Mua vàng ngày vía Thần Tài: Phụ huynh mới ham chứ mình chỉ bán đi chơi chứng khoán!
Đó là một trong số những ý kiến đang "chọi nhau" của các Gen Z xoay quanh chuyện mua vàng.
- 31-01-2022Ảnh: Tượng "hổ mọc thêm cánh" dát vàng 24k giá hàng chục triệu đồng chờ đại gia mua về chơi Tết
- 30-01-202228 Tết, Lệ Quyên "nhá hàng" nội thất bên trong căn bạch dinh "3,6 tỷ VNĐ chỉ đủ mua cái cổng": Vàng dát khắp nơi, đâu đâu cũng toát lên mùi tiền
- 26-01-2022Báo nước ngoài đặt câu hỏi về cuộc sống giàu có của Lý Nhã Kỳ: Ở nhà dát vàng, mua du thuyền để đi ngắm hoàng hôn và sở hữu kim cương để quên đi... những đêm cô đơn buồn bã
Thời đại ngày nay có muôn vạn cách để đầu tư kiếm tiền từ nhà đất, mua vàng, gửi ngân hàng đến chứng khoán, tiền số… Hễ có 10 kênh thì Gen Z đã “dấn thân” vào hết 9 rồi. Nhiều người cho rằng không chỉ có đầu tư số mà vàng cũng là một kênh giúp người trẻ đầu tư lâu dài.
Bình thường cũng có nghe nhiều bạn trẻ nói chuyện tậu vàng, hỏi thăm người này người nọ mua được mấy chỉ, lời được bao nhiêu… Nhưng cũng có nhiều ý kiến khẳng định vàng chỉ dành cho… người già, giới trẻ không hề ham. Tầm này ngày vía Thần Tài đến gần, câu chuyện mua vàng lại càng được bàn luận rôm rả hơn nữa.
Đi làm một năm mua được gần 2 cây vàng
Thành Đạt (sinh năm 1999), tự nhận mình là một Gen Z chính hiệu thế nhưng trước giờ anh chàng vẫn luôn trung thành với việc gửi tiền ngân hàng và mua vàng để dành. Mỗi tháng làm việc cậu đều có tích góp rồi chia làm 2 nửa. Một nửa để gửi ngân hàng còn một nửa sắm vàng.
Khi được hỏi lý do vì sao lại chọn các kênh này mà không phải chứng khoán hay tiền số, Đạt trả lời:
“Với mình, đây là một hình thức ít rủi ro lại an toàn và hiệu quả, tài chính cá nhân sẽ không mất đi mà còn tăng lên nhờ lãi suất hàng năm. Việc tích lũy trong kỳ hạn dài sẽ giúp tiền càng ‘đẻ ra tiền’ khi có được của lãi suất kép.
Chứng khoán á, thôi! Tính mình thì thích ăn chắc mặc bền nên cái gì rủi ro quá thì mình thường bỏ qua. Mình thà kiếm ít, ăn ít chứ lỡ mà mất hết thì mình không biết làm sao luôn.”
Vì là “người chơi hệ vàng” nên mỗi năm vào ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, gia đình và bản thân cậu đều đi sắm vàng.
“Trước giờ mẹ mình luôn quan niệm ngày vía Thần Tài là phải mua vàng, đầu năm mua vàng để lấy cái hên. Tùy theo điều kiện tài chính mỗi năm mà số lượng mình mua cũng khác nhau. Năm nào ít thì mua 1 chỉ lấy hên, năm nào nhiều thì 3-4 chỉ.
Riêng mình vừa mới ra trường được 1 năm mà lại hết nửa năm dịch bệnh rất may là cũng tích góp được chút ít, khoảng được 1,8 cây vàng. Đây là điều làm mình tự hào nhất năm qua”, Đạt chia sẻ.
Mua vàng là mua cảm giác an toàn
Đúng là không thể phủ nhận sức hấp dẫn của vàng khi mà không chỉ người lớn thích ổn định mới mua mà người trẻ cũng rủ nhau đi sắm vàng để dành. Một trong số đó là Minh Tuyết - cô nàng Gen Z thích sắm vàng để dành như… của hồi môn.
Tuyết chia sẻ năm nào về quê cũng thấy mẹ mình than vàng lại tăng, thế là cô bạn nhận ra vàng cũng là một kênh đáng đầu tư đó chứ.
“Mỗi lần mình mua được vàng là đều cảm thấy như một thành tựu. Mặc dù mua ít hay nhiều thì nó vẫn đem về cảm giác an toàn nhất định. Mọi người thường nói mua vàng ít lời nhưng riêng bản thân Tuyết thì thấy sẽ lời nhiều nếu mọi người biết nắm bắt cơ hội và thời điểm.
Ví dụ như ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng giêng này, mình chỉ mua một ít vàng để lấy vía may mắn thôi chứ để nói mua nhiều thì sẽ không đâu, vì giá vàng thường sẽ tăng do nhu cầu mua cao. Ngược lại, những thời điểm giá vàng giảm trong năm thì mình sẽ mua nhiều luôn một lượt.”
Là con gái nên Tuyết tự nhận mình ít am hiểu công nghệ và phân tích các con số nên không thể nào mạo hiểm chơi chứng khoán như các bạn đồng trang lứa. Cô bạn tính toán kỹ càng các kênh đầu tư nào sẽ phù hợp với bản thân và đem lại lợi nhuận cao nhất thì sẽ chọn.
Tuy nhiên Tuyết chia sẻ, bản thân sẽ không chỉ đem tiền đi mua vàng thôi mà sẽ còn đầu tư vào những lĩnh vực khác nữa.
“Khi nào tích lũy đủ vàng thì mình sẽ bán để mua đất. Những cơn sốt đất gần đây khiến mình đang dần tìm hiểu về bất động sản. Nói chung mỗi thời điểm thích hợp mình sẽ có lựa chọn riêng chứ không chăm chăm mỗi mua vàng.”, Minh Tuyết chia sẻ
"Mẹ mình mua vàng chứ mình thì bán vàng!"
Cũng là một Gen Z thế nhưng Thanh Toàn (sinh năm 2000 lại không hề có khái niệm “mua vàng”. Anh chàng hiện đang làm việc trong lĩnh vực tài chính chứng khoán nên tự thấy kênh đầu tư vàng kém hấp dẫn hơn đối với mình.
“Mình hiện đang đầu tư chứng khoán và cụ thể là chứng khoán nước ngoài. Đó giờ mình toàn thấy người lớn mua vàng để dành thôi, như mẹ của mình là một ví dụ. Còn mình thì ngược lại, so với mua thì mình thích bán hơn. Mình bán vàng để lấy vốn đầu tư chứng khoán.”
Cậu bạn nhận định về các kênh đầu tư dưới góc nhìn cá nhân và cho rằng đầu tư vàng có ưu điểm là rủi ro thấp và an toàn hơn. Tuy nhiên vàng là 1 sản phẩm hàng hoá nên để so với chứng khoán thì chắc chắn mức tăng trưởng và sinh lời sẽ không bằng được.
“Như các bạn cũng có thể thấy vàng sau 5-10 năm cũng chỉ giao động trong tầm 50-60tr/ cây vàng. Nên nếu chúng ta đầu tư cả 1 khoảng thời gian dài như vậy mà mức sinh lời chỉ có 10-20 triệu hoặc cho nhiều hơn là 50tr thì cũng là quá ít, trừ khi chúng ta đầu tư số lượng lớn.
Do đó, nếu có tiền mình chắc chắn sẽ không mua vàng mà để dành cho các kênh khác thích hợp hơn. Cá nhân mình thấy tuổi trẻ lúc còn sức kiếm tiền thì nên xông xáo kiếm càng nhiều càng tốt. Nơi nào có nhiều nguy hiểm cũng là nơi có khả năng cao kiếm được nhiều tiền. Sau này, đến lúc già đi thì mua vàng cũng chưa muộn.”, cậu nói.
Pháp luật và bạn đọc