MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mũi 3 vắc-xin Covid-19: Những nhầm tưởng về sốc phản vệ sau tiêm

25-12-2021 - 21:09 PM | Sống

Mũi 3 vắc-xin Covid-19: Những nhầm tưởng về sốc phản vệ sau tiêm

Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng phản vệ nặng vì các nguyên nhân khác nhưng lại nhầm tưởng là sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin Covid-19.

Thời gian gần đây, một số cơ sở y tế ghi nhận các ca nhập viện do phản vệ nặng nhưng lại bị nhầm tưởng là sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin Covid-19 . Tuy nhiên, sau khi khai thác tiền sử, nhiều trường hợp lại do các nguyên nhân khác, như việc sử dụng thuốc sau tiêm ngừa, phát hiện bệnh nền khi tiêm vắc-xin Covid-19....

Theo chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng, sốt là phản ứng thường gặp sau tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng với bất kỳ loại vắc-xin nào cũng có thể gặp phản ứng này.

Mũi 3 vắc-xin Covid-19: Những nhầm tưởng về sốc phản vệ sau tiêm - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân ở TP Hà Nội- Ảnh: Thu Trang

Với vắc-xin Covid-19 Astra Zeneca, ghi nhận khoảng 40% bệnh nhân có sốt sau tiêm, trong đó 7,6% sốt trên 38°C. Đây không phải là phản ứng nguy hiểm, nhưng nếu sốt trên 38,5°C thì cần sử dụng thuốc hạ sốt để kiểm soát nhiệt độ cơ thể, tránh các biến chứng của việc tăng thân nhiệt quá mức và để người bệnh dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, khá nhiều bệnh nhân sau tiêm thấy bị sốt, mệt... tự ra hiệu mua thuốc về uống. Sau uống mẩn đỏ toàn thân, phù mắt, thở rít, tím tái... (đây là những biểu hiện có thể gặp sau khi dùng thuốc). Nếu không chẩn đoán và xử trí đúng thì dễ lầm tưởng nguyên nhân tại phản ứng là do vắc-xin.

Ngoài phản vệ, còn rất nhiều nhóm bệnh khác phải nhập viện sau tiêm vắc-xin Covid-19, nhưng thực tế không liên quan đến vắc-xin như: Mất kiểm soát huyết áp; rối loạn nhịp tim; rối loạn glucose máu/đái tháo đường; rối loạn ý thức, co giật do hội chứng cai rượu; đột quỵ...

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, để phòng chống dịch và tình hình gánh nặng của biến thể Omicron trên thế giới, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên với thời gian tính từ mũi cuối cùng của liều tiêm cơ bản là 3 tháng. Mũi nhắc lại được Tổ chức Y tế thế giới và nhà sản xuất khuyến cáo là tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên với khoảng cách từ 3-6 tháng sau liều tiêm cơ bản

Trước những băn khoăn về tác dụng của vắc-xin Covid-19 quá ngắn, thậm chí sau khi đã tiêm đủ vắc-xin mà vẫn mắc Covid-19, vẫn có ca tử vong do Covid-19 sau khi đã tiêm đủ liều vắc-xin... giới chuyên môn cho biết cơ chế tác động của vắc-xin-19 chỉ ngăn ngừa virus xâm nhập tế bào và gây bệnh, chứ nó không phải "lá chắn thần kỳ" ngăn chặn được virus bám vào cơ thể hoặc xâm nhập vùng mũi họng.

Với người đã tiêm vắc-xin, dù virus vẫn tồn tại ở mũi họng (qua xét nghiệm vẫn dương tính), nhưng không vào được tế bào (hoặc vào ít), không gây bệnh được (hoặc có nhưng nhẹ). Khi không xâm nhập được tế bào, virus không nhân lên được từ đó có thể nhanh chóng bị "xóa sổ".

Mũi 3 vắc-xin Covid-19: Những nhầm tưởng về sốc phản vệ sau tiêm - Ảnh 2.

Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng


Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với vắc-xin phòng bệnh có loại vắc-xin hiệu quả bảo vệ rất cao và kháng thể tồn tại lâu trong cơ thể (có thể suốt đời). Tuy nhiên, vắc-xin Covid-19 hiệu quả bảo vệ không thật cao như mong muốn (theo công bố của các nhà sản xuất có loại 70% có loại đến 90%...).

"Đặc biệt, nồng độ kháng thể sẽ giảm sau khi tiêm mũi cuối cùng từ 4 tháng đến 6 tháng. Vì vậy, cần phải tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng tính từ mũi tiêm cuối cùng của liều cơ bản. Đối với người cần tiêm mũi bổ sung thì tiêm sau 28 ngày"- PGS Phu nói.

Theo hướng dẫn cập nhật mới nhất của Bộ Y tế, người sau khi mắc Covid-19, được điều trị khỏi bệnh và kết thúc cách ly y tế, cần sớm được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 bao gồm các liều vắc-xin cơ bản và mũi tiêm nhắc lại.

Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 144,5 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó tiêm mũi 2 khoảng 65 triệu liều và hơn 2 triệu liều là tiêm mũi 3.


Theo PGS Dương Thị Hồng, những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vắc-xin mũi thứ 3 tương tự như liều cơ bản. Hầu hết là các phản ứng thông thường như phản ứng tại chỗ tiêm, sưng đau. Phản ứng toàn thân như: Sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp...

Những phản ứng bất thường, hiếm gặp có thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin mũi 3 là: Phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim... Theo bà Hồng, ở Việt Nam, trong năm 2021 đã có kinh nghiệm triển khai việc tiêm phối trộn các loại vắc-xin như mũi 1 vắc xin Astrazeneca/ Moderna, mũi hai là vắc-xin Pfizer... và việc ghi nhận các phản ứng thông thường tương tự như việc tiêm cùng loại vắc-xin. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người dân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của mình sau khi tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Mũi 3 vắc-xin Covid-19: Những nhầm tưởng về sốc phản vệ sau tiêm - Ảnh 4.

Theo D.Thu

NLD

Trở lên trên