Mùa trung thu năm nay khác xưa: Người dân Hàn Quốc 'quay cuồng' trước cơn bão giá để có ngày lễ ấm no
Giá cả leo thang khiến người Hàn Quốc phải chi nhiều hơn cho mùa lễ trung thu năm nay.
- 29-08-2022Nữ quyền 4.0: Phụ nữ hiện đại - bản lĩnh vẽ nên bức tranh cuộc sống của riêng mình
- 29-08-2022Cô gái Việt Nam vô địch môn thể thao khắc nghiệt nhất hành tinh
- 29-08-20229 điểm du lịch gần TP.HCM, thuận tiện cho kỳ nghỉ 2-9 đầy thư thái
Lễ Chuseok (ngày Trung thu) là một trong 3 dịp lễ lớn và quan trọng nhất của người Hàn Quốc. Vào dịp Trung thu, người dân xứ kim chi thường tặng nhau các hộp quà có giá trị để thể hiện tấm lòng.
Đó có thể là hộp hoa quả, mỹ phẩm, bánh ngọt truyền thống... Tuy nhiên, dịp lễ năm nay, nhiều người phải cân đo đong đếm nhiều hơn so với trước kia trong việc mua sắm quà biếu và thực phẩm dùng cho ngày lễ bởi giá cả leo thang chóng mặt.
Theo Korea JoongAng Daily, giá mọi thứ từ rau củ đến thực phẩm chế biến sẵn đều đang trở nên đắt đỏ. Ngay cả những món ăn rẻ và thông dụng nhất cũng rủ nhau tăng giá lần lượt.
Thứ gì cũng trở nên đắt đỏ
Rau củ quả là một trong những mặt hàng tăng nhanh nhất hiện nay ở Hàn Quốc. Cụ thể, giá dưa chuột đã tăng 76% so với năm ngoái; bí ngòi tăng 66,5%; củ cải 41,1%; hành lá 44,5% và rau diếp 37,5%. Hành tây, cà rốt và thậm chí là lá tía tô giá cả cũng nhảy vọt lên trông thấy.
Giá bán lẻ 1kg cải bó xôi là 32.002 won (hơn 555.000 đồng), tăng 21,5% so với năm ngoái. Con số này thậm chí còn đắt hơn giá 1kg thịt ba chỉ lợn nội địa. Lý giải cho việc tăng giá này, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc cho rằng đây là loại rau khó dự trữ và nhạy cảm với sự biến động của nhiệt độ. Các siêu thị lớn cũng phàn nàn rằng khó có thể giảm giá loại rau này.
Các loại rau xanh ở Hàn Quốc tăng giá chóng mặt.
"Giá cải bó xôi năm nay tăng chủ yếu do mưa lớn ở Namyangju và Pocheon, các địa phương trồng rất nhiều rau này. Một số khu vực khác cũng đang trồng như Jeolla, Gyeongsang và Chungcheong, nhưng giá cũng không dễ gì giảm xuống", Baek Seung-hoon, một người bán hàng tại Lotte Mart, cho biết.
Năm nay, ước tính trung bình người dân Hàn Quốc sẽ tốn khoảng 318.045 won (5,5 triệu đồng) để chuẩn bị thực phẩm cho dịp Trung thu, tăng 6,8% so với năm ngoái. Con số này có được là dựa theo một cuộc khảo sát của Công ty Thương mại Thực phẩm và Nông - Thủy sản Hàn Quốc về giá cả của 28 mặt hàng tại 18 chợ truyền thống và 27 nhà bán lẻ lớn trên cả nước.
Đây là lần đầu tiên, chi phí mua thức ăn trung bình trong dịp lễ này vượt quá 300.000 won kể từ khi công ty bắt đầu thực hiện khảo sát. Ngoài rau xanh, thực phẩm chế biến sẵn cũng đang tăng giá chóng mặt.
Nongshim, nhà sản xuất mì ramen hàng đầu của Hàn Quốc mới đây cho biết, họ sẽ tăng giá các sản phẩm mì ăn liền và đồ ăn nhẹ lần lượt là 11,3% và 5,7% từ tháng 9 tới do giá lúa mì tăng vọt. Đại diện công ty cho biết, trong quý hai, chỉ tính riêng thị trường nội địa, họ đã lỗ khoảng 3 tỷ won. Đây là lần đầu tiên công ty này bị lỗ nặng kể từ năm 1998.
Người dân Hàn Quốc chật vật tính toán chi tiêu trong cơn bão giá.
Hàn Quốc là một trong những nước tiêu thụ mì gói hàng đầu thế giới. Bữa ăn giá rẻ này tăng giá chẳng khác nào giáng một đòn mạnh vào những người tiêu dùng đang phải vật lộn với lạm phát dai dẳng.
Người dân chật vật tìm cách thích ứng
Việc tăng giá lương thực dự kiến còn tiếp tục kéo dài cho đến cuối năm. Lạm phát tại Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 23 năm. Điều này đã khiến người dân ở xứ kim chi phải tìm cách "thắt lưng buộc bụng" trước tình cảnh ngặt nghèo.
Vào cuối tháng 6, nhân viên văn phòng Park Mi-won lần đầu tiên mua cơm trưa ở cửa hàng tiện lợi khi nhà hàng cơm trưa tự chọn yêu thích tăng giá 10%.
Người phụ nữ chia sẻ với Reuters: "Tại cửa hàng tiện lợi, tôi thấy giá cả các món ăn hợp lý và hương vị cũng ổn. Hiện tại, tôi đến đó 2-3 lần/tuần".
Cửa hàng tiện lợi trở thành địa điểm quen thuộc của dân văn phòng.
Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, giá một số món ăn trưa phổ biến như galbitang (cơm kèm canh sườn bò) đã tăng 12,2% và naengmyeon (mì lạnh) tăng 8,1%.
Kết quả khảo sát của công ty nhân sự Incruit hồi tháng 5 cũng cho thấy 96% trong số 1.004 nhân viên văn phòng thấy giá bữa trưa quá cao. Gần một nửa trong số người được hỏi cho biết họ đang tìm cách cắt giảm chi tiêu cho bữa trưa.
Chính vì vậy, các món mì ăn liền, cơm cuộn, sandwich là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay. Các cửa hàng tiện lợi trở thành địa điểm ăn trưa mới của nhiều dân văn phòng.
Trên Instagram ở Hàn Quốc, có 3.290 hashtag liên quan đến những từ khóa như "không chi tiêu", " thử thách không tiêu tiền" và "ngày không chi tiêu". Đính kèm các bài đăng là sổ tay hoặc danh sách chi tiêu hàng ngày của các cá nhân hoặc hộ gia đình trẻ.
Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp lao động, những người có thu nhập thấp và trung bình mà ngay cả những người khá giả ở Hàn Quốc cũng phải cân nhắc hơn trong việc mua sắm hàng hiệu. Không chỉ công việc làm ăn, kinh doanh của họ bị ảnh hưởng, nhiều nhãn hàng xa xỉ đã tăng giá sản phẩm liên tục trong thời gian qua.
Theo khảo sát của công ty tư vấn Deloitte vào năm 2021, 74% người ở tầng lớp thượng lưu bày tỏ thái độ lo lắng vì vật giá ngày càng leo thang. 77% người thuộc giới trung lưu cũng có suy nghĩ tương tự.
Nguồn: Asia News, Korea JoongAng Daily
Tổ Quốc