Mua hàng online: 3 sàn TMĐT cộng lại chưa bằng một hội chợ nhỏ ở TP HCM
Theo số liệu từ công cụ Social Listening Buzzmetrics, trong đợt Black Friday 25/11 vừa qua, số lượt thảo luận về mua sắm online trên các kênh mạng xã hội vẫn thua xa so với mua sắm offline.
- 30-12-2016Thương mại điện tử Việt Nam 2016: "Tam quốc diễn nghĩa" Trung - Thái - Hàn, doanh nghiệp Việt gồng mình đấu với cả 3
- 27-12-2016Amazon và thương mại điện tử đang tạo ra một thách thức cực lớn cho FedEx
- 03-12-2016Nguyễn Kim bị tố khuyến mãi ảo trong ngày Online Friday
- 05-10-2016Thành công chưa thấy, chi phí đội lên, vì sao Vinamilk lại sẵn sàng chi tiền bán sữa online?
Các số liệu từ một cuộc khảo sát của DI Marketing cho thấy, người dùng Việt Nam đã được làm quen với thương mại điện tử với một tỷ lệ khá lớn. Theo đó, có tới 19% người dùng thương mại điện tử mua hàng trực tuyến (shopping online) ít nhất một lần mỗi tuần. Còn nếu tính theo ít nhất một lần mỗi tháng thì tỷ lệ này lên tới 71%.
Tuy nhiên dường như người dân Việt Nam vẫn chưa thực sự hứng thú với shopping online nếu so sánh với hình thức mua hàng truyền thống .
Top 10 địa điểm mua sắm offline được nhắc đến trong ngày Black Friday đạt hơn 41.000 lượt thảo luận trong khi con số này ở nhóm mua sắm online chỉ là gần 16.000, xấp xỉ 39%.
Lấy ví dụ sàn TMĐT Shopee, dù đứng đầu về địa điểm mua sắm online với hơn 7.000 lượt thảo luận nhưng vẫn khiêm tốn nếu so sánh với các hình thức mua sắm offline. Thậm chí, tổng tất cả các lượt thảo luận của 3 sàn TMĐT được nhắc đến nhiều nhất là Shopee, Adayroi, Tiki cũng chỉ xấp xỉ hội chợ Hello Weekend Market tại TP HCM.
Vì sao người Việt vẫn thích xách làn đi chợ?
Chia sẻ quan điểm về sự dè dặt của người tiêu dùng, CEO Sendo.vn Trần Hải Linh cho rằng khuyến mại ảo, tăng giá cao rồi giảm sâu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Lấy ví dụ trong ngày hội mua sắm online lớn nhất năm – Online Friday - do Cục TMĐT tổ chức, có hơn 600 báo cáo xấu về các sản phẩm, dịch vụ được phản ánh. Trong đó, số lượng phản ánh giá niêm yết cao hơn nhiều so với giá thị trường chiếm 25%; số lượng phản ánh khuyến mãi không đúng như mô tả trên website là 24%.
Nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng, chỉ cần vào mạng tìm kiếm, khách hàng sẽ nhanh chóng phát hiện ra một doanh nghiệp có khuyến mãi thực sự hay không.
Trao đổi với sàn TMĐT Shopee, cái tên được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội trong chủ đề địa chỉ mua hàng online, đại diện đơn vị này cho rằng muốn thoát khỏi sự dè dặt trong mua hàng trực tuyến, doanh nghiệp cần xây dựng được niềm tin của người dùng. Chỉ cần có một cộng đồng người dùng trung thành, niềm tin vào chất lượng dịch vụ sẽ được lan tỏa.
Trước mỗi chương trình khuyến mại từ 1 – 3 ngày, trang TMĐT này đều công bố các sản phẩm giảm giá bao gồm cả giá gốc và giá mới để khách hàng kiểm tra giá trị thực trên tất cả các website mua sắm.
Ngoài ra, sàn TMĐ này còn cam kết bảo vệ quyền lợi khách hàng bằng cách áp dụng chính sách “Shopee đảm bảo”. Theo đó, dù thanh toán trực tuyến hay COD, chỉ khi nào người mua nhận được hàng đúng như cam kết thì người bán mới nhận được tiền.
Một ví dụ khác về sự thành công trong việc xây dựng niềm tin khách hàng là trang TMĐT mua bán sách Tiki. Với mô hình B2C kiểm soát từ khâu nhập kho, Tiki đã gây dựng được một cộng đồng khác hàng là những người yêu sách, từ đó dần dần phát triển thương hiểu, cung cấp đa dạng chủng loại sản phẩm, dịch vụ. Với cộng đồng trung thành sẵn có, Tiki đang rất tự tin trong kế hoạch mở rộng của mình.
“Muốn tồn tại lâu dài trong thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh online cần xác định rõ niềm tin khách hàng là yếu tố then chốt đem lại thành công cho mình. Không sớm thì muộn, chỉ có những DN nào gây dựng được cộng đồng người dùng trung thành mới có thể tồn tại trong thị trường cạnh tranh này, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định.