Mùa tết - “mùa không vui” của năng lượng tái tạo
Thời điểm trước và sau Tết, các nhà máy năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời đang vào mùa giảm phát điện lên lưới lớn nhất trong năm. Đây là thời điểm phụ tải tiêu dùng công nghiệp giảm mạnh làm ảnh hưởng đến việc điều độ nguồn phát, và nhiều nhà máy điện tái tạo sẽ bị giảm công suất phát lên lưới.
Từ tết dương lịch qua tết âm lịch
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán sẽ giảm, một số thời điểm thấp điểm trưa có thể giảm khoảng 60% so với ngày thường. Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải.
Theo EVN, khi nhu cầu tiêu thụ xuống quá thấp, các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện than, turbine khí, thủy điện… đã ngừng hoặc giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ sẽ dẫn đến yêu cầu bắt buộc là phải giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo (như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời) để đảm bảo an toàn khi điều độ hệ thống điện.
Năng lượng tái tạo đứng đầu bảng cắt giảm
Theo đó, tùy theo khung giờ, các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ được yêu cầu giảm phát từ 20 đến 50% công suất. Có những thời điểm các nhà máy sẽ bị cắt giảm 60-80% công suất phát.
Theo một doanh nghiệp, nếu tính tổng công suất đã bị cắt giảm trong những năm qua, sản lượng điện đã sản xuất từ các nhà máy bị giảm phát đã lên đến hàng trăm nghìn MWh.
Nhiều nhà đầu tư của các nhà máy năng lượng tái tạo đã bày tỏ lo ngại rằng nếu tình trạng giảm phát kéo dài sẽ làm giảm sức hấp dẫn của ngành, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết về chương trình chuyển đổi năng lượng, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn.
Thêm nữa, việc cắt giảm từ 50% cho đến 80% công suất trong một thời điểm là một đòn đánh quá nặng vào việc tái lập dòng tiền khi nguồn thu quá thấp so với dự kiến. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến vòng hoàn vốn của doanh nghiệp.
"Doanh thu của các nhà máy điện mặt trời và điện gió phụ thuộc chủ yếu vào lượng điện bán được lên lưới. Khi bị giới hạn sản lượng, các nhà đầu tư không chỉ mất nguồn thu mà còn phải đối mặt với các khoản chi phí vận hành cố định, thậm chí là chi phí vay vốn đầu tư ban đầu. Chưa kể, việc cắt giảm công suất thường xuyên như vậy gián tiếp gây ảnh hưởng đến đóng góp cho an sinh xã hội tại địa phương, do ảnh hưởng từ nguồn tiền thu thuế của ngân sách. Do đó doanh nghiệp mong muốn có cơ chế huy động các nguồn điện hài hòa lợi ích của các bên", một doanh nghiệp cho biết.
“Dài cổ” chờ ưu tiên
Theo cơ cấu nguồn điện để đạt được kế hoạch Zero carbon vào 2050, Việt Nam sẽ chuyển dần sang sử dụng năng lượng xanh. Theo Quy hoạch Điện VIII, các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối và nguồn điện mặt trời) được ưu tiên phát triển, với tỷ trọng năng lượng tái tạo vào khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và đến năm 2050 đạt 67,5 - 71,5%. Cùng với việc phát triển nguồn này thì việc ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo cũng sẽ phải được tái sắp xếp và phân bổ hợp lý.
Hiện tại, tại những thời điểm các nhà máy điện gió, điện mặt trời bị cắt giảm từ 60% đến 80% thì nhiệt điện than vẫn là loại hình được ưu tiên nhiều nhất với mức phân bổ lên tới 60% tổng công suất khai thác của hệ thống. Đây là một nghịch lý hiện hữu khi Việt Nam đang trong tiến trình xanh hóa hướng tới cam kết của Chính phủ về Net Zero Carbon vào năm 2050. Việc huy động 60% công suất điện than trong thời điểm đó đã làm tăng lượng phát thải khí nhà kính không cần thiết, trong khi điện mặt trời đạt hiệu quả cao nhất vào đỉnh trưa. Có thể nói, cần phải xem xét việc cắt giảm NLTT với tỷ trọng cao trong thời điểm này là bất hợp lý về mặt phân bổ, khi hệ thống không được khai thác tối đa và tối ưu khả năng tự nhiên.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành công xưởng mới của thế giới thông qua việc từng bước khẳng định vị thế trong việc tái định hướng chuỗi cung ứng công nghiệp. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua 02 nước Philippines và Singapore vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD. Việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh cũng trở thành yêu cầu bắt buộc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh và thực hiện cam kết tại COP 26 để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngay lúc này, thời điểm chúng ta đang có sẵn các nhà máy năng lượng tái tạo, là điểm khởi đầu để thực hiện lời hứa về một ngày Việt Nam xanh hóa nguồn năng lượng và đảm bảo sức hút của nền kinh tế xanh với cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Nhịp sống thị trường