Muốn bán điện thoại tại Mỹ, Vsmart phải hy sinh những gì?
Cả ba sản phẩm Vsmart bán tại Mỹ là Maestro Plus, Fusion Z và Motivate đều bị xoá dấu vết của nhà sản xuất Việt, thay vào đó là nhà mạng Mỹ AT&T. Nhưng, đó lại là điều bắt buộc nếu Vsmart muốn thâm nhập vào thị trường này.
Mới đây, nhà mạng AT&T (Mỹ) đã bắt đầu bán ba mẫu smartphone đầu tiên được sản xuất bởi VinSmart tại Việt Nam là Maestro Plus, Fusion Z và Motivate. Đây đều là ba mẫu máy với mức giá dễ tiếp cận (dao động trong khoảng 39 đến 49 USD), phục vụ các khách hàng trả trước của AT&T.
Vsmart bán smartphone tại Mỹ, nhưng người Mỹ không thể biết được rằng mình đang dùng smartphone Vsmart
Trong gian hàng điện thoại trả trước của nhà mạng AT&T, khách hàng có thể tìm thấy một số mẫu máy đến từ các thương hiệu như Samsung, LG, Nokia, Apple. Tuy nhiên, chúng ta lại không thể tìm thấy cái tên Vsmart. Bởi lẽ, cả ba mẫu máy mà Vsmart sản xuất là Maestro Plus, Fusion Z và Motivate đều đứng dưới tên nhãn hiệu AT&T.
Bên cạnh những sản phẩm của Samsung hay LG, AT&T còn bán những mẫu máy mang thương hiệu của mình ở gian hàng điện thoại trả trước
Tên đầy đủ và chính xác của ba mẫu máy trên là AT&T Maestro Plus, AT&T Fusion Z và AT&T Motivate; không phải Vsmart Maestro Plus, Vsmart Fusion Z hay Vsmart Motivate.
Cầm trên tay những chiếc Maestro Plus, Fusion Z hay Motivate, người dùng sẽ không thể biết được mình đang sử dụng một chiếc smartphone của Vsmart. Bởi lẽ, xuyên suốt toàn bộ thiết kế của máy, nhà sản xuất Việt không được để lại bất cứ chi tiết nào. Người dùng không thể tìm thấy logo đốm lửa hay tên thương hiệu "Vsmart"; thay vào đó chỉ là logo quả địa cầu cách điệu của nhà mạng AT&T.
Dù Vsmart là nhà sản xuất đứng sau chiếc Maestro Plus, nhưng trên thân máy chỉ có logo của nhà mạng AT&T
Không chỉ phần "thể xác" (phần cứng), mà phần "tâm hồn" (phần mềm) của những chiếc máy này cũng không có sự phân hoá so với những chiếc máy khác.
Trong số ba mẫu máy nêu trên, có hai mẫu là AT&T Fusion Z và AT&T Motivate chạy Android "Go Edition", là phiên bản rút gọn của Android dành cho những thiết bị với cấu hình yếu. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất mà một thiết bị Android Go phải đạt được đó là có giao diện và lượng ứng dụng đi kèm tối giản để tiết kiệm tài nguyên hệ thống. Điều này khiến cho Vsmart không thể đưa giao diện VOS lên Fusion Z và Motivate.
Thế nhưng, ngay cả giao diện của một mẫu máy không nằm trong chương trình Android Go là Maestro Plus cũng không cho thấy những nét đặc trưng của VOS, thay vào đó cũng bị tối giản và không quá khác biệt so với Android gốc.
Giao diện phần mềm đơn giản, tựa như Android gốc (ảnh: AT&T)
Thậm chí, ngay cả yếu tố cơ bản nhất là logo trên màn hình khởi động (bootscreen) cũng không có sự xuất hiện của Vsmart. Người dùng sẽ chỉ thấy logo của Android và AT&T.
Ngay cả logo màn hình khởi động cũng bị thay thế (ảnh: AT&T)
Tưởng chừng như mọi "dấu vết" của Vsmart đều bị AT&T xoá sạch, nhưng thực tế, vẫn có một chi tiết ghi dấu thương hiệu Việt: viên pin. Theo hình ảnh được công bố bởi FCC, viên pin 3300mAh của Maestro Plus vẫn được AT&T giữ nguyên vẹn, bao gồm cả logo Vsmart. Do Fusion Z và Motivate cũng có dung lượng pin tương tự, vì vậy có thể nhận định rằng viên pin này cũng được tích hợp trên các sản phẩm đó.
Nhưng với việc pin của điện thoại ngày nay đều được gắn liền và chẳng mấy ai có ý định tháo nó ra, vậy nên một lần nữa, đa số người dùng sẽ chẳng thể biết được về "mẹ đẻ" thật sự của chiếc điện thoại mà họ sử dụng.
Viên pin của Maestro Plus là thứ duy nhất cho thấy sự đóng góp của Vsmart (ảnh: FCC)
Vsmart buộc phải nhún nhường để bán điện thoại tại Mỹ
Thực tế, Vsmart không phải là thương hiệu duy nhất bị AT&T "đối xử" như vậy. Ví dụ, một smartphone khác được AT&T bán là RADIANT Max thực chất cũng được thiết kế bởi Tinno Mobile, một ODM đến từ Trung Quốc. Các chi tiết như tên thương hiệu, thiết kế hay phần mềm đều cho thấy đây là một sản phẩm của AT&T, thay vì là Tinno.
Vậy tại sao các nhà sản xuất lại để nhà mạng như AT&T "chèn ép" như vậy?
Như đã nói ở một bài viết trước, mô hình bán điện thoại tại Mỹ rất khác với Việt Nam. Tại Việt Nam, người dùng sẽ lựa chọn một chiếc điện thoại mà mình thích, sau đó tuỳ ý lựa chọn nhà mạng mà mình muốn sử dụng. Tại Mỹ, mọi thứ lại ngược lại khi đa số người dùng lựa chọn nhà mạng trước, sau đó mới đến lựa chọn một chiếc điện thoại mà nhà mạng đó đang bán.
Sở dĩ, người Mỹ có khuynh hướng lựa chọn nhà mạng bởi vùng phủ sóng của các nhà mạng tại Mỹ không thật sự đồng đều, đặc biệt tại các vùng ngoại ô, vì vậy nên họ sẽ ưu tiên nhà mạng có chất lượng tốt nhất ở nơi họ sinh sống. Thế nhưng, nếu như người dùng tuỳ ý mua điện thoại mà không qua nhà mạng, rất có thể họ sẽ gặp tình trạng chiếc máy đó không tương thích với cơ sở hạ tầng của nhà mạng đó, khiến cho nó không thể hoạt động được. Ngoài ra, chính sách trợ giá của nhà mạng cho phép người dùng chỉ cần phải trả một số tiền nhỏ là đã có thể sở hữu máy, thay vì trả toàn bộ. Đây là một vài lý do cơ bản khiến cho người Mỹ ưu tiên mua máy từ nhà mạng.
Tại Mỹ, đa số người dùng sẽ đến những cửa hàng của nhà mạng để mua điện thoại
Chính mô hình này đã khiến cho nhà mạng tại Mỹ nắm quyền lực rất lớn. Không có các nhà mạng Mỹ hỗ trợ, các nhà sản xuất sẽ không thể bán được điện thoại. Điều này xảy ra ngay cả với những cái tên "sừng sỏ" trên thị trường quốc tế.
Hãy lấy ví dụ với Samsung. Vào giữa năm 2010, Samsung tung ra smartphone cao cấp chủ lực đầu tiên, chiếc Galaxy S. Tính đến Q1 2010, Samsung là nhà sản xuất lớn thứ 2 trên thế giới với 22.3% thị phần. Rõ ràng, ngay từ thời điểm đó, Samsung đã là một thế lực trên thị trường di động.
Thế nhưng tại Mỹ, Samsung vẫn phải chiều lòng các nhà mạng tại đây. Với mỗi một nhà mạng Mỹ là AT&T, Verizon, T-mobile và Sprint; Samsung lại phải tạo ra một phiên bản khác biệt của Galaxy S. Chúng cũng không được gọi là "Galaxy S", mà thay vào đó là những cái tên như Captivate, Fascinate, Vibrant và Epic 4G. Thiết kế của những chiếc máy này cũng đều được biến tấu so với phiên bản gốc, trong đó đặc biệt là chiếc Epic 4G của Sprint với bàn phím QWERTY vật lý. Và đương nhiên, các nhà mạng Mỹ không quên yêu cầu Samsung bắt buộc phải đặt logo nhà mạng lên sản phẩm, và coi là một phần trong thiết kế.
Samsung phải tạo ra 4 phiên bản Galaxy S khác nhau chỉ để "chiều lòng" các nhà mạng Mỹ
Tình trạng này tiếp diễn ngay cả khi Samsung vượt Nokia để trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới trong năm 2012. Thực tế, trong năm đó, Samsung còn bị Verizon "bắt ép" để tạo ra "thảm hoạ" Galaxy Note 2. Chiếc Galaxy Note 2 Verizon không chỉ có logo nhà mạng và 4G LTE rất to và xấu ở mặt lưng, mà Verizon còn nâng một tầm cao mới khi cố nhét logo của mình vào... nút home của máy. Đây là minh chứng cho thấy kể cả khi đã nắm giữ ngôi vị dẫn đầu, Samsung vẫn phải chịu rất nhiều áp lực từ các nhà mạng Mỹ.
"Thảm họa" Galaxy Note 2 của Verizon
Cuối cùng, phải đến Galaxy S8 ra mắt hồi năm 2017, các nhà mạng Mỹ mới chịu "buông tha" cho Samsung và không còn yêu cầu nhà sản xuất này phải đưa logo nhà mạng lên máy nữa.
Galaxy S8 là smartphone đầu tiên của Samsung tại Mỹ không bị ép chèn logo nhà mạng
Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Samsung vẫn chưa có quyền kiểm soát toàn bộ thiết bị mà mình bán ra tại Mỹ, đặc biệt là ở khía cạnh phần mềm. Smartphone Samsung tại Mỹ vẫn tồn tại nhiều phần mềm rác từ nhà mạng, mặc cho lời phàn nàn từ người dùng.
Ngay cả trên những thiết bị đắt tiền như Galaxy Fold, Samsung vẫn bị ép buộc tích hợp các phần mềm "rác"
Với một thương hiệu smartphone còn non trẻ và khao khát được nhiều người dùng thế giới biết đến như Vsmart, rõ ràng, việc bị các nhà mạng Mỹ "gạch tên" là một điều mà chẳng ai mong muốn.
Thế nhưng, "Đất có thổ công, sông có hà bá". Nếu Vsmart muốn bán điện thoại tại Mỹ, và "bán" ở đây mang nghĩa là kỳ vọng sẽ có một lượng người mua đủ lớn chứ không phải chỉ rao cho "sang mồm", thì Vsmart sẽ buộc phải chiều lòng các nhà mạng Mỹ. Một lần nữa, đó là điều mà Vsmart không hề mong muốn, nhưng nó là nền tảng cần thiết để cho thương hiệu này có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường khó tính này trong tương lai.
Biết đâu, có một ngày Vsmart lại như Samsung thì sao!
Pháp luật & Bạn đọc