Mua phải ôtô "bỏ mẫu", thiệt đủ đường
Người tiêu dùng sở hữu một số mẫu ôtô đã ngưng và sẽ ngưng bán tại thị trường trong nước đang lo lắng về chế độ bảo hành, bảo dưỡng...
- 09-06-2022Chi phí kim loại sản xuất pin tăng cao khiến các hãng xe điện 'đứng ngồi không yên' - Chịu lỗ không ổn, tăng giá xe cũng không xong
- 06-06-2022Giá xăng dầu leo thang đang thúc đẩy sự bùng nổ của xe điện như thế nào?
- 04-06-2022Một cuộc chiến xe điện giá rẻ sắp diễn ra: nhiều mẫu xe chỉ có giá khoảng 600 triệu đồng - VinFast có gì trong tay?
Bên cạnh những mẫu xe đã ngưng bán khá lâu, như Ford Fiesta, Ford Focus, Volkswagen Peetle, Mitsubishi Mirage, Suzuki Celerio, Suzuki Swift…, một số mẫu khác cũng đang dần biến mất khỏi thị trường như Toyota Rush, Toyota Wigo, Suzuki Ciaz, Ford Tourneo, Ford Ecosport…
Ham giá rẻ, vô tình mua xe "bỏ mẫu"
Xe đã hoặc sắp ngưng bán, còn gọi là xe "bỏ mẫu", thường có mức giá hấp dẫn cùng nhiều chương trình ưu đãi như tặng gói phụ kiện, hỗ trợ vay lãi suất thấp… để thu hút người mua. Có những mẫu xe được giảm giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Bị lôi cuốn bởi mức giá được cho là "quá hời", không ít khách hàng có ý định mua ôtô đã vô tình chọn mua xe "bỏ mẫu" mà không biết.
Khách hàng lo lắng các dòng xe “bỏ mẫu” sẽ gặp khó khăn khi sửa chữa
Ông Châu Minh Toàn, phụ trách kinh doanh salon ôtô Phú Khải, cho hay hầu hết các hãng xe cũng như đại lý đều không thông báo trước về việc mẫu xe nào sắp ngưng bán bởi sợ không tiêu thụ được. "Khách không nắm được thông tin để có thể lựa chọn mua hay không mua các mẫu xe sắp ngưng bán nên có thể gặp phiền phức về việc bảo hành, bảo dưỡng. Những mẫu xe này khi bán lại cũng sẽ bị mất giá khá nhiều" - ông Toàn nói.
Trong khi đó, ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, cho biết việc hãng ngưng kinh doanh mẫu xe nào đó là điều hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân có thể do khó cạnh tranh, mức tiêu thụ quá thấp hoặc mẫu xe không còn phù hợp. Hãng vẫn bảo đảm chế độ bảo hành, bảo dưỡng đầy đủ cho khách hàng. Ngoài ra, tập đoàn vẫn tổ chức sản xuất linh kiện đủ để thay thế cho các mẫu xe này trong trường hợp hư hỏng. Tuy nhiên, đại diện hãng xe này cũng cho hay một số linh kiện đặc biệt thường không có sẵn, khi khách hàng cần thì phải đặt mua từ nước ngoài nên chi phí cao hơn so với linh kiện dự trữ sẵn trong nước.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Dịch vụ Sài Gòn Ôtô Gia Định, khách hàng không nên quá lo lắng về việc thiếu phụ tùng thay thế đối với xe "bỏ mẫu". Bởi vì, sau khi ngừng bán sản phẩm nguyên chiếc, hãng vẫn cung cấp phụ tùng thay thế ra thị trường trong khoảng 7-10 năm sau. Sau thời gian này, khách có thể đặt hàng từ nguồn cung ứng khác. "Mỗi chiếc ôtô có cả ngàn chi tiết. Việc một số chi tiết có thể phải chờ đặt hàng từ hãng là bình thường, nhất là những phụ tùng chỉ thay thế khi bị đâm đụng, không thể dự trù" - ông Tuấn nói.
Mòn mỏi chờ linh kiện thay thế
Ông Trương Hoàng Thái (ngụ quận 3, TP HCM) vừa mua chiếc Toyota Rush cách đây vài tháng. Nay biết thông tin hãng ngưng bán mẫu xe này ở thị trường Việt Nam, ông liên hệ với đại lý thì được biết do xe còn thời gian bảo hành nên mọi chế độ không thay đổi. Tuy nhiên, khi hết thời gian bảo hành, nếu xe xảy ra sự cố và cần thay thế phụ tùng thì phải chịu chi phí mua linh kiện cao hơn; nhiều trường hợp phải đợi đặt hàng, tốn nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Thanh Hòa (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) mua chiếc Ford Fiesta từ năm 2015; sau đó 3 năm, hãng "khai tử" mẫu xe này. Mới đây, khi ông đưa xe đi bảo dưỡng tại đại lý chính hãng thì được thông báo thắng bị mòn, hệ thống giảm xóc trước bị "đơ", cứng nên cần thay mới. Ngặt là đại lý không có sẵn linh kiện mà phải đặt hàng và không hẹn thời gian hàng về. "Nhân viên báo giá tham khảo bộ thắng khoảng 7-8 triệu đồng, bộ giảm xóc trước khoảng 16-17 triệu đồng; còn giá thực tế khi nhận hàng có thể cao hơn. Tìm hiểu ở ga-ra bên ngoài, tôi được biết giá bộ thắng khoảng 1,5 triệu đồng, bộ giảm xóc trước 3-5 triệu đồng nhưng không phải hàng chính hãng" - ông Hòa băn khoăn.
Theo ông Châu Minh Toàn, các đại lý thường không mặn mà việc dự trữ linh kiện với các xe "bỏ mẫu" vì chi phí cao mà không biết khi nào mới giải phóng được. Đa phần đại lý chỉ có kế hoạch dự trữ một số linh kiện thông dụng, giá trị thấp. "Do linh kiện không có sẵn, phải đặt hàng từ nước ngoài nên giá được đẩy lên khá cao. Chưa kể, khách phải mất khá nhiều thời gian chờ đợi. Nếu đơn hàng được vận chuyển bằng máy bay thì mất khoảng 1 tuần, còn bằng đường tàu biển thì phải chờ khoảng 1 tháng. Trong trường hợp vận chuyển không thuận lợi, có thể phải chờ đến vài tháng mới có hàng" - ông Toàn phân tích.
Người lao động