MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Mùa đông” của các ông lớn xây dựng: Hòa Bình giảm lương và giờ làm, Coteccons lỗ hơn trăm tỷ đồng?

23-12-2022 - 16:11 PM | Doanh nghiệp

Lợi nhuận của cả Coteccons và Hòa Bình đang bị bào mòn bởi các chi phí nguyên vật liệu, chi phí quản lý và trích lập dự phòng.

Xây dựng Hòa Bình “thắt lưng buộc bụng”

Theo nguồn tin từ báo Xây dựng, từ đầu tháng 12/2022, công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ bắt đầu áp dụng các phương án tiết giảm chi phí theo lộ trình, trong đó tiết giảm chi phí nhân sự đầu tiên. Cụ thể, Xây dựng Hòa Bình sẽ giảm tỷ lệ hiệu suất công việc và các khoản phụ cấp theo lương đối với CBNV toàn công ty.

Đối với Ban Tổng Giám đốc, ban cố vấn, giám đốc chức năng, giám đốc dự án cấp cao là 35%. Phó giám đốc chức năng, Giám đốc dự án, cấp trưởng phòng, chỉ huy trưởng hoặc tương đương giảm 20%. Bên cạnh đó, một số chế độ khác như khen thưởng, phúc lợi cũng tạm ngừng. Phụ cấp tiền cơm trưa, chế độ Bảo hiểm sức khỏe không thay đổi.

Với khối văn phòng, CNBV sẽ nghỉ không lương thứ Bảy, thực hiện thời gian làm việc 40 giờ/tuần. Trưởng bộ phận, trưởng nhóm, chuyên viên và nhân viên khối văn phỏng giảm tối thiểu 15% trên tổng hiệu suất công việc và phụ cấp theo lương.

Với khối công trường, tỷ lệ với chỉ huy trưởng và vị trí tương đương là 20%. Đặc biệt, với các dự án đang ngưng thi công, hết việc hoặc giãn tiến độ, các nhân sự chủ chốt sẽ được giữ lại. Những cán bộ chưa thể bố trí, sắp xếp công việc sẽ thực hiện thỏa thuận ngưng việc tối đa ba tháng. Nhân sự không được đánh giá cao sẽ thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động.

“Mùa đông” của các ông lớn xây dựng: Hòa Bình giảm lương và giờ làm, Coteccons lỗ hơn trăm tỷ đồng? - Ảnh 1.

Trong bức thư gửi toàn thể cán bộ nhân viên, ông Lê Viết Hiếu - Phó Tổng giám đốc thường trực, cũng là con trai nhà sáng lập Lê Viết Hải, cho biết đây là giải pháp cấp bách để tồn tại và phát triển, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành xây dựng. Nhiều chủ đầu tư hiện cũng không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn với Tập đoàn Hòa bình, nhiều công trình phải giãn tiến độ, thậm chí ngưng hoạt động.

Trả lời phỏng vấn sau khi nhậm chức Chủ tịch, ông Nguyễn Công Phú cũng thẳng thắn chia sẻ: "Chủ kiến của tôi hiện nay đối với hệ lụy khủng hoảng là thanh khoản công ty gặp khó vì số lượng hợp đồng cho năm 2023 giảm đến 40%. Khách hàng rất chậm thanh toán, trường hợp xấu là có thể mất trắng vì họ phá sản, rủi ro mất trắng ít nhất là 50%. Việc dư thừa nhân sự từ sau Tết đến 6 tháng sau phải giải quyết nhanh nhưng phải công minh, công bằng qua đợt 2 kiểm toán nhân sự và hệ thống quản trị phù hợp với công ty đại chúng".

Các buổi tiệc, sự kiện golf hay chương trình tri ân khách hàng cũng phải cắt giảm tối đa. Các lãnh đạo, điều hành cấp cao sẽ được huy động để cơ cấu nợ phải trả cho ngân hàng, cho nhà cung ứng vật liệu…

“Mùa đông” của các ông lớn xây dựng: Hòa Bình giảm lương và giờ làm, Coteccons lỗ hơn trăm tỷ đồng? - Ảnh 2.
“Mùa đông” của các ông lớn xây dựng: Hòa Bình giảm lương và giờ làm, Coteccons lỗ hơn trăm tỷ đồng? - Ảnh 3.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh Quý III/2022, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.778 tỷ đồng, gấp 180% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 6,27 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ 2021. Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của doanh nghiệp này bị bào mòn là sự phình to của giá vốn hàng bán và chi phí quản lý.

Tính riêng Quý III/2022, giá vốn hàng bán (chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, chi phí máy móc,…) của Hòa Bình đạt 3.495 tỷ đồng, bằng 92% doanh thu thuần và gấp 1,8 lần cùng kỳ 2021. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 3,4 lần so với cùng kỳ, lên mức 153,45 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng và các chi phí khác cũng ghi nhận tăng.

Coteccons: Dự phòng tăng mạnh, nhân sự chuyển qua mảng mới

Một ông lớn khác trong ngành là Coteccons cũng không ngoại lệ. Những khó khăn chung từ thị trường khiến chi phí nguyên vật liệu, chi phí phát sinh vì dự án chậm tiến độ, đối tác chậm thanh toán… đồng loạt tăng.

Báo cáo hợp nhất Quý III/2022 cho biết, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.113 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng phi mã với tốc độ tương ứng, từ 1.054 vào Quý III/2021 tỷ lên 3.081 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng mạnh từ 41 triệu đồng (Quý III/2021) lên 24,5 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 13 tỷ, cùng các chi phí khác đã khiến Coteccons lỗ ngược 3 tỷ đồng trước thuế.

Điều này đã kéo biên lợi nhuận gộp Quý III/2022 của Coteccons xuống mức thấp nhất lịch sử là 1,1%, góp phần đưa tỷ suất lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2022 giảm xuống còn 3,8%.

Bức tranh tài chính của Coteccons dường như cũng chưa thấy nhiều điểm sáng trong Quý IV/2022. Báo cáo phân tích của Mirae Asset đã hạ kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2022 của Coteccons từ 5% xuống còn 3,5%.

“Ngoài ra, theo ban lãnh đạo, các khoản nợ phải thu của Coteccons trong Quý III/2022 là 1.800 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã trích lập dự phòng 700 tỷ đồng cho 3 khách hàng bao gồm Ngôi Sao Việt, Triton, Kenton. Chúng tôi lưu ý rằng việc trích lập dự phòng cho các khoản phải thu cũ này vẫn chưa được thực hiện mặc dù chúng phát sinh từ các dự án đã hoàn thành cách đây vài năm và vẫn chưa được thanh toán bằng tiền mặt. Trong hai năm qua, do Coteccons đang tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp trên diện rộng, các thành viên HĐQT đã tích cực trích lập dự phòng cho các khoản phải thu lâu năm này để lành mạnh hóa bảng cân đối kế toán”, báo cáo Mirae Asset nhấn mạnh.

Trong khi đó, việc dự án The Spirit of Saigon (Khu tứ giác Bến Thành) dù đã thực hiện nhưng bất ngờ thay đổi nhà thầu thi công, cùng với việc chậm tiến độ có thể sẽ khiến Coteccons phải trích lập thêm một khoản dự phòng vào Quý IV này.

Mirae Asset ước tính Coteccons sẽ đạt doanh thu 10.440 tỷ đồng cho cả năm 2022, tăng 15% so với năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm tới 96,4% doanh thu thuần, chạm mức 10.074 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ mốc 516 tỷ của năm 2021 lên 793 tỷ đồng, trích lập dự phòng 922 tỷ đồng (so với 661 tỷ đồng vào năm 2021). Do đó, dự phóng cả năm, Coteccons lỗ 110 tỷ đồng, không đạt mục tiêu lợi nhuận 20 tỷ đồng như đầu năm đề ra.

“Mùa đông” của các ông lớn xây dựng: Hòa Bình giảm lương và giờ làm, Coteccons lỗ hơn trăm tỷ đồng? - Ảnh 4.

Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 của Coteccons do Mirae Asset công bố

Một điểm khác cần lưu ý, với cách tính backlog ghi nhận theo thực tế phần lớn đang đến từ những hợp đồng theo mô hình fast-track, Coteccons công bố trong biên bản họp Phân tích tình đến thời điểm ngày 18/11/2022, giá trị backlog để lại từ 2021 đến thời điểm hiện tại là 7.700 tỷ. Giá trị backlog còn lại đem qua 2023 là 17.000 tỷ đồng (giá trị hợp đồng ký được thực tế, không cộng các giá trị hợp đồng MOU). Mirae Asset đặt kỳ vọng trong bối cảnh thị trường tiêu cực hiện tại, Coteccons sẽ là doanh nghiệp có ít rủi ro phát sinh nợ xấu và sẽ có sự tăng trưởng bền vững vì luôn đặt kế hoạch thận trọng và khiêm tốn trong năm tới.

Khi được hỏi về việc có hay không kế hoạch cắt giảm nhân sự để tiết giảm chi phí, ban lãnh đạo Coteccons cho biết: “Chúng tôi không dám nói chắc về việc có cắt giảm nhân sự hay không, chúng tôi chỉ chắc chắn về việc mình sẽ tối ưu hóa lực lượng nhân sự; điều mà chúng tôi luôn làm ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Một trong những phương cách để tối ưu: nhân sự trong ngành xây dựng có thể chuyển dịch qua mảng mới của công ty ”.

Tuy nhiên, vẫn có một vài điểm sáng chờ các doanh nghiệp ở phía trước. Theo báo cáo phân tích ngành của VNDirect, giá nguyên vật liệu có chiều hướng giảm được coi là yếu tố sẽ tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Bên cạnh đó, trong khi các dự án cao tầng đang gặp khó thì các dự án đầu tư công và dự án có vốn đầu tư FDI sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm nguồn thu.

Hoàng Thùy

//// Theo Nhịp sống thị trường Copy link Link bài gốc Lấy link! https://markettimes.vn/mua-dong-cua-cac-ong-lon-xay-dung-hoa-binh-giam-luong-va-gio-lam-coteccons-lo-hon-tram-ty-dong-12196.html

Theo Hoàng Thùy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên