MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%-7% năm 2024 rất khả thi

Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý là GDP 9 tháng năm nay tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD.

Ngày 6/10, Tổng cục thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình phát triển kinh tế-xã hội Quý 3 và 9 tháng năm 2024. Trong đó, đáng chú ý là GDP 9 tháng năm nay tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái

Mặc dù ảnh hưởng bởi thiên tai, nhưng trong Quý 3 vừa qua, Tổng sản phẩm trong nước vẫn giữ được đà tăng ấn tượng, 7,4% so với cùng kỳ năm trước, góp phần quan trọng vào mức tăng tăng 6,82% trong 3 quý của năm nay. 9 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22% và khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%. Trong bối cảnh kinh tế kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động, mức tăng trưởng GDP 6,82% trong 9 tháng qua thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Đây là căn cứ quan trọng để nước ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8–7% trong cả năm 2024.

Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, lĩnh vực nông nghiệp dù ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, nhưng sự phát triển tốt ở lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, nhất là tại những vùng sản xuất trọng điểm đang hỗ trợ và bù đắp tích cực, giúp ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng cao trong những tháng cuối năm.

Ông Đậu Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông lâm nghiệp và thủy sản, Tổng Cục thống kê nêu giải pháp: "Trong Quý 4, một trong những giải pháp mà chúng tôi đưa ra là chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản ở những vùng không bị thiệt hại. Qua đó có thể cung ứng những sản phẩm, những mặt hàng thiết yếu cho những vùng bị thiệt hại. Đồng thời cũng để bù đắp phần thiệt hại, phần ảnh hưởng của bão để duy trì mức tăng trưởng trong thời gian tới".

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%-7% năm 2024 rất khả thi- Ảnh 1.

Theo các chuyên gia kinh tế, với những khởi sắc của nhiều lĩnh vực trụ cột, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay của cả nước ở mức 6,5-7% là rất khả thi

9 tháng qua, khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 8,34%. Trong khi các ngành thương mại, du lịch, vận tải duy trì đà tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ chín tháng năm 2024 tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

9 tháng năm 2024, cả nước có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Với những nỗ lực đầu tư hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024 đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình kinh tế, chính trị trong khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, tiền ẩn nhiều rủi ro, có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội nước ta những tháng cuối năm. Tuy nhiên, với những khởi sắc của nhiều lĩnh vực trụ cột, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6,5-7% là rất khả thi.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Duy Bình cho rằng: "Chúng ta cần huy động được nhiều hơn đầu tư của khu vực tư nhân để bù đắp sự suy giảm của đầu tư công trong thời gian tới, bởi chúng ta phải dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ và những chi tiêu cho an sinh xã hội. Chúng ta cần mở ra được những không gian tăng trưởng mới, những dư địa tăng trưởng mới và những không gian kinh tế mới. Những thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì được mức tăng trưởng cao và bền vững. Đây là thách thức lớn nhất mà nước ta phải đối diện trong tình hình hiện nay".

Theo Vũ Trung/VOV1

VOV

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên