Mua 1 con vẹt cho đỡ cô đơn, cụ già giật mình vì con vừa già vừa xấu lại đắt nhất: Đạo lý đáng ngẫm phía sau
Tại sao 1 con vẹt vừa già vừa xấu xí, không biết nói nhiều thứ tiếng mà lại có giá đắt gấp nhiều lần những con vẹt đẹp đẽ, biết nói nhiều ngôn ngữ? Đạo lý phía sau rất thâm thúy.
1. Mua vẹt
Có một cụ già nọ vô cùng cô đơn. Nhìn thấy nhà hàng xóm có nuôi vài con vẹt, ông cũng muốn mua một con. Một hôm, ông ra chợ chim ở thành phố, nơi đây bán rất nhiều vẹt, to nhỏ đều có.
Đầu tiên, cụ già nhìn thấy phía trước một con vẹt có dán thông tin: Con vẹt này biết hai ngôn ngữ, giá bán 200 đồng.
Đi tiếp, cụ lại thấy một con vẹt nữa, phía trước dán mẩu giấy có ghi: Con vẹt này biết 4 ngôn ngữ, giá 400 đồng.
Cụ già bắt đầu cảm thấy khó khăn khi đưa ra lựa chọn, không biết nên chọn con nào. Cả hai con vẹt đều có bộ lông rất đẹp, hoạt bát đáng yêu.
Rồi ông cụ lại nhìn ngó xung quanh một lượt, xem còn có con nào phù hợp hơn nữa không.
Và ông cụ phát hiện ra một con vẹt đã già, lông vừa xấu vừa xù. Ông nghĩ: "Con quạ này chắc không ai muốn mua đâu."
Thế nhưng tiến lại gần nhìn vào nhãn dán phía trước con chim, ông cụ giật mình vì giá của nó được đề là 800 đồng.
Ông cụ vội hỏi người bán hàng: "Con chim này có phải thông thuộc 8 loại ngôn ngữ không?"
"Không" – người bán hàng trả lời.
Ông cụ cảm thấy lạ, hỏi tiếp: "Vậy tại sao một con vẹt vừa già vừa xấu, lại không có khả năng gì lại đắt như vậy?"
Người bán hàng đáp: "Vì hai con vẹt kia gọi con vẹt này là ông chủ."
Lời bình
Bản thân người lãnh đạo đã là một dạng tài năng cao quý. Không nhất định phải mạnh hơn cấp dưới, càng không ngu xuẩn đến mức phải đi so sánh mạnh, yếu với cấp dưới, chỉ cần biết tín nhiệm, ủy quyền, giám sát và trân trọng là có thể đoàn kết những lực lượng lớn mạnh hơn mình, từ đó nâng cao giá trị của bản thân.
2. Bạn của chúa sơn lâm
Là chúa sơn lâm cai quản vương quốc rừng sâu, Hổ dường như đã nếm đủ tất cả những gian khổ, khó khăn trong việc quản lý của nó.
Cuối cùng, nó thừa nhận, thì ra nó cũng có mặt yếu đuối. Nó khát vọng biết bao, rằng bản thân có thể được giống như những con vật khác, được sống và hưởng thụ những niềm vui khi ở cùng bạn bè, lúc phạm sai lầm sẽ được các anh em bạn hữu nhắc nhở một cách chân thành.
Một hôm, Hổ hỏi Sư tử: "Anh có phải là bạn của ta không?"
Sư tử cười tươi rói, nó trả lời: "Tất nhiên rồi, tôi mãi mãi là người bạn trung thành nhất của anh."
"Nếu đã như vậy, tại sao mỗi khi ta phạm sai lầm đều không nhận được sự nhắc nhở chân thành từ anh?" Hổ hỏi.
Sư tử nghĩ một lúc mới thận trọng trả lời: "Là cấp dưới của anh, tôi có thể đã sùng bái anh một cách mù quáng, vì thế mà không thể nhìn ra sai lầm của anh chăng. Hay là anh đến hỏi Cáo đi."
Và rồi Hổ đi hỏi Cáo. Cáo đảo đảo mắt, trả lời với giọng tâng bốc: "Sư tử nói đúng lắm ạ, chúa sơn lâm vĩ đại như thế, ai có thể nhìn thấy sai lầm của anh đây?"
Lời bình
Nếu như khi trưng cầu ý kiến của cấp dưới mà vẫn dùng thái độ, kiểu cách của một người lãnh đạo để hỏi hoặc ngày thường chẳng màng tới việc duy trì quan hệ với cấp dưới, bạn chỉ có thể nhận được câu trả lời giống như của Sư tử và Cáo mà thôi.
Ảnh minh họa.
3. Thay đổi thái độ
Tôi đến Mỹ du học. Một hôm, một người bạn đã đi làm của tôi có than thở với tôi về ông Sếp người Mỹ đã "ăn" anh ta, không những trả lương thấp mà còn cố ý kéo dài đơn xin cấp thẻ xanh (quyền được ở lại Mỹ) của anh ta.
Khi đó, tôi nói: "Một người quản lý tệ như vậy, nghỉ việc không làm nữa cũng đáng. Nhưng chẳng lẽ cậu chấp nhận phí công sức lâu như vậy mà chẳng thu được thứ gì sao? Cậu cần phải học thêm được một chút nữa rồi hãy nghĩ đến việc nghỉ làm, tìm việc khác."
Nghe lời khuyên của tôi, bạn tôi không chỉ làm chấp nhận tăng ca mà còn ở lại đọc sách, giấy tờ văn bản của công ty bằng tiếng Anh.
Thậm chí, đến việc sửa máy in thế nào, anh ta cũng đứng cạnh thợ sửa máy ghi chép, học hỏi, với ý định một ngày nào đó ra ngoài lập nghiệp, anh ta có thể bớt được chút chi phí sửa đồ.
Chừng nửa năm sau, tôi hỏi bạn tôi có ý định nhảy việc nữa không, bạn tôi cười đáp: "Không cần nữa!
Ông chủ của tôi bây giờ xem trọng tôi lắm, thăng chức và tăng lương cho tôi rồi, mà thẻ xanh cũng sắp làm được rồi. Ông ấy còn hỏi tôi tại sao thái độ làm việc lại thay đổi 180 độ như vậy, tích cực như vậy."
Lời bình
Ngừng than vãn, oán trách và thay đổi thái độ của bản thân, đó là cách tốt nhất để thay đổi tình huống, hoàn cảnh.
Trước khi kỳ vọng người khác thay đổi, bản thân mỗi người hãy chủ động thay đổi theo hướng tích cực, nỗ lực của bạn sẽ được ghi nhận và khiến người khác phải nhìn nhận lại, mọi việc tự nhiên sẽ trở nên thật dễ dàng.
Trí thức trẻ