MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa ĐHCĐ 2017: Lại "bùng phát" tranh cãi giữa cổ đông nhỏ và Lãnh đạo doanh nghiệp

24-04-2017 - 09:42 AM | Doanh nghiệp

Mặc dù sở hữu cổ phần – đại diện cho quyền sở hữu doanh nghiệp, tuy nhiên trong một số trường hợp tiếng nói của các cổ đông nhỏ lẻ đang dần đánh mất “trọng lượng” và chỉ còn mang tính thảo luận trong khuôn khổ phiên họp ĐHĐCĐ.

Cuối tuần trước, phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, VLC) đã được diễn ra. Tuy nhiên, không khác nhiều so với không khí cách đây một năm, phiên họp lần này tiếp tục chứng kiến diễn biến căng thẳng giữa những cổ đông nhỏ lẻ và GTNFoods – doanh nghiệp đã thâu tóm Vilico sau khi một tờ trình công bố trước đó bất ngờ được rút đi ngay trước thềm ĐHĐCĐ.

Theo các cổ đông, việc ban điều hành VLC đưa ra tờ trình trong tài liệu trước Đại hội rồi rút đi mà không có một giải trình cụ thể là thể hiện sự thiếu tôn trọng với các cổ đông của công ty. “Dù các anh đã thâu tóm được 65% cổ phần của công ty, thì các cổ đông nhỏ lẻ cũng đang nắm giữ 35%. Đề nghị ban lãnh đạo mới phải có trách nhiệm và lương tâm để bù đắp cho cổ đông nhỏ. Việc trình kế hoạch rồi rút lại với một lý do mang tính bao biện đã khiến cho niềm tin bị giảm sút rất nhiều.”, một cổ đông cá nhân bức xúc cho biết.

Cách đây một năm – ngay trước thời điểm GTNFoods thâu tóm VLC, ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của doanh nghiệp này cũng vấp phải sự phản đối gay gắt của các cổ đông với một số vấn đề được nêu ra. Trong đó, vấn đề chính nằm ở hai tờ trình là phát hành tăng vốn và cho phép GTNFoods nâng sở hữu từ 7,35% lên 65% không cần chào mua công khai. Ít nhất 2 cổ đông cá nhân đã đề nghị trước Đại hội yêu cầu GTNFoods phải thực hiện chào mua theo pháp luật, trong khi đại diện Quản lý quỹ VCB đề xuất không đưa tờ trình này vào nội dung Đại hội. Tuy vậy, dù bị phản đối nhưng với sở hữu áp đảo từ nhóm cổ đông lớn, các tờ trình đều đã được thông qua.

Cùng là vấn đề quyền lợi của nhóm cổ đông nhỏ lẻ nhưng câu chuyện tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Như thành thông lệ những năm gần đây, một cổ đông cá nhân đã trở thành “nỗi ám ảnh” cho ban điều hành, khi mỗi năm đều dành cho HĐQT ít nhất 20 câu hỏi. Mà nguyên nhân theo vị này là bởi sau 3 năm bỏ vốn vào cổ phiếu SHI, hầu như không thu lại được gì khi cổ phiếu chỉ loanh quanh dưới mệnh giá.

Theo nhà đầu tư này, Sơn Hà là doanh nghiệp có nền tảng tốt, sản phẩm có thương hiệu nhưng cổ phiếu hầu như không được chú ý đến là bởi tính minh bạch trong vấn đề quản trị và sự tham gia của cổ đông độc lập trong doanh nghiệp còn quá hạn chế. Không ít lần nhà đầu tư này đề nghị có thêm vị trí thành viên HĐQT độc lập để giám sát hoạt động nhưng ban điều hành Sơn Hà vẫn chưa có động thái cụ thể cho vấn đề này.

Còn rất nhiều những cuộc họp mà cổ đông nhỏ thể hiện thái độ gay gắt với lãnh đạo DN, ví dụ như ĐHCĐ của Masan Resources, sự bất đồng về ngôn ngữ Anh - Việt càng khiến cho cổ đông bức xúc hơn.

Theo một số chuyên gia, câu chuyện xung đột giữa quyền lợi của nhóm cổ đông nhỏ lẻ trong một số trường hợp, hay tâm lý “cửa trên” của nhóm cổ đông lớn, đặc biệt là nhóm cổ đông sở hữu đủ số cổ phần chi phối doanh nghiệp, là điều không khó lý giải. Với cơ chế biểu quyết tính theo số cổ phần, cho dù toàn bộ cổ đông nhỏ lẻ có đứng lên phản đối nhưng ban điều hành nắm giữ trên 65% vốn thì gần như mọi vấn đề đều sẽ được thông qua (trừ trường hợp vấn đề gắn với quyền lợi của nhóm cổ đông liên quan sẽ bị loại trừ khi biểu quyết).

Tuy nhiên, không hẳn không có tác động khi xung đột giữa hai nhóm cổ đông này diễn ra, đặc biệt khi ảnh hưởng không chỉ dừng ở doanh nghiệp, mà còn tác động đến giá trị tài sản của các cổ đông lớn.

Không tìm thấy tiếng nói chung về mặt lợi ích, hay cảm thấy bản thân không được tôn trọng có thể khiến các cổ đông nhỏ lẻ rời khỏi doanh nghiệp, cho dù lượng cổ phần nắm giữ không phải quá lớn nhưng nếu hiệu ứng này xuất hiện đồng loạt, ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường là điều chắc chắn. Trong khi điều này cũng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư đang có ý định xuống tiền phải chần chừ.

Không ít cổ phiếu trên thị trường, thậm chí cả cổ phiếu Bluechip cũng chỉ đi ngang hoặc không được nhà đầu tư chú ý, bởi “coi thường” quyền lợi của những cổ đông nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thay vì đối đầu, việc thỏa hiệp đang trở thành là một cách thức khôn khéo hơn được nhiều ban lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn.

Trong mùa ĐHĐCĐ thường niên, nhiều doanh nghiệp cũng “nhún nhường”, chấp nhận những đề nghị từ các cổ đông nhỏ lẻ. Đơn cử như vấn đề cổ tức – một trong hai mục đích khi đầu tư vào cổ phiếu bên cạnh lợi nhuận từ chênh lệch giá, và cũng là một trong những khúc mắc lớn nhất giữa cổ đông nhỏ lẻ và ban điều hành. Không ít trường hợp, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã chấp nhận tăng mức cổ tức hoặc tăng mức thưởng cổ phiếu so với kế hoạch đã thông qua, theo yêu cầu từ nhóm cổ đông nhỏ lẻ.

Mới đây nhất là tại ĐHCĐ của CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 (C32), trước đề xuất của cổ đông về việc tăng tỷ lệ cổ phiếu thưởng từ 10% lên 20%, HĐQT đã thay đổi tờ trình và ĐHCĐ thông qua con số 20%.

Việc này không chỉ tăng uy tín của ban điều hành, làm hài lòng nhóm cổ đông này mà với vị thế của các cổ đông lớn, những người trong ban điều hành doanh nghiệp cũng được lợi ích không hề nhỏ.

Theo đánh giá từ một số cổ đông, việc quan tâm đến ý kiến của nhóm cổ đông nhỏ lẻ không chỉ vì quyền lợi mà còn đại diện cho sự tôn trọng giữa những người cùng làm chủ doanh nghiệp, cho dù quyền biểu quyết của nhóm cổ đông này gần như không đem lại sức ép đến nhóm cổ đông chi phối.

Tuyết Lan

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên