Mùa Valentine 2023 đầy bất ổn: Lạm phát khiến nhiều doanh nghiệp chocolate phải giở chiêu trò, vờ tăng kích thước hộp rồi tăng giá bán
“Hiện tượng này thậm chí chẳng phải suy giảm kích thước vì lạm phát (Shrinkflation). Đó là sự đóng gói quá mức (Overpakaging) mang tính khoe mẽ”, nhà sáng lập Adgar Dworsky của Consumer World nhấn mạnh.
- 12-02-2023Nhật Bản: Nhu cầu chocolate dự kiến tăng bất chấp lạm phát
- 07-02-2023Chocolate handmade lên ngôi mùa Valentine 2023
- 22-01-2023Chocolate tăng giá trước thềm Valentine tại Nhật Bản
Theo hãng tin CNBC, những chiếc hộp chocolate mùa Lễ tình nhân (Valentine) năm nay có lẽ sẽ chỉ bằng một nửa so với thông thường.
Đây chẳng phải lừa đảo hay dối trá từ nhà sản xuất mà với cùng một mức giá, họ đang cố gắng tập trung vào bao bì, vẻ bề ngoài của chiếc hộp hơn là chất lượng bên trong, qua đó đánh lừa tâm lý người dùng rằng họ bỏ ra số tiền nhiều hơn là xứng đáng.
“Hiện tượng này thậm chí chẳng phải suy giảm kích thước vì lạm phát (Shrinkflation). Đó là sự đóng gói quá mức (Overpakaging) mang tính khoe mẽ”, nhà sáng lập Adgar Dworsky của Consumer World nhấn mạnh.
Thông thường trong thời kỳ lạm phát, các doanh nghiệp sẽ thu nhỏ kích thước hoặc giảm khối lượng sản phẩm mà không thông báo cho người tiêu dùng, qua đó tránh tăng giá bán mà vẫn giữ được lợi nhuận. Đây là suy giảm kích thước vì lạm phát.
Thế nhưng trường hợp hộp chocolate ít đi với bao bì hào nhoáng và giá bán tăng lên như hiện nay thì chỉ là chiêu trò marketing của nhà sản xuất.
Những chiếc hộp hào nhoáng
Theo điều tra của Sworsky, những chiếc hộp chocolate Russell Stover và Whitman’s Sampler có giá 7,99 USD bán tại Mỹ đầy hào nhoáng cho ngày Valentine nhưng bên trong lại chỉ có tương ứng 9 và 11 cái kẹo. Điều này khiến cho 2/3 chiếc hộp chocolate hào nhoáng trống không.
Trên thực tế, hành vi trên là phạm pháp theo quy định của Mỹ. Luật liên bang nêu rõ các bao bì sản phẩm không được phép có không gian không cần thiết hoặc không có tác dụng gì. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét việc để trống không gian có giúp bảo vệ chất lượng sản phẩm hay nhiệm vụ gì cần thiết hay không, nếu câu trả lời là không thì các thương hiệu trên sẽ bị phạt hoặc người dùng có quyền kiện.
Năm 2019, hai thương hiệu kẹo là Ghirardelli và Russell Stover đã bị phạt 750.000 USD sau khi công tố viên bang California cáo buộc họ sử dụng bao bì quá rộng để đánh lừa tâm lý người tiêu dùng.
Sau khi chấp nhận nộp phạt dù không thừa nhận các tội danh trên, cả 2 thương hiệu này đều đã phải thay đổi bao bì cũng như dừng các mẫu mã trên một số dòng sản phẩm. Thương hiệu Ghirardelli đã thêm một ô cửa sổ bằng nhựa trong suốt trên bao bì để người dùng có thể thấy số lượng kẹo bên trong.
Tờ Washington Post cho hay nhiều người tiêu dùng đã than vãn về sự suy giảm chất lượng của các hộp kẹo trong nhiều năm qua.
“Chocolate của nhà Whitman không còn được như trước nữa, những chiếc hộp chocolate của họ thập niên 1990 có nhiều kẹo hơn nhiều so với hiện nay”, một người dùng trên Reddit viết.
Valentine đắt đỏ
Trong khi đó, hãng tin CNBC nhận định các cặp đôi năm nay sẽ chi tiêu ít hơn cho mùa Valentine vì lạm phát và kinh tế khó khăn. Khảo sát của Trustpilot cho thấy 41% số người Mỹ không muốn tổ chức gì trong năm nay vì giá cả tăng quá cao, chỉ có 23% số người được hỏi là vẫn sẽ kỷ niệm ngày Valentine 2023.
Tuy nhiên thay vì những thỏi chocolate ngọt ngào cùng bữa tối lãng mạn thì gần một nửa số người muốn kỷ niệm ngày Lễ tình nhân cho biết sẽ chỉ dùng những gì có thể trong tầm ngân sách. Thậm chí 2/3 số người muốn mua quà cho người yêu cũng thừa nhận sẽ tiết kiệm 10% chi phí so với năm ngoái vì lạm phát.
Nghiên cứu của nền tảng tài chính The Balance cho biết giá một thanh chocolate tại Mỹ đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước lên 2,6 USD/thanh. Ngoài vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng và đại dịch Covid-19, việc mất mùa, hạn hán cũng làm giảm sản lượng hạt ca cao, qua đó đẩy giá chocolate đi lên.
Hãng nghiên cứu thị trường IRI thì cho biết giá kẹo cho ngày Valentine năm nay đã tăng 9,4% so với năm trước. Dù doanh số bán kẹo ước tính cao hơn 4,3% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số lượng sản phẩm bán ra theo đơn vị lại giảm 4,7%, qua đó cho thấy chocolate đắt hơn còn người mua thì chi tiêu ít đi.
Tương tự, báo cáo của BLS cho thấy giá những mặt hàng văn phòng phẩm, bao gồm thiệp mừng Valentine đã tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về mảng ăn uống, những bữa tối lãng mạn ngày Lễ tình nhân cũng chẳng còn ngọt ngào được như trước khi hóa đơn tăng bình quân 8,2% so với năm trước theo số liệu của BLS.
Nhân danh sức khỏe
Quay trở lại câu chuyện bánh kẹo và bao bì, tờ Washington Post cho hay trong những năm gần đây, các hãng bánh kẹo thường nhân danh bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng để giảm kích cỡ, giảm lượng đường tiêu thụ.
Năm 2017, các thương hiệu Mars Wrigley, Ferrero, Ferrara Candy và Lindt đã tuyên bố sẽ giảm kích cỡ sản phẩm vì bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời niêm yết lượng Calorie trên mặt trước bao bì.
Năm 2022, Hiệp hội bánh kẹo quốc gia Mỹ (NCA) cho biết 85% số thương hiệu bánh kẹo, chocolate của nước này đã giảm được bình quân 200 calories trên mỗi sản phẩm thông qua thu nhỏ kích cỡ.
Mặc dù động thái này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những tổ chức xã hội vì sức khỏe người tiêu dùng nhưng tờ Washington Post nhận định việc cắt giảm kích cỡ cũng sẽ tiết kiệm được các chi phí nguyên liệu như bơ, ca cao, đường, sữa...vốn đang tăng giá vì đứt gãy chuỗi cung ứng.
Số liệu của Nasdaq cho thấy giá hạt ca cao đã tăng mạnh liên tục kể từ đầu tháng 11/2022. Ngân hàng Rabobank thì báo cáo giá đường vẫn tăng đều kể từ năm ngoái.
*Nguồn: CNBC, Washington Post
Nhịp sống thị trường