Một vùng đất từng khiến nhà đầu tư tranh dành nhau mảnh đẹp, đến nay “bán không được, giữ cũng không xong”
Bỏ hơn 8 tỉ đồng để gom đất Lâm Đồng, với mục đích chia lô nhưng suốt 2 năm qua, anh H (Tp.HCM) lại sống trong cảnh mất ăn mất ngủ.
Anh H cùng nhóm bạn đã từng gom hết tiền của để mua đất sào Lâm Đồng trong giai đoạn 2020-2021. Đây cũng là thời điểm đất Lâm Đồng rộn ràng hoạt động mua bán, đầu tư. Không ít người mua vào bán ra với giá chênh hàng tỉ đồng trong khoảng thời gian ngắn. Dù không có kinh nghiệm đầu tư ở thị trường Lâm Đồng trước đó nhưng nhờ có mối quan hệ với bạn bè khu vực này, anh H đã rót tiền với kì vọng giá tăng bằng lần. Đến hiện tại, những mảnh đất anh mua không những chưa phân được lô mà giá đã rớt mạnh so với mức giá mua vào.
Tình trạng như anh H không hiếm gặp trong bối cảnh thị trường hiện nay. Họ đã từng hăng hái bỏ tiền vào đất nền Lâm Đồng, thậm chí có thời điểm giành nhau mua mảnh đẹp để phân lô bán nền. Đến nay, rất nhiều nhà đầu tư từng ôm đất Lâm Đồng rơi vào trạng thái: Bán không được, giữ cũng không xong.
Đất nền Lâm Đồng đã từng tạo dấu ấn trong giai đoạn từ 2020 đến đầu năm 2022. Thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng từng chỉ ra, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 36.549 lô đất nền và 3.035 căn nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công qua công chứng. Bước sang năm 2022, số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng tiếp tục tăng mạnh và đạt đỉnh trong quý 2/2022.
Nếu như trong quý 1/2022, trên toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 12.467 giao dịch đất nền, thì sang đến quý 2/2022 lượng giao dịch tăng mạnh lên 19.669 giao dịch.
Tuy nhiên, sang đến quý 3 và quý 4/2022, thị trường bất động sản Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn về dòng vốn tín dụng eo hẹp, cộng với việc lãi suất cho vay ở mức cao đã khiến cho số cho số lượng giao dịch nhà đất tại đây giảm mạnh còn 8.804 giao dịch và 6.633 giao dịch.
Trong báo cáo về giao dịch bất động sản qua công chứng của Sở Tư pháp Lâm Đồng mới đây chỉ ra, năm 2023, số lượng và giá trị đất nền giao dịch ở Lâm Đồng đều giảm trên 60% so với năm ngoái.. Chính quyền tỉnh này cũng có nhiều động thái ngăn chặn việc phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp và cảnh báo nhà đầu tư không nên đón sóng, ăn theo ý tưởng quy hoạch các dự án.
Trong nhận định mới đây, bà Lê Thị Thắm, Ủy viên BCH Trung ương Hội, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tại Lâm Đồng cho biết, cuối năm 2023 đã có những chuyển biến nhẹ, song với đất nền, phân khúc này giao dịch nhưng vẫn còn chậm. Khách hàng hoặc nhà đầu tư quan tâm chủ yếu đến đất sào có hướng, vị trí đẹp, để xây trang trại, nông trại... Còn riêng đất phân lô, đất nền hiện thanh khoản còn khá chậm.
Theo bà Thắm, trước đó, giai đoạn 2019-2021, nhiều người đổ về Lâm Đồng, điển hình là khu vực Đà Lạt, Bảo Lộc,… để đầu tư gom mua những đồi chè, cà phê bạt ngàn để phân lô, bán đất nền.
Vào năm 2019 giá nhà đất tại đây đã tăng đến hơn 20%, có thời điểm tăng hơn 40% so với năm 2018. Cho đến năm 2020, giá nhà cũng theo đó tăng hơn 25% so với năm trước. Một vài khu vực nóng sốt còn ghi nhận mức giá tại các giao dịch lên đến 75 triệu/m
Tuy nhiên đến năm 2023, khu vực này chậm thanh khoản trở lại. Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, thanh khoản đất nền ở Lâm Đồng ảm đạm từ đầu năm 2023 đến hiện tại, quý I toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3.246 giao dịch đất nền (bằng 30% cùng kỳ 2022), tập trung chủ yếu tại các huyện Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà. Trong đó, TP.Bảo Lộc từng là “tâm sốt” cũng chỉ vỏn vẹn 476 giao dịch.
Nhịp sống thị trường