Mua cả một thị trấn với giá 13.000 đồng/m2 giữa lòng nước Mỹ: Chuyện khó tin này là thật?
Người ta bán cả 1 thị trấn có diện tích 40,5 triệu m2 với giá chỉ khoảng 560 tỷ đồng.
- 28-05-2023Làm 3-4 tiếng/ngày kiếm ngay 94 triệu/tháng: Không cần dậy sớm, không đến công ty vẫn có thu nhập cao là có thật
- 27-05-2023Loại quả phổ biến ở Việt Nam được Nhật Bản cải tiến thành ‘kim cương đỏ’, Trung Quốc ‘mê mẩn’ dù giá đắt hơn 2-5 lần: Tất cả là nhờ nắm giữ ‘giống lạ’
- 27-05-2023Nếu Mỹ vỡ nợ, hai quốc gia châu Á này gặp "tai bay vạ gió"
Eagle Mountain là khu vực nằm cạnh Công viên quốc gia Joshua Tree, cách Los Angeles khoảng ba giờ về phía Đông. Trong nhiều năm qua, chẳng mấy ai sinh sống tại khu vực này nên nơi đây được gọi là thị trấn ma.
Tại đây, chỉ còn vài nhân viên an ninh thỉnh thoảng lui tới kiểm tra. Tòa nhà duy nhất vẫn còn được sử dụng là Trường Eagle Mountain, nằm bên ngoài khu vực có hàng rào, nơi cung cấp dịch vụ giáo dục cho trẻ em trong vùng lân cận.
Tuy nhiên, tờ Fortune đưa tin, vào cuối tháng trước, thị trấn Eagle Mountain đã được mua lại với giá 22,58 triệu USD (khoảng 560 tỷ đồng). Người mua là công ty Ecology Mountain Holdings, hiện tại họ vẫn chưa thông báo sẽ quy hoạch khu vực này ra sao.
Được biết, Eagle Mountain rộng khoảng 10.000 mẫu Anh (khoảng 40,5 triệu m2) và trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều đoàn làm phim lớn. Những cảnh quay quan trọng trong bộ phim Tenet của đạo diễn Christopher Nolan hay Stand By Me của Rob Reiner đều được quay ở đây.
Trung bình, giá mỗi m2 đất ở đây vào khoảng 13.000 vnđ.
Quay về trước đây, nơi này từng là khu vực sinh sống của các nhân viên thuộc công ty Kaiser Steel. Năm 1948, Henry Kaiser đã mở mỏ quặng sắt tại đây, mỏ này từng là mỏ sắt lớn nhất Nam California.
Vì vậy, có hàng ngàn công nhân đã sinh sống tại Eagle Mountain. Ở thời kỳ phát triển nhất, nơi này có dân số lên tới 4.000 người cùng rất nhiều ngôi nhà được xây dựng chắc chắn và bao gồm cả nhà di động.
Năm 1981, không may, công ty Kaiser Steel đã phải đóng cửa. Nguồn thu nhập chính của thị trấn không còn nên hầu hết người dân đã rời đi. Cửa hàng cuối cùng của Eagle Mountain đóng cửa vào năm 1982, và sau đó là Bưu điện vào năm 1983.
Từ đó để lại tàn tích của hàng trăm ngôi nhà, khu vực giải trí 350 chỗ ngồi cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác.
Chưa hết, ngoài những lần xuất hiện trên màn ảnh, vùng đất này cũng từng có dự định sẽ quy hoạch cho nhiều dự án nhưng không mang lại kết quả lâu dài.
Một vài nỗ lực đã được thực hiện để đưa thị trấn trở lại cuộc sống bình thường. Nơi đây đã được xây dựng thành một nhà tù và hoạt động từ năm 1991 đến năm 2003, mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Nhưng sau đó nhà tù đóng cửa, thị trấn lại trở nên vắng vẻ và gần như chẳng ai sinh sống.
Hay vào năm 1989, Kaiser Ventures - một công ty kế thừa từ Kaiser Steel đã đề xuất biến mỏ lộ thiên thành bãi xử lý rác thải hợp vệ sinh. Tuy nhiên, nhiều người không tán thành với ý tưởng xử lý rác ngay bên cạnh Công viên Quốc gia Joshua Tree. Vì vậy, các vụ kiện bắt đầu và sau đó dự án đã không đi đến kết quả.
Vào năm 2015, công ty Năng lượng Eagle Crest đã mua quyền sở hữu đối với các hầm mỏ cũ và đề xuất một dự án thủy điện trị giá 2 tỷ USD. Mục đích nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo ở Nam California và giảm lượng khí thải nhà kính.
Dù kế hoạch được phê duyệt nhưng lại không có động thái mới nào kể từ tháng 5/2019 và giấy phép thì hết hạn từ năm 2018.
Vào ngày 17/4 vừa qua, khu đất và khu khai thác của Eagle Mountain, California đã chính thức được mua lại. Tờ Fortune nhận định, Ecology Mountain Holdings chưa có độ nhận diện lớn nào tại California, ngoài địa chỉ kinh doanh được đặt tại thành phố Cerritos. Rất ít người biết đến công ty này và được cho là khá bí ẩn. Được biết, công ty có thể sẽ có các kế hoạch liên quan đặt tại Trung tâm sa mạc - cách thị trấn ma khoảng nửa giờ về phía Nam.
Tham khảo Fortune, Desertusa
Nhịp sống thị trường