời ông Phan Văn Khải, ngân sách không bội chi nhiều, nợ công không tăng lên, lạm phát được kiểm soát, ngân hàng không được thành lập quá nhiều, dự trữ ngoại hối tăng, nền kinh tế tăng trưởng mạnh.
Dưới thời ông cũng không có chuyện tiêu xài hoang phí, xây dựng tràn lan mà mọi thứ đều tiết kiệm.
Đặc biệt nhất, ông quyết định không thành lập các tập đoàn kinh tế, bởi ông cho rằng, nếu hình thành các tập đoàn lớn thì sẽ không kiểm soát được. Chỉ khi có cơ chế kiểm soát đủ minh bạch thì mới lập. Đó là điều rất sáng suốt của nguyên Thủ tướng.
Với tôi, con người của nguyên Thủ tướng, cả về tư cách, tri thức và tấm lòng với đất nước đều rất đáng trân quý.
"Đàng hoàng và bản lĩnh"
(GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Trong quá trình làm việc của tôi ở Quốc hội, mỗi vị lãnh đạo để lại cho tôi một ấn tượng khác nhau. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là hình ảnh một người đứng đầu cẩn trọng, đàng hoàng và bản lĩnh.
Có lẽ vì được đào tạo bài bản về kinh tế ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov tại Moskva (Liên Xô cũ), lại trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau trước khi đứng đầu Chính phủ, nên Thủ tướng Phan Văn Khải có kinh nghiệm chuyên môn chắc chắn về kinh tế.
Bên cạnh ông lại có một bộ tham mưu là những người am hiểu sâu sắc các vấn đề kinh tế - xã hội nên những quyết sách của Chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông đã giúp kinh tế Việt Nam bình an thoát khỏi khủng hoảng kinh tế châu Á và phát triển chắc chắn.
Chúng ta hẳn còn nhớ rằng, mặc dù ngay từ đầu những năm 1990, mô hình tập đoàn kinh tế (cheabol) của Hàn Quốc đã rất thu hút sự chú ý của lãnh đạo nước ta, nhưng mãi đến nhiệm kỳ thứ hai của mình, Thủ tướng Phan Văn Khải mới cho thí điểm thành lập 3 tập đoàn kinh tế Nhà nước, chứ không mở rộng như sau này, vì thế đã tránh được nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Đáng tiếc là sau khi ông về hưu, tổ tư vấn có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt không còn được duy trì nữa.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là nhà lãnh đạo cao cấp đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Mỹ vào ngày 19/5/2005. Chuyến đi này đã đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, nhiều hợp đồng lớn được ký kết, mở ra cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn thấy rõ ý nghĩa to lớn của chuyến thăm của Thủ tướng.
Đối với tôi, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn là vị lãnh đạo đàng hoàng và bản lĩnh. Ông không né tránh những vấn đề, những câu hỏi hóc búa hay thoái thác trách nhiệm của mình.
Bằng chứng cho điều này là phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải sẵn sàng xin lỗi, sẵn sàng nhận trách nhiệm khi trong nước xảy ra những vụ án nổi cộm như Năm Cam, PMU 18. Đây không phải là điều mà ai cũng dám làm và làm được.
Bản thân tôi, khi làm đại biểu Quốc hội cũng từng chất vấn Thủ tướng Phan Văn Khải một số vấn đề. Cái cách mà Thủ tướng đăng đàn trả lời cũng thẳng thắn và chân thực như con người của ông vậy. Điều đó làm tôi nể phục.
Sự thẳng thắn, dám nói ra của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã và sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn những tồn tại, hạn chế về kinh tế - xã hội và khắc phục chúng. Ông là một vị lãnh đạo đáng kính.
Tôi nghĩ rằng, các nhà lãnh đạo hiện nay và về sau có thể nhìn lại nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để rút ra cho mình những bài học trong công tác điều hành, để làm sao mang hiệu quả, lợi ích cao nhất cho đất nước, cho dân tộc".
"Đôn hậu và vô cùng bình dị"
(TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải)
"Tôi có thời gian làm việc khá lâu với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, từ khi ông còn là Phó thủ tướng dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Sau khi ông Phan Văn Khải nhậm chức Thủ tướng, tôi vẫn tiếp tục làm việc ở tổ tư vấn, mà sau này nâng lên thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.
Có thể nói, Ban Nghiên cứu đã hoạt động mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất là dưới thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Khi đó, mọi quyết sách trước khi được đưa ra, đều được các thành viên trong Ban nghiên cứu kỹ càng, rồi chuyển lại cho Thủ tướng. Nhờ vậy, đã góp phần đưa ra nhiều quyết định quan trọng, đẩy mạnh quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Nói đến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, phải nói đến cống hiến lớn nhất là đưa Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này đã khiến kinh tế Việt Nam bị đình trệ vào năm 1999-2000, thị trường bất động sản đóng băng, toàn bộ hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng khủng hoảng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Song, nhờ sự sáng suốt của nguyên Thủ tướng mà hệ thống ngân hàng thời điểm đó được tái cơ cấu lại, lạm phát được kiểm soát, kinh tế Việt Nam dần ổn định và phát triển.
Đóng góp lớn thứ hai của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là ông đã có chuyến thăm chính thức Mỹ, thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước.
Chuyến thăm này đã mở ra cơ hội hội nhập cho Việt Nam, đặc biệt là cơ hội gia nhập WTO. Nhờ những cống hiến của nguyên Thủ tướng mà Việt Nam đã ký kết được hiệp định WTO vào cuối nhiệm kỳ của ông.
Có thể nói, dưới thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nền kinh tế Việt Nam đã có thời kỳ phát triển tốt, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2005.
Riêng về con người ông, chỉ có thể nói ông là vị Thủ tướng nhân hậu, ấm áp, luôn lắng nghe mọi ý kiến và vô cùng bình dị".
VnEconomy