Muốn có khu thương mại tự do, Hải Phòng cần gì?
Mới đây, Chính phủ đã đề xuất cho Hải Phòng thành lập Khu thương mại tự do với cơ chế, chính sách đặc thù. Để làm được điều này, Hải Phòng cần có gì?
- 12-10-2021Việt Nam có thể đánh bại Trung Quốc để trở thành "công xưởng sản xuất của thế giới"?
- 12-10-2021Báo Anh: Chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục tắc, doanh nghiệp vận tải sẵn sàng rút ngắn các tuyến chở hàng
- 11-10-2021CEO chuỗi F88: Squid Game phiên bản Việt có phơi bày góc khuất về khủng hoảng nợ cá nhân như Hàn Quốc?
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11/10/2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng là chính sách rất mới, chưa từng có tiền lệ. Do đó, cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền, có chủ trương về cơ chế chính sách cụ thể; phạm vi, ranh giới khu này cũng phải quy định rất chặt chẽ.
Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: "Trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc kinh tế, rồi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này mà chúng ta quay trở lại sử dụng cách làm cũ - khu thương mại tự do thì phải đánh giá tác động, phải có một đề án rõ hơn. Còn chỉ gộp chung vào chính sách để trình ra một kỳ họp như thế này thì có độ rủi ro".
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận, đề xuất thành lập khu thương mại tự do là ý tưởng tốt. Nếu có chủ trương thì Hải Phòng có điều kiện nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đề ra chủ trương sát hơn, trên cơ sở đó, Quốc hội mới xem xét.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, khu thương mại tự do, phải có phó chủ tịch chuyên trách, có bộ máy đặc thù. Đề án thành lập khu thương mại tự do phải có cơ chế đặc thù về cán bộ.
Dẫn chứng từ năm 1997, đã có chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế mậu dịch tự do ở địa bàn ven biển, có điều kiện. Tới năm 2002, chúng ta mới xây khu đầu tiên là Chu Lai. Đến năm 2017, xây dựng Luật Đặc khu nhưng không thành công, phải dừng lại nghiên cứu tiếp.
Phó Chủ tịch Quốc hội thông tin, cho đến nay, Thủ tướng ký 18 quyết định thành lập khu kinh tế ven biển, 15 nơi đi vào hoạt động với diện tích hơn 7.300 km2. Ba nơi đang xây dựng có nhiều chính sách ưu đãi ở mức cao nhất, nhưng đều do Chính phủ quyết định.
Khi làm khu kinh tế Vân phong, Chính phủ có xin Quốc hội, Thường vụ Quốc hội một số chính sách nhưng thiếu thể chế hành chính phải vượt trội, bộ máy hành chính vượt trội, thủ tục hành chính đơn giản. Đây là những vấn đề rất quan trọng.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cơ sở hạ tầng hiện nay hầu hết còn yếu, ngân sách không biết bao giờ mới có đủ để xây dựng. Thêm vào đó là lao động, rồi thiếu nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, những nơi này phải có "ông cá mập" vào mới phát triển được.
Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, Hải Phòng có khu Đình Vũ - Cát Hải, thành lập 2008 với diện tích là 21,6km2. Đến năm 2021, đã điều chỉnh diện tích lên 22,54, có khu công nghiệp tương đối phát triển, có khu thuế quan, phi thuế quan.
Vì vậy, đề nghị, trong nghị quyết đưa ngay ra một số cơ chế chính sách đặc biệt cho khu Đình Vũ. Hải Phòng chọn ra chính sách áp dụng ngay cho khu này. Sau đó mới thành lập khu thương mại tự do khác, hoặc mở rộng ra thì nghiên cứu sau.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc này nên trình Bộ Chính trị với một số định hướng, nội hàm khái quát như nghiên cứu tiền khả thi để Bộ Chính trị chấp thuận về chủ trương.
Việc này cũng là để Chính phủ có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng tập trung trước khi trình Quốc hội quyết định vào thời gian phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý: "Nếu trình ra một chủ trương chưa có nội hàm và định hướng cụ thể thì Quốc hội đề nghị để lại, chính sách lại chậm mất. Vì vậy, Chính phủ xây dựng kỹ lưỡng, trình Quốc hội vào thời điểm phù hợp để vừa đáp ứng được trước mắt lâu dài và khả thi. Còn ra Quốc hội mà chưa thấy hình thù khu thương mại tự do như thế nào thì khó chấp nhận".
Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đồng ý với việc trình Bộ Chính trị cho chủ trương để thành phố xây dựng đề án thành lập khu thương mại tự do.
Ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định: "Sau khi Bộ Chính trị cho phép xây dựng đề án này thì Hải Phòng sẽ tập trung thời gian để nghiên cứu. Hải phòng từ trước đến nay cũng đi đầu trong công tác đổi mới như khoán 10 xuất phát từ thành phố sau này mở rộng ra cả nước".