Mua ô tô đấu giá vẫn còn bảo hiểm, nhưng gặp tai nạn lại bị từ chối bồi thường, tòa khẳng định: Lỗi sai của công ty bảo hiểm
Một vụ tranh chấp giữa khách hàng và chi nhánh công ty bảo hiểm về trách nhiệm bồi thường chi phí sửa chữa xe đã kết thúc với phán quyết có lợi cho khách hàng.
- 10-01-2025Người đàn ông mua bảo hiểm xe suốt 14 năm, khi ô tô bị cây đè bẹp lại bị từ chối bồi thường: Tòa khẳng định công ty bảo hiểm làm đúng
- 10-01-2025Người đàn ông dùng ô tô đồ chơi để giữ chỗ đậu xe nhưng bị phá hỏng, đòi bồi thường 200 triệu đồng: Đã bỏ tiền ra, tôi toàn quyền sử dụng
- 09-01-2025Đưa con đi học bằng ô tô, người phụ nữ bất ngờ bị phạt 103 triệu đồng: Khiếu nại luôn đơn vị xử phạt mình, toà đưa ra phán quyết bất ngờ
- 04-01-2025Trần tình bất ngờ của tài xế đi ngược chiều cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị phạt 35 triệu đồng: Không hiểu sao lại lái ô tô đi như thế
- 28-12-2024Người đàn ông chi 6,9 tỷ đồng mua bảo hiểm ô tô, đến khi xe cháy lại không được bồi thường, công ty bảo hiểm khẳng định: "Chúng tôi làm đúng theo hợp đồng"
Sự cố tai nạn của chiếc xe cũ
Theo thông tin từ trang Báo mới Bắc Kinh, tháng 3/2021, một công ty xây dựng đã mua bảo hiểm cho các phương tiện của mình, trong đó có bảo hiểm tổn thất xe cơ giới với tiền bồi thường tối đa là 309.901 NDT (hơn 1 tỷ đồng), thời hạn bảo hiểm từ ngày 25/3/2021 đến ngày 24/3/2022.
Vào tháng 11 cùng năm, chiếc xe đã được bán đấu giá công khai, chủ sở hữu xe trở thành ông Lưu. Không lâu sau, ông Trương đã mua lại chiếc xe từ ông Lưu và hoàn tất thủ tục sang tên xe.
Đến ngày 17 tháng 3 năm 2022, xe của ông Trương gặp tai nạn giao thông và bị hư hỏng. Qua báo cáo sự việc với công ty bảo hiểm, công ty bảo hiểm đã chỉ định một chi nhánh ở Bắc Kinh để xử lí vụ việc. Chi nhánh này đã tiến hành định giá thiệt hại và chỉ định một đại lý 4S sửa chữa xe.
Sau khi sửa chữa hoàn tất, các bên đã thống nhất rằng công ty bảo hiểm sẽ trực tiếp thanh toán chi phí sửa chữa cho đại lý 4S. Tuy nhiên, khi ông Trương lái xe đi, ông phát hiện chiếc xe vẫn còn vấn đề, vì vậy, ông mang xe quay lại đại lý 4S để sửa chữa tiếp. Nhưng lần này chiếc xe bị đại lý giữ lại do công ty bảo hiểm chưa thanh toán chi phí sửa chữa trước đó. Cuối cùng, ông Trương đã phải tự ứng trước tiền để lấy lại xe.
Tranh chấp về bảo hiểm
Không lâu sau, đại diện của chi nhánh công ty bảo hiểm lên tiếng giải thích, chiếc xe này từng bị hư hỏng nặng vào tháng 7/2021 do mưa lớn gây ngập nước. Công ty bảo hiểm đã thanh toán toàn bộ khoản bồi thường cho chủ sở hữu xe lúc bấy giờ là công ty xây dựng, với số tiền hơn 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng). Hai bên đã ký kết thỏa thuận mới, ghi rõ hợp đồng bảo hiểm tổn thất xe cơ giới sẽ chấm dứt. Nghĩa là trên thực tế, công ty bảo hiểm không còn nghĩa vụ chịu trách nhiệm bảo hiểm đối với xe của ông Trương nữa.
Tuy nhiên, ông Trương cũng khẳng định rằng, khi mua xe, ông đã kiểm tra tình trạng hợp đồng bảo hiểm và tất cả đều ở trạng thái bảo hiểm hợp lệ, không có bất kỳ ghi chú hay thông báo nào về việc hợp đồng bị chấm dứt. Thời hạn bảo hiểm vẫn còn hiệu lực đến ngày 24/3/2022, vì vậy ông chưa cần mua bảo hiểm mới.
Đối với việc này, chi nhánh công ty bảo hiểm giải thích thêm: Việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trên hệ thống yêu cầu sự phối hợp từ phía chủ xe, lúc đó là công ty xây dựng nhưng do công ty này không phối hợp nên hợp đồng bảo hiểm vẫn chưa được chấm dứt hay điều chỉnh.
Cuối cùng, ông Trương quyết định kiện chi nhánh bảo hiểm này ra Tòa án Nhân dân quận Triều Dương, Bắc Kinh, yêu cầu giải quyết tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Quyết định của tòa án
Trong quá trình tố tụng, ông Trương đã xác nhận rằng nếu tòa án xác định trách nhiệm bảo hiểm xe cơ giới đã chấm dứt, vậy ông sẽ yêu cầu công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm về hành vi xâm phạm quyền lợi của mình.
Qua điều tra và xét xử, được biết, bản thỏa thuận mới giữa công ty bảo hiểm với công ty xây dựng đã được công nhận. Tòa án đã chấp nhận tính hợp pháp của bản thỏa thuận trên.
Sau khi ký kết thỏa thuận, công ty bảo hiểm có nghĩa vụ tiến hành chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, do sự chậm trễ và thiếu sót của công ty bảo hiểm, ông Trương đã dựa vào trạng thái hợp đồng bảo hiểm mà không mua bảo hiểm mới. Điều này đã xâm phạm quyền lợi của ông Trương, khiến ông không có cơ hội mua lại bảo hiểm để chia sẻ rủi ro. Tình huống này đã trực tiếp dẫn đến tổn thất thực tế của ông Trương sau khi xảy ra tai nạn xe.
Còn chi nhánh công ty bảo hiểm mặc dù biết rõ bảo hiểm của chiếc xe đó đã chấm dứt, nhưng lại không kịp thời cập nhật trạng thái hợp đồng bảo hiểm, thậm chí còn chủ động ủy thác cho bên thứ ba tiến hành đấu giá và chuyển nhượng chiếc xe. Trước khi tiến hành đấu giá, công ty bảo hiểm cũng không giải quyết triệt để vấn đề chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, đây là một sự thiếu sót nghiêm trọng.
Khi ông Trương mua chiếc xe và xảy ra tai nạn, ông đã kịp thời liên hệ với công ty bảo hiểm để yêu cầu đánh giá và định giá thiệt hại. Công ty bảo hiểm vẫn cử nhân viên từ chi nhánh Bắc Kinh đến hiện trường để thẩm định.
Hơn nữa, tra cứu hợp đồng bảo hiểm trên trang mạng hiển thị trạng thái bảo hiểm của chiếc xe vẫn ở tình trạng hợp lệ, điều này chứng tỏ công ty bảo hiểm cũng đã có lỗi rõ ràng.
Do sự thiếu sót của công ty bảo hiểm trong việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, ông Trương đã mất cơ hội mua bảo hiểm mới để chia sẻ rủi ro và chịu thiệt hại thực tế. Vì vậy, tòa án xác định hành vi của công ty bảo hiểm có liên quan đến tổn thất mà ông Trương phải gánh chịu nên công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Cuối cùng, ngày 22 tháng 12, Tòa án Nhân dân quận Triều Dương đã xét xử công khai và nhận định rằng chi nhánh công ty bảo hiểm đã có sai sót nghiêm trọng trong việc xử lý vụ việc. Tòa án quyết định buộc công ty bảo hiểm này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Trương, và yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả 130.000 NDT (khoảng 450 triệu) cho chi phí sửa chữa xe.
Tuy nhiên, hiện tại, bản án sơ thẩm vẫn chưa có hiệu lực pháp lý.
Theo Baidu
Đời sống pháp luật