Mua gói xôi, ly chè… không cần tiền mặt
Nhiều người đã bỏ thói quen xài tiền mặt nhưng không ít người vẫn kiên quyết xài tiền mặt.
LTS: Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của thanh toán không dùng tiền mặt đối với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung. Tuy vậy, việc thanh toán không dùng tiền mặt như qua thẻ hoặc qua hình thức chuyển khoản vẫn còn ỳ ạch.
Khảo sát thị trường cho thấy hiện nay khi mua các món ăn vặt khoái khẩu tại vỉa hè như khoai tây lắc, trà sữa, cà phê…, người dùng có thể thanh toán nhanh bằng nhiều phương thức khác nhau, không cần dùng đến tiền mặt.
Nhiều lợi ích
Mặc dù thừa nhận không phải tất cả khoản chi tiêu trong gia đình đều sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt nhưng chị L. (quận 2, TP.HCM) cho biết bất cứ khi nào có thể dùng thẻ, ví điện tử thì chị đều áp dụng. Lý giải về việc thích chi tiêu không dùng tiền mặt, chị L. kể gia đình có người già cần chăm sóc và có ba đứa con nhỏ nên chị cần tới sự hỗ trợ của hai người giúp việc.
Thời gian đầu, do công việc bận rộn nên chị giao một khoản tiền cho hai người giúp việc để mua những thứ thiết yếu phục vụ cho gia đình, nhất là mỗi khi chị phải đi công tác xa nhà. Nhưng danh sách mua hàng có quá nhiều món không có hóa đơn và cũng không biết nguồn gốc sản phẩm. Điều này vừa không an toàn cho gia đình, vừa có nguy cơ làm nảy sinh tính xấu thích ăn bớt của người giúp việc. Thấy không ổn, chị quyết định cấp một số tiền nhất định vào trong thẻ ATM và yêu cầu mọi đồ dùng trong nhà đều phải mua ở siêu thị.
“Sau một vài tháng thực hiện cách mới, tôi thấy tổng chi phí chi tiêu cho sinh hoạt gia đình giảm, đồng thời tất cả khoản mua sắm đều được thông báo qua tin nhắn điện thoại. Như vậy, việc thanh toán không tiền mặt không chỉ giúp tôi kiểm soát chi tiêu trong gia đình một cách khoa học mà còn an toàn, đỡ mất thời gian giám sát người giúp việc” - chị L. chia sẻ.
Trường hợp thích thanh toán không dùng tiền mặt như chị L. không phải là cá biệt. Thậm chí hiện nay nhiều người bán xôi, khoai tây chiên, bắp nướng… trên xe hàng rong cũng gắn biểu tượng chấp nhận thanh toán qua ví điện tử, có thể quét mã QR để trả tiền. Đặc biệt, hiện với các dịch vụ như vệ sinh môi trường, điện nước, điện thoại…, nhiều người đã chọn hình thức chuyển tiền qua kênh ngân hàng điện tử.
Chị T. (nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay thông thường nhân viên của công ty truyền hình cáp và Internet đến thu tiền tại nhà vào khoảng 6-7 giờ tối nhưng không phải lần nào họ đến thu cũng có người ở nhà để nộp. Nhiều khi đi làm về đến nhà, chưa hết mệt mỏi lại nhìn thấy một xấp giấy nhắc nợ đóng tiền điện, tivi, Internet cài ở khe cửa nên có cảm giác mình như một “con nợ”, vô cùng khó chịu.
“Chưa kể mỗi tháng, khi nhân viên đến thu tiền thì khách hàng phải nộp thêm 4.400 đồng phí thu tiền tại nhà. Như vậy, mỗi căn hộ chung cư ở khu tôi ở tốn thêm 53.000 đồng/năm cho nhân viên thu phí tại nhà” - chị Trang tính toán.
Chính vì lý do trên, từ gần một năm nay chị T. nộp các loại tiền phục vụ cho sinh hoạt gia đình thông qua tài khoản hoặc ví điện tử.
Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất nhiều tiện ích. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán bằng cách quét mã QR Payoo tại siêu thị. Ảnh: TL
Treo bảng nhưng vẫn thanh toán tiền mặt
Không thể phủ nhận những tiện ích của việc thanh toán không tiền mặt nhưng theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… cho thấy vẫn còn ít người sử dụng dịch vụ thanh toán này. Trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TP.HCM) có khoảng 20 xe bán các mặt hàng ăn uống. Trong đó, nhiều xe dán logo thanh toán qua ví điện tử song thực tế vẫn thanh toán bằng tiền mặt.
Bà Thu bán bún, hủ tiếu trên đường Nguyễn Văn Chiêm cho biết kể từ khi dán logo thanh toán qua ví điện tử đến nay khoảng 3-4 tháng nhưng rất ít khách hàng thanh toán qua thẻ, qua mã QR hay ví điện tử mà đại đa số đều trả bằng tiền mặt.
“Nói thật, việc dán logo ở đây chỉ là hình thức mà thôi chứ không thực chất. Nhân viên của mấy công ty thanh toán ví điện tử đến năn nỉ cho dán logo thì mình cho dán vậy thôi, chứ còn ở khu này có ai chấp nhận thanh toán không tiền mặt đâu” - bà Thu nói.
Một số tiệm trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng dán logo thanh toán qua ví điện tử nhưng không nhiều người sử dụng dịch vụ này. Tại quán chè chuối nướng có tên “Nam bộ Út Lúa” bán hơn chục món ăn vặt với giá 15.000-20.000 đồng/phần. Tuy nhiên, đa số khách hàng tới mua đều trả tiền mặt.
“Tại đây chỉ mới nhận giao hàng trên Foody và chấp nhận thanh toán điện tử trên app này mà thôi. Còn những logo ví Moca, Momo là do nhân viên của hãng đến xin dán để quảng bá thương hiệu, chứ hiện chủ quán chưa chấp nhận thanh toán qua những ví này” - chủ quán nói.
Trong khi đó, chị Tr. có con học ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Gò Vấp chia sẻ cách đây chừng một năm, có một ngân hàng đến giới thiệu việc mở thẻ thanh toán học phí. Thế nhưng phần lớn phụ huynh đều ngại tốn phí nên không đồng ý mở. Chính vì vậy, “giấc mơ” thanh toán học phí qua thẻ chưa thành hiện thực.
Thói quen thích "giữ tiền trong túi" vẫn phổ biến
Thanh toán không dùng tiền mặt đem lại rất nhiều giá trị cho người dân và xã hội nhưng nhiều người chưa quan tâm. Ví dụ đối với người tiêu dùng, quá trình giao dịch, thanh toán an toàn, nhanh chóng, tiện lợi mọi lúc, mọi nơi trên các ứng dụng ngân hàng điện tử và ví điện tử, tiết kiệm chi phí. Đồng thời tránh các nguy cơ rủi ro như tiền giả, tiền rách, bị trộm cướp, thất thoát, đồng thời dễ dàng kiểm soát, theo dõi chi tiêu… Tuy nhiên, tỉ lệ khách hàng không thanh toán bằng tiền mặt thấp.
Đơn cử, tại một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM có những khu vực dành riêng cho khách hàng thanh toán qua thẻ, mã QR Code, ví điện tử hoặc bằng app thanh toán riêng của siêu thị... nhưng nhiều người không quan tâm. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, giải thích nguyên nhân do nhiều người sợ tăng thêm chi phí, chưa tiện lợi... "Hơn nữa, nhiều khách hàng nghĩ rằng thanh toán không tiền mặt hiện chỉ có quẹt thẻ nhưng thực tế còn nhiều hình thức khác như quét mã QR, ví điện tử... đều đã được triển khai tại siêu thị" - ông Đức nói.
Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee, cho rằng tỉ lệ thanh toán tiền mặt vẫn còn rất cao không chỉ đơn giản là thói quen của người tiêu dùng mà là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt chưa thực sự thu hút.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh