MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

MSB: Ẩn mình chờ bứt phá

24-04-2019 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ đầu năm 2019, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, mở đường cho loạt thay đổi toàn diện để bứt phá lên sàn chứng khoán Việt Nam.

Năm 2018 là năm bản lề để MSB củng cố và tăng cường hoạt động trong mọi lĩnh vực, tạo đà bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới 2019 - 2023.

Lợi nhuận cao nhất trong suốt 7 năm qua

Nếu như trước đây, lãi trước thuế đều nằm ở tầm trung thì MSB đã vươn lên nhóm nhà băng lãi nghìn tỷ trong năm 2018. Đây là con số kỷ lục được ghi nhận trong suốt 7 năm qua với lãi trước thuế hơn 1.053 tỷ đồng, gấp 6,4 lần so năm 2017.

MSB: Ẩn mình chờ bứt phá - Ảnh 1.

LNTT của MSB giai đoạn 2012 - 2018 (Đvt: Tỷ đồng).

Chưa dừng lại, tổng tài sản của MSB đạt gần 138 nghìn tỷ đồng, tăng gần 23% so với thời điểm cuối năm 2017. Tổng doanh thu năm 2018 của MSB được cấu thành bởi thu thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, hoạt động kinh doanh chứng khoán đầu tư, góp vốn đầu tư và từ lãi.

Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng gây ấn tượng, gấp 3,2 lần so với kết quả 2017 và gấp 15,5 lần so với năm 2016. Tổng thu nhập thuần tăng 45% so với năm 2017 và thu nhập lãi thuần tăng 81%. Hoạt động kinh doanh dịch vụ cũng gấp đôi so với năm trước. Những kết quả trên minh chứng cho tính đúng đắn trong chiến lược, định hướng của ngân hàng này.

MSB đã tập trung đẩy mạnh tài sản có sinh lãi trong những năm gần đây. Tỷ trọng tài sản có sinh lãi/tổng tài sản có của MSB luôn duy trì trên 80%. Nguồn vốn được tăng cường tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi là cho vay khách hàng, nhờ đó tỷ lệ cho vay khách hàng trong tổng tài sản có sinh lãi đã tăng từ 32% (năm 2012) lên 43% (năm 2018).

MSB cũng xử lý nợ xấu tốt và sự cải thiện khả năng sinh lợi phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Chính điều này, Moody’s đã nâng bậc Xếp hạng Tín dụng Cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh của MSB nâng từ caa1 lên b3. Cùng lúc đó, Moody’s cũng nâng bậc Tín nhiệm Rủi ro Đối tác (CRR) dài hạn của MSB từ B2 lên B1 và Đánh giá Rủi ro Đối tác (CRA) dài hạn từ B2 (cr) lên B1 (cr). Triển vọng tiền gửi và nhà phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ của MSB được Moody's đánh giá ở mức ổn định.

Thay đổi thương hiệu để bứt phá

Vào ngày 14/01/2019, Ngân hàng này đã chính thức thay đổi nhận diện thương hiệu và tên viết tắt từ Maritime Bank sang MSB. Đây là lần thứ 2 mà Ngân hàng thay đổi nhận diện thương hiệu trong suốt 28 năm thành lập và phát triển. Có thể nói việc thay đổi này giúp mở đường để MSB niêm yết lên sàn chứng khoán vào quý 3 năm 2019.

Với tên gọi và hình ảnh logo mới đơn giản, dễ đọc và dễ nhớ hơn, ngân hàng này cũng thay đổi toàn diện về chiến lược và mô hình trải nghiệm khách hàng.

Từ bắt nhịp công nghệ 4.0...

MSB cũng nhanh chóng bắt nhịp thị trường, gia nhập sân chơi 4.0 qua việc đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ để mang đến cho khách hàng những phương thức thanh toán hiện đại và an toàn. Việc này giúp lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2018 tăng 100% so với năm 2017 và gấp 3 lần so với 2016.

Ngân hàng này cũng đang xây dựng lộ trình "Ngân hàng số", số hóa quy trình, áp dụng công nghệ AI với mục đích cung cấp nhiều loại hình dịch vụ tiện ích mới, tạo ra những giá trị và trải nghiệm mới cho khách hàng. Dự án này cho phép khách hàng của MSB có thể nhận kết quả chỉ trong 48 giờ đối với khoản vay thế chấp và 24 giờ đối với khoản vay tín chấp hay mở thẻ tín dụng.

Năm 2019, MSB sẽ thúc đẩy xây dựng các dự án điển hình như: Go Banker, Big Data, Biometric authentication… Những dự án công nghệ này góp phần rút ngắn thời gian nhập dữ liệu, giảm thiểu chi phí vận hành và hoạt động, qua đó từng bước thực hiện mục tiêu mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của MSB.

…đến bước chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2019

Chính nhờ những thay đổi bứt tốc trong năm 2018, MSB được kỳ vọng sẽ đem đến sự chuyển hóa toàn diện, bứt phá mạnh mẽ trong năm 2019.

Tại ĐHCĐ vừa được tổ chức, HĐQT của MSB đã đề ra các chỉ tiêu đều tăng trưởng trong năm 2019. Cụ thể tổng tài sản tăng 11%, đạt mức 153 nghìn tỷ đồng; vốn huy động tại thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 22%; dư nợ tín dụng tăng 35%. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.860 tỷ đồng, tăng 77%. Đặc biệt vốn điều lệ sẽ tăng thêm 9% lên 12.750 tỷ đồng và tỷ lệ chia lợi tức cổ phần dự kiến lên đến 10%.

MSB cũng sẽ tiếp tục tập trung nâng cao nguồn lực về con người như: Chuẩn hóa công tác giao KPIs trên hệ thống HRIS đồng thời hoàn thiện bộ từ điển KPIs; xây dựng bộ giá trị cốt lõi và chuẩn mực ứng xử, các dự án văn hóa doanh nghiệp; triển khai kế hoạch đào tạo lãnh đạo cấp trung và tuyển chọn các khóa Quản trị viên…

Những gì gặt hái trong năm qua đã tạo đà cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu của MSB tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vào quý 3/2019 tới đây. Có thể xem đây là bước ngoặt đưa MSB lên tầm cao mới, mở rộng quy mô và minh bạch trong hoạt động, tạo uy tín, nâng tầm và khẳng định giá trị của Ngân hàng này đến với nhà đầu tư.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên