MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa đại hội: Ngân hàng nào chia cổ tức tiền mặt làm ấm lòng cổ đông?

26-04-2023 - 16:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng thương mại đã công bố dự kiến mức chia cổ tức. Tuy nhiên, mức độ chia có sự khác nhau.

Nhiều ngân hàng đã thông báo kế hoạch trả cổ tức. Đáng chú ý, một số ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.

Ngày 7/4, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 còn lại với tỷ lệ 5% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng. Theo đó, với gần 2.107,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, VIB sẽ phải chi khoảng 1.053 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 6/4, thời gian thanh toán cổ tức từ ngày 5/5.

Còn ngày 3/3, VIB thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là ngày 10/2.

Như vậy, tổng mức chia cổ tức năm 2022 qua hai đợt chi trả trên là 15% bằng tiền, đúng như ĐHĐCĐ ngân hàng tổ chức vào giữa tháng 3/2023. Ngoài phương thức chia cổ tức bằng tiền, đại hội của VIB cũng đã thông qua việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%, đồng thời phát hành 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.

TPBank cũng thông báo phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023, dự kiến là 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. Thời gian chi trả dự kiến trong quý I. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính đã kiểm toán. Theo đó, đây là ngân hàng đầu tiên lấy ý kiến cổ đông về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.

Với ACB, trong kế hoạch lợi nhuận và phân phối lợi nhuận năm 2022, ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên, ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt sau 7 năm. Trước đó, năm 2015, ACB đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 700 đồng.

Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ năm 2022, VPBank cũng cho biết dự kiến từ năm nay sẽ trình ĐHCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hằng năm. Ngân hàng cũng đã thực hiện phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 50% để chia cổ tức cho cổ đông, từ đó tăng vốn điều lệ lên 67.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Mùa đại hội: Ngân hàng nào chia cổ tức tiền mặt làm ấm lòng cổ đông? - Ảnh 1.

Một số ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Ảnh: HDBank.

Tại đại hội đồng cổ đông được tổ chức theo hình thức kết hợp offline, HDBank trình cổ đông thông qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, định hướng hoạt động năm 2023 và thông qua các tờ trình hội đồng quản trị, bao gồm phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, tăng vốn điều lệ và một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội cổ đông.

Đáng chú ý nhất, tại đại hội cổ đông lần này, HDBank trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 25%, từ đó tăng vốn điều lệ lên 29.276 tỷ đồng. Mức cổ tức cao năm nay có được nhờ HDBank trong việc duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng cao năm 2022.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Theo tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, MB có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong năm nay.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2022 để lại của MB sau khi trích các quỹ là 12.151 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế (bao gồm lợi nhuận để lại các năm trước) là 13.261 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, 6.801 tỷ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15%. Bên cạnh đó, 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%.

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% sẽ giúp vốn điều lệ của MB tăng thêm 6.801 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành là hơn 680 triệu đơn vị, thực hiện trong năm 2023.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm 1.542 tỷ đồng cho vốn điều lệ từ việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Đáng chú ý, dù không chia cổ tức bằng tiền mặt, nhưng sau 9 năm “nhịn” cổ tức, năm nay Eximbank thông báo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm gần 2.459 tỷ đồng lên 14.814 tỷ đồng.

Theo đó, cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% và ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền là 20/2. Số lượng cổ phiếu phát hành dự kiến là 245,88 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 2.458 tỷ đồng.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên