MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu thu hút thêm hàng trăm tỷ USD vào TTCK: Tìm đường nâng hạng

Để tăng sức hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán, điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trong phiên họp Quốc hội (QH) ngày 08/11/2016, QH đã thông qua Nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế 2016 – 2020. Trong đó, QH đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP.

Theo như mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5% cho giai đoạn 2016-2020 thì đến năm 2020, GDP có thể đạt mức 265 tỷ đô la Mỹ. Như vậy, nếu muốn thị trường cổ phiếu đến năm 2020 đạt 70% GDP, tức quy mô vốn hóa của thị trường phải ở mức 185,5 tỷ USD.

Theo số liệu từ sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HOSE), quy mô vốn hóa thị trường đang ở mức khoảng 70 tỷ USD cho cả 2 sàn chứng khoán Tp.HCM và Hà Nội. Như vậy, để đạt tới mục tiêu 70% GDP vào năm 2020, quy mô thị trường chứng khoán cần phải tăng thêm 115,5 tỷ USD.

Một điều đáng quan ngại là quy mô giao dịch không tăng tương ứng theo mức tăng vốn hóa trong những năm gần đây, điều này cho thấy nguồn vốn lưu chuyển trên thị trường chứng khoán (TTCK) không thực sự dồi dào. Như vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao có thể hấp thụ một lượng lớn tiền như vậy vào thị trường để biến mục tiêu của quốc hội thành hiện thực?

Tỷ trọng giao dịch của NĐTNN vẫn chưa cải thiện đáng kể (Nguồn: HOSE)
Tỷ trọng giao dịch của NĐTNN vẫn chưa cải thiện đáng kể (Nguồn: HOSE)

Tại Hội nghị nhà đầu tư nước ngoài chủ đề “Nâng hạng TTCK Việt Nam lên chuẩn thị trường mới nổi” do HOSE và StoxPlus đồng tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng việc nâng hạng thị trường để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài là mắt xích quan trọng trong tiến trình đưa TTCK VN trở thành kênh huy động vốn chủ lực của nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, một điều hết sức khó khăn là quy mô dành cho khối ngoại còn rất nhỏ, theo bà Hoàng Thị Hoa, đại diện từ Dragon Capital thì hiện tại có khoảng 50 DN lớn với room còn lại khoảng 4 tỷ USD để cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể rót tiền vào. Như vậy là quá nhỏ bé.

Do vậy, VN cần một số vấn đề cần phải giải quyết trong đó quan trọng nhất vẫn là vấn đề về giới hạn sở hữu và sự phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).

Ông Jun Nitta, Giám Đốc khối Quản lý tài sản, IFC cho rằng VN là quốc gia duy nhất giữ room 30% với ngành ngận hàng, đây là một giới hạn rất lớn. Theo Ông Jun, đã có bằng chứng cho thấy rằng, nếu cho phép cho NĐTNN sở hữu ngân hàng thì sẽ giúp ngành ngân hàng phát triển hơn chứ không mất mát gì cả.

“Mexico đã mở rộng ngành ngân hàng 100% để vực dậy nền kinh tế của họ sau khủng hoảng và kết quả là họ vẫn giữ cho hoạt động ngân hàng ổn định, chất lượng kinh doanh cũng tốt hơn. Hoặc như Balan trở thành 1 trong những nước Châu Âu duy nhất không bị ảnh hưởng của khủng hoảng dù không giới hạn sử hữu ngân hàng. Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Singapore cũng đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Jun Nitta dẫn chứng.

Tìm đường nâng hạng

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, các cơ quan quản lý đang tích cực triển khai những chính sách hỗ trợ thị trường như nới room, các thủ tục tạo rào cản NĐTNN, triển khai các sản phẩm mới đặc biệt là TTCK phái sinh, sáp nhập 2 sàn...

Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua không hạn chế cổ phần tại các doanh nghiệp không thuộc danh mục đầu tư có điều kiện được đánh giá là hành động mở cửa mạnh mẽ cho các NĐTNN của VN.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 60 tại các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại hàng loạt nút thắt và nhiều vướng mắc phát sinh khác nhau. Đặc biệt là các rào cản về mặt pháp lý, trong đó có việc tham chiếu với các luật chuyên ngành; rào cản về mặt thương mại; và cả các rào cản về mặt kỹ thuật và thủ tục thực hiện với các cơ quan quản lý liên quan trong quá trình này như UBCKNN., Sở Giao dịch Chứng khoán, Cơ quan Đăng ký Kinh doanh…

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc StoxPlus đánh giá rằng chúng ta cần phải xem xét lại quan điểm “nhà đầu tư nước ngoài là gì”? Nếu một DN có vốn 51% thì xem như DN đó là 1 công ty nước ngoài thì rất khó khăn kinh doanh. Và khi tỷ lệ sở hữu của NĐT NN thay đổi liên tục, lại xảy ra vướng mắc trong điều 23 luật đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Yohan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC cho biết vấn đề ngay trong chính trường hợp của HSC rằng đại hội đồng cổ đông của HSC đã cho phép nâng room cho nhà đầu tư nước ngoài 100% trước cả khi NĐ 60 ra đời.

“Một năm trôi qua kể từ khi NĐ 60 ra đời, chúng tôi đã làm một số việc nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nếu chúng tôi trở thành nhà đầu tư nước ngoài thì chúng tôi lại bị đối xử như một doanh nghiệp nước ngoài và không thể tham gia đầu tư vào 1 số ngành nghề trên thị trường.

Ngoài ra, nếu chúng tôi là 1 DN nước ngoài thì chúng tôi không được phép từ VN đầu tư ra nước ngoài. Việc đóng thuế cũng khác. Và nếu chúng tôi cho vay thì cũng gặp rất nhiều rào cản. Cho nên chúng tôi vẫn chưa thay đổi, nếu chúng tôi đầu tư hơn nữa thì gặp những khó khăn, do đó chúng tôi nhận thấy chưa thể thực thi và chờ đợi”, Ông Yohan cho biết.

Vấn đề cần giải quyết đó chính là khoảng cách giữa ban hành và việc triển khai trên thực tế của các chính sách. Để giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, các thủ tục từ các bộ ngành liên quan đến các cơ quan ban ngành như bộ tài chính,...cần hợp tác để tháo gỡ để đưa dòng tiền nước ngoài vào thị trường.

Tại hội thảo, Ông Sani-e-mehmood Khan, Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Pakistan đã mang đến cho các nhà quản lý cách nhìn rõ nhất về việc làm thế nào giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Ngoài chia sẻ về những vấn đề về kỹ thuật, kết cấu hạ tầng thuận tiện cho NĐTNN dễ dàng giao dịch cũng như chuyển và rút tiền về; cần phải có các công ty chuyên thanh toán bù trừ chứng khoán; đi quảng bá TTCK Pakistan tại các trung tâm tài chính lớn từ Hồng Kong, London cho đến New York. Ông Khan chú trọng rằng:

“Khi MSCI hạ chúng tôi xuống cận biên, chúng tôi đã phải lập tức tìm hiểu nguyên nhân và cùng với Bộ trưởng tài chính lôi kéo theo các bên liên quan, đồng thời mời các chuyên gia quốc tế để cùng tìm ra giải pháp để trở lại thị trường mới nổi.

Do đó, tôi nghĩ VN cũng cần phải có sự hỗ trợ từ cấp quản lý cao nhất để huy động toàn hệ thống cùng thực hiện kế hoạch. Trước tiên, cần phải xem xét lại quan điểm về nhà đầu tư nước ngoài từ đó có chấp nhận sự công bằng, đối xử giống nhau giữa một nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hay không”.

Trong khi đó, bà Sylviane Carot từ MSCI nhấn mạnh rằng nếu muốn nâng hạng, VN cần phải mở cửa hơn nữa và cần phải cho thấy rằng không có quá nhiều điều khác biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.

Vấn đề của doanh nghiệp

Ngoài những vấn đề cần giải quyết đối với các cơ quan quản lý và các nhà tạo lập thị trường, để được nâng hạng hay không còn phụ thuộc vào việc chính các doanh nghiệp có mong muốn làm điều đó hay không.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HOSE cho biết, rất nhiều doanh nghiệp niêm yết hiện nay chưa chú trọng thông tin bằng tiếng Anh là một trong những yếu tố làm khó cho NĐTNN tiếp cận doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường UBCKNN cũng đặt vấn đề tại sao hiện chỉ có 8 DN cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 49%? Theo bà Bình thì nhiều DN hiện vẫn chưa có nhu cầu, hoặc chưa hiểu giá trị của việc nới room, hoặc e ngại các quy chuẩn về công bố thông tin.

Phía Stoxplus cũng đưa ra khảo sát về những rào cản trong việc nới room là trung bình cứ 1 DN đăng ký kinh doanh 19 ngành nghề, nhưng thực tế có nhiều hơn và có rất nhiều DN chưa bao giờ triển khai ngành đó. Điều này theo StoxPlus là gây hạn chế, cản trở quá trình nới room. Do vậy, DN cần thay đổi, rút lại ngành nghề đăng ký kinh doanh không có nhu cầu.

Trong khi đó, ông Yohan và bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch CTCK VnDirect cùng cho rằng, các vấn đề về minh bạch thông tin của DN vẫn là một rào cản. DN cần chú trọng vai trò của các đơn vị kiểm toán. Bởi lẽ, ngoài kiểm toán nội bộ, vai trò của các đơn vị kiểm toán độc lập ngoài giúp tăng tính minh bạch còn giúp DN rà soát lại hoạt động kinh doanh và lập kế hoạch tài chính hiệu quả hơn.

Theo Huy Nguyên

Người Đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên