Muối cháy hàng, vì sao người dân Hàn Quốc tiếp tục tích trữ thêm "món quà" khác của biển?
Theo CNN, sau khi muối cháy hàng thì đến lượt mặt hàng hải sản được người dân Hàn Quốc tích trữ số lượng lớn.
- 29-05-2023Những mặt hàng kéo tụt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam
- 09-05-2023Forbes: Tổ chức 'khó tính' của Mỹ tăng điểm cho loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - Tiềm năng tương lai rộng mở
- 04-05-2023Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm sốc
Muối cháy hàng
Tại nhiều siêu thị trên khắp Hàn Quốc, một mặt hàng đã biến mất khỏi kệ hàng: Muối.
Trong tháng vừa qua, quốc gia này đã phải vật lộn với tình trạng thiếu muối biển trầm trọng khi khách hàng mua sắm với số lượng lớn trong bối cảnh Nhật Bản có kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.
Giới chức Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) từng khẳng định, kế hoạch này là an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với những gì các nhà máy hạt nhân làm trên khắp thế giới, bao gồm cả những nhà máy ở Mỹ. Nước bị ô nhiễm được xử lý sẽ được pha loãng ở mức độ cao và thải dần ra Thái Bình Dương trong nhiều năm.
Các nhà chức trách cho biết, động thái này là cần thiết để ngừng hoạt động nhà máy hạt nhân Fukushima. Chính phủ Nhật Bản thông báo, kế hoạch xả nước thải sẽ bắt đầu vào mùa hè này nhưng chưa xác định ngày cụ thể.
Tuy nhiên, những đảm bảo này cho đến nay vẫn không làm giảm bớt lo ngại ở các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Muối cháy hàng ở Hàn Quốc. Ảnh: CNN
Ngư dân Hàn Quốc lo lắng sinh kế của họ đang gặp rủi ro và người dân đang tích trữ thực phẩm. Tại một siêu thị ở thủ đô Seoul, các kệ hàng chất đầy các loại gia vị từ bột tỏi đến tương ớt, ngoại trừ một khoảng trống là kệ đặt muối.
Hãng tin Reuters hồi tháng 6 cũng đưa tin, người Hàn Quốc thậm chí đã bắt đầu tích trữ các mặt hàng chủ lực khác có nguồn gốc từ biển như rong biển và cá cơm.
Theo Hiệp hội Sản xuất Muối Hàn Quốc, sự thiếu hụt nghiêm trọng đến mức chính phủ buộc phải giải phóng muối biển khỏi kho dự trữ chính thức để ổn định giá muối, vốn đã tăng hơn 40% kể từ tháng 4.
"Người dân không phải lo lắng về nguồn cung muối biển vì lượng muối cung cấp cho tháng 6 và tháng 7 sẽ vào khoảng 120.000 tấn, cao hơn sản lượng trung bình hàng năm", Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc cho biết vào tháng trước. "Chúng tôi yêu cầu người dân chỉ đúng lượng muối mình cần".
Hải sản - "món quà" của biển cả
Những lo lắng này đã được thể hiện tại chợ cá lớn nhất của Seoul vào tuần trước: Các quan chức mang theo máy dò phóng xạ đã kiểm tra sản phẩm tươi sống tại nhiều quầy hàng khác nhau nhằm xoa dịu lo lắng của người dân.
Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu hải sản từ khu vực Fukushima kể từ năm 2013 và gần đây cho biết họ có kế hoạch tiếp tục duy trì lệnh cấm này.
Nhưng lệnh cấm không làm yên lòng những người mua sắm Hàn Quốc.
Một cuộc khảo sát của Gallup Korea từ tháng 6 cho thấy, 78% những người được hỏi cho biết họ rất hoặc phần nào lo lắng về việc hải sản bị nhiễm độc. Khi được hỏi, một số khách hàng nói họ có thể ngừng ăn hải sản sau khi nước thải được xả ra.
Các quốc gia khác cũng đang hành động. Hôm 7/7, Trung Quốc tuyên bố cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 quận của Nhật Bản, bao gồm cả Fukushima, đồng thời đẩy mạnh các quy trình kiểm tra và giám sát đối với thực phẩm từ các vùng khác.
Cá được đo chất phóng xạ. Ảnh: CNN
Ngư dân Nhật-Hàn chịu ảnh hưởng
Nhiều ngư dân Nhật Bản đã phải tạm dừng hoạt động đánh bắt trong nhiều năm sau cuộc khủng hoảng kép liên quan đến nhà máy hạt nhân Fukushima hồi năm 2011.
Trước thảm họa, ngành công nghiệp đánh cá ven biển của Fukushima đã đánh bắt được lượng cá trị giá khoảng 69 triệu USD vào năm 2010.
Đến năm 2018, con số đó đã giảm xuống còn hơn 17 triệu USD. Vào năm ngoái, mặc dù đã phục hồi phần nào lên khoảng 26 triệu USD nhưng ngành này vẫn chỉ là một phần nhỏ so với trước đây.
Ngư dân Hàn Quốc đánh bắt gần khu vực biển Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng này.
Lee Gi-sam, một ngư dân ở thành phố cảng Tongyeong, cho biết: "Hiện hơn 80% người dân nói rằng họ sẽ ăn ít hải sản hơn, điều đó rất đáng lo ngại. Nếu người dân tránh hải sản, chúng tôi sẽ đối mặt với khủng hoảng phá sản".
Anh cũng lo lắng về độ an toàn của các loài hải sản.
"Nếu kế hoạch xả thải được tiến hành, tôi sẽ phải đánh bắt cá ở một nơi khác trong vùng nước không có phóng xạ", ngư dân Hàn Quốc khẳng định.
"Tôi bắt đầu sự nghiệp đi biển và tôi đã làm công việc này được 30 năm rồi. Tôi không có bất kỳ kỹ năng nào khác… Tôi đã sống cả đời bằng nghề đánh bắt cá nên tôi không thể thử làm bất cứ việc gì khác".
Phụ nữ số