MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một xã 600 người đăng ký nghề... hoạn lợn

Tại hội nghị toàn quốc công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ngày 23/3, nhiều ý kiến cho rằng, việc đào tạo còn làm theo phong trào. Có những xã tới 600 người đi học cùng một nghề hoạn lợn là kiểu “đánh trống ghi tên”; có nơi đào tạo người học chủ yếu để “xuất khẩu” đi Trung Quốc kiếm việc...

Đánh trống ghi tên

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang cho biết, là địa phương miền núi, diện tích rộng, nhưng nông dân ở Hà Giang đang thiếu đất, thiếu nước cho sản xuất, dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh nhưng vẫn trên 38%. Năm qua, tỉnh đã dành 3,7 tỷ đồng cho đào tạo lao động nông thôn. Theo ông Quý, muốn đào tạo nghề cho bà con phải về tận thôn bản, còn gọi bà con về các trụ sở xã học thì rất khó khăn vì địa hình cách trở. Chưa kể, học xong, tạo việc làm cho bà con tại chỗ rất nan giải.

“Hiện bà con đi Trung Quốc rất nhiều. Sau học nghề xong, để có việc làm, chúng tôi ký với phía Trung Quốc để đưa lao động sang. Có huyện có tới 4.000-5.000 người qua biên giới. Toàn tỉnh mỗi năm trên 20.000 lao động sang Trung Quốc kiếm việc làm”- ông Quý nói.

Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng chia sẻ: “Nói thật, học viên học xong tự đi tìm việc làm là chính”. Chương trình đào tạo nghề còn chạy theo phong trào, chưa đánh giá phân tích kỹ, nhiều nghề dạy xong không áp dụng được. Chưa kể, giáo viên, có kiến thức chuyên môn, nhưng ít kinh nghiệm thực tiễn, nên hạn chế trong việc truyền tải cách làm ăn cho bà con nông dân.

Ông Tân cho rằng, đào tạo phải gắn với thực tiễn thì nông dân mới “thạo bài”. “Tôi vừa gặp một doanh nghiệp, dự kiến sẽ đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao vào Tây Ninh. Trong đó, dự án sẽ có máy chế phẩm sinh học, thịt heo, gà, có trang trại trồng rau củ quả sạch, hệ thống cửa hàng; trồng bông làm sinh thái; xử lý bùn sắn…Và đặc biệt, chúng tôi đề nghị phải có cơ sở đào tạo cho nông dân làm nông nghiệp hữu cơ gần đó. Liên kết và tạo cơ sở thực hành là như vậy”- Chủ tịch tỉnh Tây Ninh nói.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, sau 6 năm thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) đến nay đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó có gần 3,5 triệu lao động nông thôn được đào tạo, hỗ trợ với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp.

Ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, nhưng theo Bộ trưởng Dung, đào tạo nghề lao động nông thôn cũng có nhiều ý kiến cho rằng “gặp đâu đào tạo nấy, đánh trống ghi tên để chi tiền”. “Có những đại biểu Quốc hội, nói rằng, có xã đào tạo tập trung vào khoảng 600 người chuyên một nghề - là nghề hoạn lợn. Nếu là đào tạo nghề thật, đi làm việc thật thì còn được, nhưng nếu chỉ là đánh trống ghi tên, một xã mà 600 người làm nghề hoạn lợn thì sao? Mục tiêu như vậy là để chi tiền”- ông Dung nói.

Đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau một năm thực hiện Quyết định 971 của Thủ tướng, với chương trình đào phù hợp thực tế, sinh động hơn cho lao động nông thôn, phần nào đã khắc phục được tình trạng “đánh trống ghi tên”.

Theo ông Trung, lao động nông nghiệp nếu cứ bám kiểu cũ, trồng lúa, ngô, khoai sắn... thu nhập thấp, khiến nông dân bỏ ruộng, ra thành phố kiểm việc làm. “Nông dân họ rất muốn được đào tạo, rồi đi làm, chứ không phải học xong rồi bỏ đó. Với cách làm cũ, có những bà học mấy lớp liền cũng không giải quyết được gì. Nhưng khi đào tạo, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, nông dân có thể cho thu nhập cao hơn nhiều”- ông Trung nói.

Tuy nhiên, theo ông Trung, việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu còn lúng túng. Ngay cả 136 giáo trình soạn sẵn còn cứng nhắc, cần thay đổi. “Cần giảm tối đa các tiết học trên lớp, ít nhất là một nửa, còn lại ở mô hình thực tế, vì thế đội ngũ khuyến nông phải nhảy vào”- ông Trung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trong hàng trăm nghề đưa ra, không phải tỉnh nào cũng bám tất cả vào đấy. “Nơi nuôi trồng thủy sản thì phải đào tạo nghề thủy sản; nơi phát triển nghề nghề nuôi chim thì cũng ông đào tạo cán bộ thông thạo vào nghề đó. Đó là bám vào địa bàn, thôn ấy, xã ấy, chứ bàn chuyện trên trời, dưới biển sao được”- ông Dung nói.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc đào tạo nghề không chỉ là chính sách về việc làm, đây là tiềm năng lợi thế của đất nước. Với 54,5 triệu lao động hiện nay, trong đó có 23,5 triệu lao động (chiếm 43%) ở nông thôn, đây là nguồn tiềm năng cung cấp cho công nghiệp, dịch vụ… Tuy nhiên, theo ông Cường, từ tỉnh, huyện, xã, phải căn cứ thực tế để có “bài” riêng về đào tạo cụ thể trên địa bàn, theo phương thức đào tạo gắn với thực tế yêu cầu đơn vị sử dụng.

Bộ trưởng Cường lấy ví dụ: Gần đây ở Trà Vinh, dự án nuôi tôm giống lớn, doanh nghiệp đăng ký luôn với đại học Trà Vinh 400 kỹ sư, ra trường là nhận luôn. Kèm theo đó, là nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp với nhu cầu phát triển con tôm ở địa phương. Hay như tập đoàn TH, vừa triển khai 3.000 ha rau sạch, lúa phục vụ xuất khẩu ở Thái Bình. Mỗi héc ta họ lấy 1-2 lao động, như vậy, cần 6.000 lao động cho tập đoàn, địa phương phải chuẩn bị ngay...

Ông Cường cũng cho rằng, quá trình đào tạo lao động nông nghiệp phải bám vào nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, đi lên nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tiến tới nông nghiệp thông minh. Cùng với đó, cần bám vào ba trục sản phẩm xác định của ngành nông nghiệp là nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia có kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, thành phố và nhóm sản phẩm đặc sản, theo mô hình “mỗi làng một sản phẩm”.

Giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho 1,4 triệu lao động nông thôn; sau đào tạo, ít nhất 80% số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Kinh phí dự kiến cần khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư 1.100 tỷ đồng, địa phương 800 tỷ đồng và nguồn khác 100 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện năm 2017 dự kiến khoảng 416 tỷ đồng.

Theo Phạm Anh

Tiền phong

Trở lên trên