Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có khoảng một triệu doanh nghiệp hoạt động
Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, ngày 5/5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Tweet
- 05-05-2016Doanh nghiệp và nỗi ám ảnh mang tên “giấy phép con”
- 05-05-2016Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
- 04-05-2016Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng hơn 40%
Cả nước sẽ có khoảng một triệu doanh nghiệp
Mục tiêu của Nghị quyết là phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng một triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Khu vực tư nhân trong nước đóng góp khoảng 48-49% GDP; đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hằng năm, có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu lên một số nguyên tắc như tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường… và cơ hội kinh doanh; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Nghị quyết cũng khẳng định sẽ giảm dần tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế…
Rà soát lại mức phí đường bộ, phí BOT
Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải hằng quý đối thoại với doanh nghiệp. Các địa phương thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố. Thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt kiểm tra (không quá 2 lần/năm).
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các địa phương liên quan rà soát lại mức phí đường bộ, phí BOT hiện nay, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí.
Bộ Khoa học và công nghệ xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, báo cáo Chính phủ trong quý IV/2016.
Xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết nêu rõ.
Ý kiến các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết, cho rằng dự thảo đã đưa ra được các việc cần làm ngay để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đánh giá đây như một lời hiệu triệu, tạo niềm tin vào doanh nghiệp, lực lượng tiên phong phát triển kinh tế.
Đồng thời, các ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Nghị quyết với tinh thần bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, hiệu lực, đi ngay vào cuộc sống; mong muốn bên cạnh trách nhiệm của Nhà nước thì doanh nghiệp cũng nâng cao trách nhiệm của mình đối với đất nước, nhân dân, tuân thủ pháp luật, nói không với trốn, lậu thuế, liêm chính trong kinh doanh.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Thủ tướng ký ban hành.
"Nghị quyết phải thể hiện rõ thông điệp mà chúng ta đã công bố với doanh nghiệp, là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết sau khi được ban hành, phải biến chủ trương, chính sách thành hành động cụ thể của mỗi cán bộ, công chức thực thi công vụ.
Đừng coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý mà là đối tượng phục vụ, Thủ tướng nói.
Bizlive