Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025
Chính phủ vừa ban hành theo Nghị quyết số 54/NQ-CP, với mục tiêu số lượng doanh nghiệp của nước ta đến hết năm 2025 sẽ đạt 1,5 triệu.
- 29-04-2022Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4/2022 cao nhất từ trước đến nay
- 28-04-2022Sàng lọc nhà đầu tư tham gia đấu giá đất: Không công bằng với doanh nghiệp mới
- 25-04-2022Giải pháp mới trong lưu trữ và quản lý tài liệu cho doanh nghiệp
Chia sẻ với DĐDN, ông Mạc Quốc Anh – Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, việc hiện thực hoá được mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 song hành với mục tiêu phục hồi kinh tế của Chính phủ.
- Việc nâng số doanh nghiệp lên gần gấp đôi trong vòng 5 năm, kể từ năm 2021 đang gặp phải những rào cản nào, thưa ông?
Tính đến hết năm 2020, Việt Nam có khoảng 810.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Để đạt mục tiêu đến hết năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, thì trong 5 năm, tính từ năm 2021, phải có thêm gần 700.000 doanh nghiệp, nghĩa là bình quân mỗi năm phải có thêm khoảng 140.000 doanh nghiệp mới tham gia thị trường.
Nhưng thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, năm nào cũng có, ít thì vài chục nghìn, nhiều thì tới cả trăm nghìn doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Chẳng hạn năm 2021, trước tác động dịch Covid-19, có tới 119.800 doanh nghiệp rút khỏi thị trường và chỉ có thêm 40.200 doanh nghiệp.
Thậm chí một số ngành nghề đã bị triệt tiêu, xu hướng kinh doanh cũng thay đổi từ trực tiếp sang online khiến việc kinh doanh quy mô nhỏ, không cần phải thành lập doanh nghiệp.
Đáng nói, chúng ta tính tới là 1,5 triệu doanh nghiệp thực sự, doanh nghiệp quy mô và hoạt động hiệu quả, chứ không phải đếm số lượng 1,5 triệu. Như vậy, mục tiêu trên có thể coi là một “giấc mơ”!
- Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vẫn có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta có chính sách cởi mở hơn với lực lượng “kế cận”, thưa ông?
Chúng ta đã có chính sách đưa 5 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nhưng hiện chính sách chưa đủ thu hút, hộ kinh doanh “không muốn lớn”. Tuy nhiên đây là lực lượng kế cận tốt, cần có chính sách về thủ tục thuế tối giản hết mức có thể để khuyến khích lực lượng này. Việc nộp thuế của hộ kinh doanh thành doanh nghiệp cũng cần phải có lộ trình. Hiện chúng ta đang giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, vậy đối với hộ kinh doanh những năm đầu chỉ cần nộp 50%, năm tiếp theo là 70%, và tới năm thứ 3 là nộp đủ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, về oá đơn điện tử, kê khai thuế… của các hộ kinh doanh này cũng được số hoá sớm, để các hộ kinh doanh làm quen, hỗ trợ đào tạo hướng dẫn từng bước dần dần. Đặc biệt, hỗ trợ đào tạo các hộ kinh doanh này quản trị, công tác thị trường, xúc tiến thương mại. Từ trước tới nay chúng ta “bỏ quên” đối tượng này trong các chương trình xúc tiến.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
- Bên cạnh khuyến khích hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, theo ông, việc kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi là yếu tố quyết định để doanh nghiệp ra nhập thị trường, thúc đẩy phục hồi kinh tế, thưa ông?
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cắt giảm, nhưng VCCI cũng từng có đánh giá, công cuộc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường vừa qua vẫn chưa thực chất. Các Bộ, ngành khẳng định đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ được khoảng 30-40%.
Chúng ta cần mạnh mẽ cắt bỏ những thủ tục gây cản trở cho doanh nghiệp chứ không chỉ “đơn giản hóa” như hiện nay. Nếu không có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, thì không chỉ “giấc mơ” về 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 lỡ hẹn mà mục tiêu phục hồi kinh tế cũng khó đạt được.
- Xin cảm ơn ông!
Diễn đàn doanh nghiệp