MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn giàu hơn, đừng mắc 3 sai lầm những năm 20 tuổi của tôi: Mua xe mới, du lịch, uống cà phê, ăn ngoài quá nhiều

21-06-2021 - 21:09 PM | Sống

Muốn giàu hơn, đừng mắc 3 sai lầm những năm 20 tuổi của tôi: Mua xe mới, du lịch, uống cà phê, ăn ngoài quá nhiều

Dù là ô tô hay xe máy mới, bạn cũng nên cân nhắc trước khi bỏ tiền ra mua vì dẫu sao, chúng cũng chỉ là phương tiện di chuyển mà thôi.

Trong suốt những năm tuổi 20, tôi đã sử dụng tiền bạc một cách không mấy khôn ngoan. Không hiểu biết về tài chính, tôi mắc phải nhiều sai lầm như nợ thẻ tín dụng hàng nghìn USD, không có tiền tiết kiệm và không có kế hoạch nghỉ hưu.

Đặc biệt, có 3 việc mà tôi cảm thấy tiếc nuối nhất và nếu được quay trở lại thời gian đó, tôi chắc chắn sẽ làm khác đi. Hi vọng các bạn không có những quyết định tài chính sai lầm như của tôi.

Dưới đây là những sai lầm đó:

Mua xe mới

Khi tôi học đại học, bố mẹ đã mua cho tôi một chiếc ô tô bình dân mới như một món quà. Tuy nhiên, vài năm sau khi tốt nghiệp, tôi muốn đổi xe khác dù chiếc xe cũ của tôi là được mua cho và mới chỉ đi được 48.000 km.

Tôi quyết định mua một chiếc Toyota Prius Hybrid mới bằng cách trả góp 397 USD/tháng trong khi trước đó, tôi chỉ phải trả tiền xăng cho chiếc xe cũ. Tôi có ý định sẽ trở thành tài xế Uber hoặc Lyft và khả năng tiết kiệm xăng tốt của Prius sẽ giúp tôi. Thế nhưng, tôi đã thêm khoản chi phí gần 400 USD/tháng chỉ để tiết kiệm được tối đa 100 USD/tháng, nghe thật không hợp lý!

Muốn giàu hơn, đừng mắc 3 sai lầm những năm 20 tuổi của tôi: Mua xe mới, du lịch, uống cà phê, ăn ngoài quá nhiều - Ảnh 1.

Đáng lẽ ra, tôi nên tuân theo quy tắc 1/10, theo đó, chi phí di chuyển mỗi tháng (khoản trả góp, xăng, bảo dưỡng, bảo hiểm…) không được vượt quá 10-15% thu nhập ròng hàng tháng của bạn.

Thời điểm đó, thu nhập của tôi khoảng 2.400 USD/tháng. Nếu theo quy tắc 1/10, tôi đã không phải chi nhiều hơn 240 USD/tháng cho việc di chuyển. Chỉ riêng khoản trả góp của tôi đã vượt quá con số này.

Nếu có thể quay lại ngày trước, tôi sẽ giữ chiếc xe bố mẹ tặng hoặc mua một chiếc Prius đã qua sử dụng, phù hợp với túi tiền của mình hơn. Dù là ô tô hay xe máy mới, bạn cũng nên cân nhắc trước khi bỏ tiền ra mua vì dẫu sao, chúng cũng chỉ là phương tiện di chuyển mà thôi.

Du lịch quá nhiều và không tính toán

Tôi đam mê du lịch, đặc biệt là khám phá những điểm đến đẹp, thưởng thức những món ăn ở nhà hàng đạt sao Michelin và gặp gỡ, kết bạn mới trong chuyến đi. Thực tế là tôi không có đủ tiền để du lịch khắp thế giới.

Tuy nhiên, trong những năm 20 tuổi, tôi cũng đã đặt chân đến nhiều nước như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản cũng như có nhiều kỳ nghỉ trượt tuyết ở Canada.

Tôi rất trân trọng những trải nghiệm đó, nhưng việc tiêu tiền trong khi không hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu du lịch của mình là điều ngu ngốc mà tôi đã làm. Nếu được quay ngược thời gian, tôi sẽ lập ngân sách cho các chuyến đi.

Việc này không khó. Nếu bạn tìm được điểm đến và thời gian dự kiến, hãy tính toán chi phí chuyến bay, chỗ ở, đồ ăn, các hoạt động liên quan và sau đó tiết kiệm cho con số cuối cùng.

Tôi sẽ trích 3-5% thu nhập hàng tháng cho mục đích du lịch. Nó cho phép tôi thanh toán các hóa đơn, đầu tư, tạo quỹ khẩn cấp mà vẫn có thể tiết kiệm để du lịch. Bên cạnh đó, tôi thường tìm các voucher giảm giá phòng khách sạn hay một số dịch vụ trong chuyến đi để tiết kiệm chi phí.

Kết hợp những điều trên, bạn vẫn có thể biến đam mê du lịch của mình thành hiện thực mà không rơi vào cảnh cháy túi.

Thường xuyên ăn uống bên ngoài

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tạm thời chuyển về ở với bố mẹ và làm công việc bán giày dép với mức lương 10 USD/giờ. Nếu cho rằng tôi đã tiết kiệm được một khoản đáng kể khi không cần thuê nhà thì bạn đã nhầm.

Tôi mua cà phê Starbucks giá 3 USD mỗi sáng. Cửa hàng giày nằm ngay gần khu ăn uống của trung tâm mua sắm nên tôi mua hầu hết các bữa ăn từ đó. Tôi còn thường xuyên đi club vào mỗi cuối tuần để xả hơi. Kết quả là tôi không tiết kiệm được xu nào.

Nếu được quay lại ngày đó, tôi sẽ làm khác đi bằng cách nấu ăn tại nhà, tự pha cà phê và đến nhà bạn tụ tập thay vì ra ngoài.

Trung bình, bạn tiết kiệm được khoảng 9 USD/ngày khi ăn ở nhà so với ăn ngoài. Nếu mang cơm từ nhà đi thay vì mua ở khu ăn uống của trung tâm thương mại 5 ngày/tuần, tôi sẽ tiết kiệm được 45 USD/tuần, 180 USD/tháng và 2.160 USD/năm. Đó là một số tiền đáng kể, đặc biệt là với người có mức lương không cao.

Nếu tự pha cà phê với giá 20 xu, không mua Strabucks mỗi ngày, tôi sẽ tiết kiệm được 19,6 USD/tuần, 78,4 USD/tháng và 940,8 USD/năm. Cuối cùng, nếu không đến club giải trí, khoản tiền mà tôi tiết kiệm được sẽ nhiều hơn so với ăn uống khá nhiều.

Nguồn: BI

Theo Mộc Tiên

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên