MSB: Lợi nhuận năm 2023 đạt 5.830 tỷ đồng, các chỉ số đều tăng trưởng tốt, tỷ lệ CASA nằm trong top 4 toàn ngành
Trong các mảng kinh doanh trọng yếu thì thu từ dịch vụ ở MSB tăng trưởng tốt nhất với 44%. Số hoá mạnh mẽ không chỉ giúp nhà băng này hút lượng lớn khách hàng mà còn tiết giảm được chi phí hoạt động.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận năm 2023 tăng nhẹ so với năm 2022, chất lượng tài sản ổn định. Trong bối cảnh thị trường biến động, MSB hướng tới đa dạng hóa nguồn thu và tập trung phát triển các dự án số.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của MSB đạt hơn 267 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đạt 22,43% thuộc nhóm cao nhất ngành, với danh mục tín dụng được phân bổ đa dạng, tập trung những ngành cốt lõi của nên kinh tế, qua đó giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng vốn. Ngân hàng cũng giảm dần tỷ lệ cho vay bất động sản khi tỷ lệ dư nợ bất động sản trên tổng dư nợ còn 8,8%.
Bên cạnh đó, mảng chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận tăng trưởng 20%, từ mốc 31,6 nghìn tỷ đồng cuối năm 2022 lên 37,9 nghìn tỷ đồng kết thúc năm 2023 với 96% tổng danh mục là Trái phiếu Chính phủ và Trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành. Sau khi hiện thực hóa lợi nhuận một phần lớn danh mục Trái phiếu chính phủ trong năm 2022, MSB thiết lập lại danh mục đầu tư mới và tiếp tục gia tăng nguồn thu cho năm 2023.
Tổng tiền gửi tại ngày 31/12/2023 là trên 132 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 97,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; tiền gửi từ khách hàng cá nhân luôn ở mức cao, đạt xấp xỉ 76 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 57% tổng danh mục, tăng 26% so với cùng kỳ; số dư CASA chiếm 26,54% tổng huy động vốn. Dù biến động lãi suất quý cuối năm 2022 và trong năm 2023 dẫn tới xu hướng giảm của CASA trên toàn thị trường, MSB giữ vị trí top 4 ngân hàng có chỉ số này cao nhất ngành. Vị thế này cũng khẳng định sự bắt nhịp nhanh chóng và phù hợp của sản phẩm MSB với thị hiếu người dùng cũng như khả năng thu hút tốt khách hàng sử dụng dịch vụ.
Về kết quả hoạt động, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của MSB năm 2023 đạt xấp xỉ 12,3 nghìn tỷ đồng trong năm qua, tăng 15% so với năm 2022 với thu nhập lãi thuần và thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đều tăng trưởng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,6 nghìn tỷ. Lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối cũng tăng nhẹ 7% so với năm trước, đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.
Kết thúc 2023, tổng thu thuần của MSB tăng trưởng 15%, cao hơn mức 9% của chi phí hoạt động, đưa chỉ số chi phí/doanh thu (CIR) của Ngân hàng xuống mức 39,16%, thấp hơn 2,23 điểm % so với cuối năm 2022. Đây cũng là kết quả từ các dự án số hóa mà MSB đầu tư trong các năm gần đây.
Từ những kết quả trên, cùng với việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động trong tình hình biến động của thị trường chung, MSB đạt mức lợi nhuận trước thuế cho năm 2023 là 5.830 tỷ đồng.
Về các chỉ số an toàn hoạt động, thanh khoản MSB duy trì ổn định và ghi nhận số liệu tích cực với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) đạt 67,55%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (MTLT) chỉ 24,87%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ theo Thông tư 11 là 1,94%, thể hiện sự nỗ lực của ngân hàng trong việc kiểm soát nợ xấu để củng cố sức mạnh bảng cân đối trước tác động của thị trường. Chỉ số an toàn vốn hợp nhất (CAR) của MSB tăng lên mức 12,76% từ mức 12,33% cuối năm 2022.
Một trong những động lực tăng trưởng kinh doanh của MSB đến từ các dự án số. Trong năm 2023, với khách hàng doanh nghiệp, MSB triển khai thành công việc số hóa toàn bộ hành trình cấp tín dụng (bao gồm thế chấp và tín chấp), phục vụ mọi nhu cầu cấp mới và tái cấp tín dụng; nâng tỷ lệ khách hàng trải nghiệm sản phẩm này trên kênh số lên 122%, điểm hài lòng khách hàng đạt 80,2/100. Song song, MSB cũng từng bước hoàn thành dự án luồng cho vay thẳng (STP), tiến tới vay không điểm chạm với khách hàng doanh nghiệp. Theo đó, hệ thống sẽ thực hiện tự động việc tra cứu thông tin doanh nghiệp, các tiêu chí về CIC và chấm điểm không có sự tác động của con người, từ đó tăng tốc độ xử lý tới 9 lần so với quy trình truyền thống. Khách hàng có thể nhận được phê duyệt vay trong vòng 4 giờ đồng hồ. Tương tự, với khách hàng cá nhân, dự án cho phép tự động hóa mo-đun thu nhập, tra cứu 224 tiêu chí CIC chỉ trong 3 phút nhằm nhanh chóng ra quyết định phê duyệt, đồng thời phát hiện sớm rủi ro, dự báo quá hạn và cảnh báo sớm.
Từ những ưu điểm vượt trội, kênh số của MSB trong năm 2023 đã thu hút mới hơn 1,3 triệu khách hàng, nâng tổng số lượng khách hàng lên 5,2 triệu; thúc đẩy số lượng giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử đạt 110 triệu giao dịch - tăng 38% so với cùng kỳ 2022, tổng giá trị giao dịch đạt 1,5 triệu tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, MSB đã ký kết nhiều hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực phát triển bền vững, tiêu biểu như Ý định thư (LOI) với Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan (FMO), đánh dấu bước đầu tiên trong việc cấp hạn mức tối đa 100 triệu USD cho mục đích tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các dự án xanh. Ngân hàng cũng áp dụng hệ thống đánh giá rủi ro môi trường – xã hội theo chuẩn quốc tế trong quá trình phê duyệt khoản vay và đang trong quá trình xây dựng hệ thống này cho nghiệp vụ tài trợ thương mại.
An ninh Tiền tệ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- Cuộc đua CASA ngân hàng: Từ “thách thức kép” 2023 sang “thuận lợi kép” 2024
- Sẽ sớm có ngân hàng Việt Nam cán mốc lợi nhuận 2 tỷ USD
- Chạy đà ấn tượng, Techcombank sẽ “bay cao” trong năm “rồng”?
- Cuộc đua tăng vốn ngân hàng: Từ một nhà băng vắng tên trong Top 10, sau 10 năm vọt lên dẫn đầu và bỏ xa Big 4
- Cuộc đua hút tiền gửi: Những ngân hàng nào được người dân gửi nhiều tiền nhất?