Mục tiêu trả cổ tức cao hơn gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm, BIDV đang khiến cổ đông nhiều ngân hàng phải ghen tị
Không chỉ là cổ tức, BIDV còn có kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên trong năm nay với quy mô hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên vào ngày 22/4.
Năm 2016, ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về quy mô và thị phần trong toàn ngành.
Cụ thể với tổng tài sản đạt hơn 1,006 triệu tỷ đồng, BIDV là ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam đầu tiên cán mốc tổng tài sản 1 triệu tỷ. Dư nợ tín dụng và đầu tư tổng cộng đạt gần 950.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ các tổ chức và cá nhân đạt 751 nghìn tỷ, tăng 17,85% so với năm 2015 và chiếm 13,6% thị phần toàn ngành.
Tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 940.000 tỷ, trong đó từ thị trường 1 đạt gần 800.000 tỷ, tăng 21,1% so với năm trước và chiếm 12,5% thị phần toàn ngành. Riêng huy động vốn không kỳ hạn của BIDV chiếm tỷ trọng 17,2% tổng tiền gửi khách hàng.
Về cơ cấu hoạt động, ngân hàng dịch chuyển tích cực theo hướng gia tăng ở phân khúc bán lẻ và khách hàng SME. Tín dụng chung được kiểm soát chặt với tỷ lệ nợ xấu 1,95% trên tổng dư nợ.
Dù điều kiện môi trường kinh doanh còn khó khăn song ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 7.700 tỷ, tăng 3,2% so với năm trước. Tỷ lệ ROE đạt 14,7% và tỷ lệ cổ tức ở mức 7% bằng tiền mặt.
Đáng chú ý, cổ phiếu của BIDV ghi nhận mức thanh khoản cao nhất trong nhóm các ngân hàng cổ phần Nhà nước với bình quân 1,4 triệu cp/phiên, trong khi bình quân cổ phiếu ngân hàng là 778 nghìn cp/phiên.
Các công ty con của ngân hàng cũng đóng góp nhiều kết quả tích cực, trong đó công ty chứng khoán BSC góp 125 tỷ đồng lợi nhuận – nằm trong top 10 thị phần môi giới cổ phiếu và top 3 về môi giới trái phiếu; Bảo hiểm BIC đạt lợi nhuận 169 tỷ; công ty tài chính BLC chuyển đổi mô hình sang liên doanh giữa BIDV và đối tác Nhật; công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ Metlife nằm trong nhóm 10 công ty bảo hiểm nhân thọ có doanh thu cao phí cao nhất.
Kế hoạch năm 2017, ngân hàng đề ra chỉ tiêu huy động vốn tăng 16,5% và tín dụng tăng trưởng không quá 16%. Lợi nhuận trước thuế ở mức 7.750 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 7% và không thấp hơn mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.
Nói riêng về cổ tức, năm 2016 BIDV cùng với Vietcombank, VietinBank là các ngân hàng trong số ít trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Năm 2017, trong khi thông điệp không chia cổ tức nhiều năm liền cứ lặp đi lặp lại ở nhiều ngân hàng thì cam kết trả cổ tức không thấp hơn lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 năm của BIDV chắc chắn khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi ghen tị.
Cùng với kế hoạch về lợi nhuận và cổ tức, BIDV cũng dự tính tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng trong năm nay, từ 34.187 tỷ đồng hiện tại lên 38.632 tỷ đồng. Phương thức tăng vốn dự kiến sẽ tiến hành qua 3 đợt bao gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng; phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 1.026 tỷ đồng. Kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động chắc chắn sẽ gây "sốc" cho không ít nhân viên các ngân hàng khi BIDV là trường hợp hiếm hoi có chế độ ưu ái với người lao động như vậy.
Và với kế hoạch tăng vốn "khủng" này, BIDV sẽ vượt lên dẫn đầu quy mô về vốn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, vốn đang thuộc về VietinBank. Tại đại hội tổ chức ngày 17/4 vừa qua, VietinBank vẫn chưa có kế hoạch gì về việc tăng vốn năm nay, dù năm 2016 ngân hàng từng có tham vọng đẩy vốn lên đến hơn 49.000 tỷ đồng song đến lúc này vốn vẫn ở mức hơn 37,2 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra kế hoạch nhận sáp nhập PGBank của ngân hàng cũng chưa được cơ quan quản lý thông qua vì phải tính toán lại tỷ lệ hoán đổi.
Ngoài các kế hoạch nói trên, BIDV cũng dự tính năm nay sẽ phát hành cổ phần cho Nhà đầu tư nước ngoài theo chủ trương đã được phê duyệt.
Trí Thức Trẻ