Mượn chuyện sư thầy ăn cơm đậu, Huyền Chip khuyên ai cũng nên phòng thân bằng khoản tiền này: “Giàu” là có đủ tiền để không phải đưa ra những quyết định về tiền
Bạn không cần phải sở hữu hàng chục nghìn USD thì mới được coi là giàu. Người thực sự “giàu có” là người biết cách tự do về mặt tài chính thay vì làm nô lệ cho đồng tiền.
- 23-02-2020Chỉ cần thay đổi chi tiết này vào phòng ngủ của bạn năm 2020, tiền bạc và may mắn sẽ ồ ạt tràn về
- 23-02-2020Người nghèo rốt cuộc thiếu cái gì? Bên ngoài là thiếu tiền, thực chất bên trong thiếu 3 thứ
- 09-03-2020Giữa thời dịch Covid-19, nghe anh Chánh Văn chia sẻ quan điểm về tiền bạc: Tiền nhiều để làm gì?
Huyền Chip (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền) là một trong số những gương mặt được giới trẻ Việt đặc biệt yêu thích và ngưỡng mộ. Không chỉ sở hữu kinh nghiệm du lịch hết sức phong phú, cô còn thường xuyên chia sẻ những lời khuyên bổ ích về công việc và tiền bạc. Tất cả đều được đúc kết từ chính những năm tháng học tại ĐH Stanford và làm việc tại NVIDIA - một tập đoàn công nghệ đa quốc gia danh tiếng.
Trước xu hướng “nghỉ hưu sớm” đang làm mưa làm gió trên thế giới và bắt đầu nhen nhóm tại Việt Nam, Huyền Chip mới đây cũng bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này trên trang cá nhân. Theo cô, trước khi nghĩ đến chuyện nghỉ hưu sớm, mọi người cần chuẩn bị trước cho mình một khoản tiền rất quan trọng được gọi là “f* you money”.
Dưới đây là một phần bài chia sẻ của Huyền Chip:
Mình muốn bắt đầu bài viết bằng một câu chuyện ngụ ngôn mà mình rất thích. Một vị quan mặc áo gấm đang đi trên đường thì gặp một sư thầy gầy gò ngồi ăn cơm với đậu. Vị quan thấy thương mới khuyên: “Nếu thầy vào triều cung phụng vua thì sẽ không phải ăn cơm đậu như thế này.” Sư thầy điềm đạm trả lời: “Nếu ngài quen với việc ăn cơm đậu thì sẽ không phải cung phụng ai cả.”
Giá trị của đồng tiền với mỗi người mỗi khác. Có người bỏ ra hàng trăm triệu mua một cái túi mà không chớp mắt. Có người đi chợ mua bó rau một hai ngàn cũng phải mặc cả. Cái sự khác nhau trong định giá đồng tiền này đồng nghĩa với việc khái niệm giàu nghèo với mỗi người mỗi khác.
Thông thường, chúng ta định nghĩa giàu nghèo bằng số tiền chúng ta kiếm được. Nhưng có người kiếm cả triệu đô mỗi năm cuối cùng lại phá sản. Có người chỉ làm công ăn lương mỗi tháng vài triệu đồng nhưng vẫn thể nghỉ hưu an nhàn. Trong số hai người này, ai giàu, ai nghèo?
Hay trong câu chuyện ngụ ngôn trên kia, vị quan tuy có cuộc sống vật chất dư giả nhưng ngày nào cũng phải cúi đầu, phụ thuộc vào tính khí thất thường của vua. Sư thầy tuy sống đơn giản nhưng tự do về mặt tinh thần. Trong số hai người này, ai giàu, ai nghèo?
Vậy nên, trước khi bắt đầu con đường làm giàu cho bản thân, chúng ta nên hiểu rõ mục tiêu của bản thân thế nào mới là “giàu", tránh trường hợp cứ lao vào kiếm nhiều tiền nhất có thể mà bỏ quên những điều thực sự quan trọng với mình.
Một định nghĩa về giàu mà mình khá ưng là: có đủ tiền để không phải đưa ra quyết định vì tiền. Cái này tiếng Anh nôm na gọi là “f* you money". Nguồn gốc của cụm từ này là chỉ những người có nhiều tiền đến mức có thể nói f* you với bất kỳ ai mà không sợ hậu quả gì. Bạn không cần phải giàu như Jeff Bezos mới có thể có “f* you money”. Bạn chỉ cần có khoản vừa đủ để đạt được mục đích của mình.
Với những người mới ra trường, nó có thể là khoản tiền đủ để bạn có thể nghỉ việc tìm việc mới nếu công việc hiện tại không phù hợp với bạn, hoặc bạn muốn dành nửa năm theo đuổi dự án cá nhân. Nếu bạn cần 5 triệu mỗi tháng để sống, khoản “f* you money” bạn cần là 25 triệu. Với những người đã lập gia đình, nó có thể là khoản tiền đủ để bạn và gia đình duy trì lối sống hiện tại trong vài năm nếu chẳng may bạn gặp sự cố về công việc như bị sa thải hay công ty phá sản. Nếu chi phí mỗi tháng của bạn và gia đình là 20 triệu, bạn sẽ cần khoảng 500 triệu.
Việc có “f* you money” cho phép mình đưa ra nhiều quyết định tuy có chút khác thường nhưng lại thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tích cực. Khi học xong cấp ba, nhờ một khoản tiền nhỏ mình tiết kiệm từ làm thêm (mình không nhớ chính xác nhưng khoảng 7 - 10 triệu), mình có thể đi ngược lại mong muốn của bố mẹ để không thi đại học và dành thời gian tìm kiếm con đường của riêng mình. Khi đang ở Malaysia, khoản tiền 700 đô cho mình đủ tự tin để nghỉ việc để xách ba lô lên và đi.
Mình biết nhiều người với khoản tiền “f* you money” dù nhỏ thôi nhưng đủ để họ vượt qua nỗi sợ mất việc để làm chủ sự nghiệp của mình, và sử dụng nó để thương thảo tăng lương hay thay đổi điều kiện làm việc.
Một khoản “f* you money” vô cùng quan trọng là khoản tiền đủ để bạn có thể sống nốt quãng đời còn lại mà không phải làm việc vì tiền, hay còn gọi là nghỉ hưu sớm. Nghỉ hưu sớm không phải vì bạn lười biếng, mà nghỉ hưu sớm là chấm dứt quãng thời gian bạn phải làm việc vì tiền. Sau khi nghỉ hưu, bạn vẫn có thể tiếp tục làm việc nếu bạn thích, hoặc muốn làm gì thì làm.
***
Ở nước ngoài, khoản tiền “f* you money” không phải là khái niệm gì quá xa lạ. Nó thậm chí còn được coi là chìa khóa của sự tự do. Tiền có thể không mua được tình yêu, sức khỏe hay hạnh phúc, nhưng chắc chắn, nó có thể giúp bạn kiểm soát chính cuộc sống của mình.
Bạn phải nhớ rằng mình sẽ không bao giờ chuẩn bị được số tiền phòng thân này nếu duy trì lối sống vô kỷ luật và buông thả. Muốn hiểu được sức mạnh của “f* you money”, trước tiên bạn phải chắc chắn mình làm được những điều sau đây.
Trả hết và tránh xa nợ nần
Nợ nần sẽ chỉ biến bạn thành nô lệ của đồng tiền. Do đó, bạn không nên sống phung phí quá khả năng thanh toán của chính bản thân mình, chẳng hạn thuê một căn nhà tiện nghi trong khi không đủ tiền để trả hàng tháng. Cuộc sống luôn là những lựa chọn; lựa chọn đúng, cuộc đời bạn sẽ trở nên dễ thở hơn.
Giảm chi tiêu
Mọi người thường xuyên có thói quen chi tiêu quá tay: 50% những thứ chúng ta mua trong cuộc sống đều không thực sự cần thiết.
Hãy từ bỏ những chiếc xe hơi sang chảnh, bỏ qua điện thoại đắt tiền, cố gắng thuê nhà với giá phải chăng, chuyển gần tới nơi làm việc và ăn uống đơn giản. Chỉ trong vài năm, bạn sẽ thấy mình trả hết nợ cũng như gia tăng đáng kể số tiền trong tài khoản ngân hàng. Đừng bao giờ yếu lòng chiếc một đôi giày đẹp nhưng đắt tiền mà đánh mất sự tự do về mặt tài chính của mình.
Tiết kiệm và đầu tư
Sau khi giải quyết được nợ nần và điều chỉnh lại thói quen chi tiêu, hãy bắt đầu xây dựng cho mình khoản tiền “f* you money”.
Bạn có thể đầu tư chứng khoán hoặc đầu tư quỹ theo sở thích của mình, nhưng phải đảm bảo rằng đó là nơi đáng tin để có thể lấy tiền ra trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào mình gặp phải.
Mở rộng thu nhập
Một cách nữa bạn nên tham khảo là mở rộng thu nhập của mình. Làm thêm nghề tay trái, xây dựng một trang web kiếm ra tiền,... hãy làm mọi thứ trong khả năng để gia tăng các khoản thu nhập. Sau đó, hãy dùng số tiền này để đầu tư kiếm lời, còn dùng tiền lương chính thức để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt chính. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ thấy mình giàu có hơn rất nhiều.