Mua iPhone 14 được yêu cầu đặt cọc 15 triệu, người đàn ông thoát lừa đảo nhờ nhận ra chi tiết bất thường
Sau khi được yêu cầu trả tiền mặt thay vì chuyển khoản, kẻ lừa đảo hạ giá đặt cọc. Người đàn ông vẫn từ chối.
- 05-07-2024Gọi điện vì trúng thưởng, cụ bà U80 lại mất 17 triệu đồng: Cảnh sát bắt giữ 3 đối tượng lừa đảo
- 03-07-2024Nhận cuộc gọi video, cụ bà 74 tuổi suýt bị lừa mất hơn 2,3 tỷ đồng: Nhân viên ngân hàng làm 1 việc giúp tránh được vụ lừa đảo tinh vi
- 02-07-2024Nghe lời "sếp" chuyển tiền cho đối tác, nữ kế toán khiến tài khoản công ty "bay màu" 4,5 tỷ đồng: 7 đối tượng lừa đảo bị cảnh sát bắt giữ
Facebook, WhatsApp và Instagram nhiều lừa đảo nhất
Trên một nhóm Facebook dành cho người Philippines xa xứ ở Singapore, có một bài đăng về đồ điện tử và đồ nội thất cũ trông có vẻ rất bình thường. Vì vậy, Joel đã hỏi về một chiếc laptop và một chiếc iPhone 14, và được yêu cầu đặt cọc 800 SGD (15 triệu đồng). Anh đã hỏi số điện thoại để thực hiện chuyển khoản, và đó là lúc báo động trong đầu anh vang reo.
"Tôi nhận ra tài khoản đó có tên khác với người mà tôi nhắn tin", Joel, người đề nghị giấu tên, nói với Rest of World.
Nghi ngờ, Joel khăng khăng đòi trả tiền mặt khi giao hàng. Phía bên kia hòa hoãn khi tuyên bố sẽ chấp nhận nhận cọc chỉ 100 SGD cho toàn bộ số hàng trị giá 1.250 SGD nói trên. Joel vẫn từ chối và người bán im lặng.
"Tôi may mắn không trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo, nhưng tôi thấy có nhiều bài đăng tương tự như vậy trên các hội nhóm Facebook", anh nói.
"Facebook nên làm nhiều hơn để sàng lọc những bài đăng này và kiểm tra xem chúng có hợp pháp không", Joel nêu giải pháp, đồng thời cho biết mình đã báo cáo tài khoản của người bán lừa đảo nhiều lần nhưng tài khoản đó phải vài tuần sau mới bị xóa.
Gần 6 triệu cư dân Singapore nằm trong số những đối tượng thường xuyên bị lừa đảo nhắm đến nhất — và nhiều người không may mắn như Joel. Theo cảnh sát, năm ngoái đã có 46.563 vụ lừa đảo được ghi nhận, tăng gần 50% so với năm trước. Khoảng 652 triệu SGD đã bị mất vào tay những kẻ lừa đảo.
Theo cảnh sát Singapore, lừa đảo thương mại điện tử, trong đó hàng hóa và dịch vụ được rao bán trên mạng nhưng không được giao sau khi thanh toán, là loại lừa đảo phổ biến thứ hai, chỉ sau lừa đảo việc làm.
Gần 10.000 trường hợp như vậy đã được báo cáo vào năm 2023, gấp đôi số lượng của năm trước. Theo chính phủ, các nền tảng của Meta — Facebook, WhatsApp và Instagram — chiếm gần một nửa trong số đó.
Hơn 80% dân số Singapore sử dụng Facebook. Trong đó, nền tảng mua bán Facebook Marketplace được xếp hạng cuối cùng trong chỉ số đánh giá mức độ an toàn của chính phủ đối với các nền tảng thương mại điện tử tại quốc gia này.
Amazon, Lazada và Shopee đứng đầu bảng khi đã tích cực triển khai các biện pháp quan trọng để chống lại các vụ lừa đảo. Các biện pháp này bao gồm xác minh danh tính người dùng so với dữ liệu do chính phủ cấp, giải pháp thanh toán an toàn và khắc phục tổn thất cho người bị hại.
Giải pháp chống lừa đảo của Singapore
Ủy ban liên bộ về chống lừa đảo của Singapore cho biết trong một báo cáo rằng Facebook Marketplace là "nền tảng duy nhất ... chưa triển khai các tính năng an toàn được khuyến nghị".
Vào tháng 3 năm nay, một quan chức đã chỉ trích Meta vì không cài đặt các biện pháp bảo vệ được khuyến nghị. Meta trả lời rằng lừa đảo là "phức tạp" và có chính sách nghiêm ngặt cấm hoạt động độc hại.
Theo Bộ Nội vụ, các dịch vụ trực tuyến có nguy cơ lừa đảo thương mại điện tử cao nhất tại Singapore bao gồm Facebook Marketplace, quảng cáo trên Facebook và các trang Facebook.
Nếu số vụ lừa đảo thương mại điện tử được báo cáo trên Marketplace không giảm đáng kể, Singapore sẽ yêu cầu Facebook xác minh danh tính của tất cả người bán trên Marketplace trước ngày 1/3/2025.
Các công ty thương mại điện tử tại Singapore đã ban hành khuyến cáo cho người dùng và đưa ra các biện pháp như ngăn người dùng chia sẻ số điện thoại di động và địa chỉ email trong ứng dụng và giữ khoản thanh toán trong tài khoản ký quỹ cho đến khi nhận được hàng.
Các nhà chức trách cũng thiết lập đường dây nóng cảnh báo lừa đảo cũng như dịch vụ WhatsApp để giúp cư dân xác minh các tin nhắn, hình ảnh và video đáng ngờ.
Khi số vụ lừa đảo tăng lên, cảnh sát Singapore đã thực hiện bước đi chưa từng có là yêu cầu các công ty thương mại điện tử triển khai nhân viên tại chính Trung tâm chống lừa đảo (ASC) để cùng phối hợp.
Với nhân viên từ các công ty — cũng như từ các ngân hàng và công ty viễn thông — làm việc cùng cảnh sát, họ có thể xem xét các báo cáo lừa đảo, nhanh chóng đóng băng tài khoản ngân hàng để ngăn chặn chuyển tiền và đình chỉ các đường dây điện thoại và tài khoản người dùng đáng ngờ.
Thiết lập này đã hoạt động tốt đối với Carousell. Đầu năm nay, nền tảng đã đình chỉ kế hoạch bán vé cho các buổi hòa nhạc của Taylor Swift tại tất cả sáu thị trường — Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) — trong khoảng hai tuần, do nhận được thông tin về các dấu hiệu lừa đảo liên quan từ ASC.
Thông tin do cảnh sát cung cấp đã giúp công ty đánh giá tốt hơn "quy mô chưa từng có" của rủi ro.
Còn đối với Joel, việc thoát lừa đảo trong gang tấc đã khiến anh hoài nghi về các nền tảng thương mại điện tử. Anh cho biết từ giờ trở đi sẽ chỉ tin tưởng một trang web như Amazon. "Tôi cho rằng cứ thứ gì quá hời thì chắc chắn nó không có thật".
Đời sống Pháp luật