Mục tiêu kiểm soát lạm phát đang "đè nặng" lên 4 tháng cuối năm
Để hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%, CPI 4 tháng cuối năm cần ở mức tăng tối đa 0,79% bình quân mỗi tháng so với tháng trước...
- 15-08-2018Ổn định giá cả dịch vụ, thị trường để kiểm soát lạm phát
- 13-08-2018Chỉ thị 04: Mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát
- 07-08-2018Áp lực lạm phát lớn nhưng chu kỳ 10 năm không lặp lại?
Trong 4 tháng cuối năm 2018, các yếu tố chủ yếu tác động đến mặt bằng giá bao gồm giá thực phẩm, giá xăng dầu, nhiên liệu đốt (LPG), dịch vụ giáo dục, vật liệu xây dựng...
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 3,98% so cùng kỳ năm trước; tăng 2,59% so với tháng 12 của năm 2017.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, CPI bình quân biến động theo hướng tăng dần qua các tháng, từ mức 2,65% (tháng 1) tiến dần đến mức 3,01% (bình quân 5 tháng) và tăng với tốc độ nhanh hơn trong 2 tháng tiếp theo lên mức 3,45% (bình quân 7 tháng).
Có thể thấy, mức tăng CPI bình quân có dấu hiệu tăng mạnh trong các tháng chủ yếu do mặt bằng giá của tháng 5, tháng 6, tháng 7 năm 2017 ở mức thấp trong khi mặt bằng giá các tháng 5,6,7 năm 2018 ở mức cao hoặc chỉ giảm nhẹ.
Sang tháng 8/2018, tuy CPI so với tháng trước có mức tăng khá cao (0,45%) nhưng do mặt bằng giá tháng 8/2017 cũng ở mức rất cao (tăng 0,92%) nên CPI bình quân không tăng đột biến, chỉ ở mức 3,52%.
Bên cạnh đó, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu.
Căn cứ diễn biến CPI 8 tháng đầu năm, theo tính toán của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), để có thể hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4% như Quốc hội giao, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng cuối năm cần được kiểm soát ở mức tăng tối đa 0,79% bình quân mỗi tháng (so với tháng trước).
Mức tăng CPI 4 tháng cuối năm 2018 theo tính toán của Cục Quản lý giá.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, các yếu tố chủ yếu tác động đến mặt bằng giá trong 4 tháng cuối năm là giá thực phẩm vẫn có thể tiếp tục tăng, tuy nhiên có thể đánh giá mức tăng sẽ không lớn như những tháng vừa qua.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu, nhiên liệu đốt (LPG) có thể có những diễn biến khó lường và thường có xu hướng tăng vào mùa lạnh. Cùng với đó, giá dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng trong tháng 9; giá các mặt hàng vật liệu xây dựng thường có xu hướng tăng vào mùa xây dựng cuối năm... sẽ góp phần làm tăng CPI những tháng tới.
Bộ Tài chính cũng đánh giá, theo quy luật hàng năm, mặt bằng chỉ số giá các tháng cuối năm trong những năm gần đây cơ bản nằm trong kiểm soát, kể cả thời điểm thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh vào cuối năm 2016 thì diễn biến chỉ số giá cũng không có đột biến.
Từ đó, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2018 vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Cục Quản lý giá dự báo CPI cả năm 2018 tăng trong khoảng 3,73%-3,95%.
Để làm được điều này, Bộ Tài chính cũng cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá vẫn cần hết sức thận trọng trước các diễn biến từ quốc tế như căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và tình hình thị trường tài chính - tiền tệ thế giới (Fed tăng lãi suất, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ...).
Vneocnomy