MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu 6 tháng cuối năm xuất khẩu thủy sản đạt 6 tỷ USD

13-07-2018 - 07:06 AM | Thị trường

Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,02 tỷ USD, đạt 40,3% so với kế hoạch và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai.

6 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 3,56 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 1,76 triệu tấn, tăng 5%; sản lượng nuôi trồng đạt 1,79 triệu tấn, tăng 6,4%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,02 tỷ USD, đạt 40,3% so với kế hoạch và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trong năm 2018, 6 tháng cuối năm toàn ngành phải cố gắng đạt 6 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thủy sản, để hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, 6 tháng cuối năm Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung thực hiện mục tiêu tăng trưởng, trình ban hành 02 Nghị định; 01 Quyết định và 9 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2017. Triển khai quyết liệt hơn các giải pháp nhằm tháo gỡ khuyến nghị của EC về khắc phục thẻ vàng IUU, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát vi phạm quy định IUU, ngăn chặn các tàu cá khai thác vi phạm vùng biển các nước.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành thủy sản trong 6 tháng qua đồng thời ông cũng yêu cầu các đơn vị Tổng cục Thủy sản tập trung thực hiện một số nhiệm vụ để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Đối với khai thác Tổng cục Thủy sản cần rà soát, đánh giá lại năng lực chế biến; quan tâm hơn nữa tới thị trường nội địa, chuẩn bị hoàn thiện chiến lược nuôi khơi xa. Chuẩn bị ngay kế hoạch Đề án nuôi biển thí điểm trong 2019-2020 một cách căn cơ, bài bản có bước đi, có lộ trình về giống, công nghệ, quy trình, thức ăn, chế biến, xuất khẩu... Sau đó mở ra triển vọng nhân rộng.

Tôm vẫn là 1 trong 2 đối tượng chủ lực. Do đó, các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung nuôi lợ, mặn, ngọt... Phát triển một số sản phẩm nuôi có tiềm năng như: tôm hùm, tôm càng xanh, tôm thẻ. Đầu tư công nghệ nuôi trồng để nhân rộng cho bà con áp dụng cả tôm lúa, tôm rừng, tôm bán thâm canh, công nghệ thâm canh.

Sắp tới, cần tập trung phối hợp với tỉnh Bạc Liêu trong việc phát triển 406 ha khu công nghiệp công nghệ cao, từ đây để giải quyết căn cốt vấn đề giống, thức ăn, quy trình công nghệ, chế biến chuỗi ngành hàng khép kín. Về cá tra: Tập trung giống, vùng nuôi phải ổn định. Phải quyết liệt hơn quyết liệt hơn về vấn đề kiểm soát chất lượng hàng cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và phối hợp với đoàn thành tra FSIS của Bộ Nông nghiệp Mỹ trong các chương trình kiểm soát cá da trơn.

Theo Vasep nên rà soát lại toàn bộ những khuyến nghị của EU, tổ hợp thành 9 nhóm khuyến nghị của đoàn kiểm tra kỹ thuật của EU và xây dựng các kế hoạch triển khai tiếp theo.  Rà soát lại nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp thực hiện quyết liệt các nội dung Nghị quyết 19.

Tùng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên