MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu mới của Mark Zuckerberg

25-04-2016 - 10:40 AM | Tài chính quốc tế

Ban đầu là Trung Quốc và bây giờ đến lượt Facebook. Hãng chế tạo thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Ericsson đã nhiều năm trời phải chống chọi với sự cạnh tranh khốc liệt từ Huawei của Trung Quốc và giờ đây là một 'tân binh' mới đầy bất ngờ: "ông trùm" mạng truyền thông xã hội Mark Zuckerberg.

Facebook đã bắt tay hợp tác với các công ty viễn thông Intel, Nokia (một đối thủ cạnh tranh của Ericsson), Deutsche Telekom và SK Telecom về các thiết kế mã nguồn mở dành cho thiết bị đời mới để kết nối điện thoại thông minh (smartphone) với trạm phát sóng và truyền tin nhắn dạng văn bản và các đoạn video YouTube. Zucekerberg muốn dự án này sẽ kết nối hàng tỉ người không có Internet, đặc biệt ở các khu vực khó xây dựng mạng lưới vì điều kiện khí hậu hoặc không có nguồn điện ổn định.

Ngày nay, lắp đặt các mạng di động là công việc phức tạp và đắt đỏ. Chi phí xây dựng một trạm 4G ở một thành phố lên tới khoảng 100.000 euro (tương đương 113.000 USD), chưa kể chi phí về đường cáp. Thế hệ công nghệ 5G còn phức tạp hơn nữa.

Mục tiêu của Facebook là đơn giản hoá sự phức tạp này bằng cách lập các trạm và cung cấp thiết bị mạng chi phí rẻ, giúp giảm bớt rào cản tiếp cận Internet và viễn thông ở những vùng chưa phát triển. Nếu viễn tưởng này được thực hiện hoá, điều đó có nghĩa là có sự chuyển dịch không mấy thuận lợi cho Ericsson, Nokia và Huawei.

Facebook đang trong xu thế phá vỡ phần cứng. Năm 2011, Facebook đã hỗ trợ Dự án Tính toán Mở (open compute) nhằm khuyến khích người tham gia chia sẻ thiết kế về các máy chủ và thiết bị trung tâm dữ liệu khác. Cùng với mô hình điện toán đám mây (cloud computing), sự chuyển dịch này đã định hình lại ngành công nghiệp này.

Việc phát triển bộ KIT đơn giản hơn đã đưa phần cứng trở thành một hàng hoá lãi ít. Hàng năm, vô số máy chủ vẫn được bán song thị phần và sức mạnh về giá cả đã thay đổi. IBM đã quyết định ngừng công việc kinh doanh này.

Thậm chí những tên tuổi lớn hiện nay thờ ơ với những máy chủ đắt tiền và chuyển hướng quan tâm đến thiết bị được sản xuất từ nguồn cảm hứng của Facebook. Công ty Goldman Sachs cho biết trên 80% máy chủ được mua mới là thiết bị theo kiểu Tính toán Mở (Open Compute).

Nokia đã quyết định chọn giải pháp "theo sát kẻ thù của mình” và chuyển sang hợp tác với Facebook, đầu tiên là về dự án Tính toán Mở và bây giờ là dự án viễn thông này nơi mà Ecrisson và Huawei đang thống lĩnh.

Trong bối cảnh thị trường thiết bị viễn thông đình trệ trong một thời gian, bất kỳ sự cạnh tranh nào dù nhỏ cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Theo ước tính của ngân hàng Deutsche Bank, với việc hầu hết các mạng 4G đã được lắp đặt tại Mỹ và Trung Quốc, đầu tư của các nhà mạng sẽ giảm 7% trong năm nay và 5% trong năm 2017. Giá cổ phiếu của Ericsson giảm 10% trong ngày 21/4 vì doanh số bán hàng giảm và điều đó cho thấy khả năng dễ đổ vỡ của một thị trường thiết bị viễn thông đầy khó khăn.

Mặc dù Facebook sẽ không thể 'huỷ diệt' ngay được hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông song sẽ là không khôn ngoan nếu đánh giá thấp Zuckerberg.

Xuân Hương

Bloomberg

Trở lên trên