"Muốn làm địa ốc thành công phải chế biến được món ăn hợp với khẩu vị của thị trường"
Trong kinh doanh bất động sản, yếu tố để đánh giá một dự án thành công hay không chính là giá trị gia tăng sau khi đầu tư. Do vậy, với một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nếu chủ đầu tư hướng đến mục tiêu cốt lõi ngay từ đầu và thực hiện mục tiêu một cách nghiêm túc thì họ đã thành công đến 80%.
- 21-10-2016Doanh nghiệp BĐS xoay sở thế nào khi vị cứu tinh cho nhà ở giá rẻ không còn?
- 29-09-2016Cần khuyến khích các dự án nhà ở cho thuê giá rẻ
- 17-09-2016Nhà ở xã hội giá rẻ thành “gánh nặng” với người thu nhập thấp
- 22-06-2016Làm sao để giải ‘cơn khát’ nhà ở giá rẻ?
Đó là những chia sẻ của ông Ngô Quang Phúc - Phó tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam, một doanh nhân còn khá trẻ thuộc thế hệ 8X về cuộc cạnh tranh trên thị trường địa ốc hiện nay. Theo ông, đa phần doanh nghiệp BĐS trong nước đến thời điểm này vẫn còn khá thấm thía và trả giá đủ cho những bài học của cuộc khủng hoảng thị trường giai đoạn trước để lại. Do đó, để không lập lại sai lầm cũ, và đặc biệt trong bối cảnh thị trường ngày càng phẳng, mỗi doanh nghiệp BĐS phải biết "bám" theo nhu cầu thật của thị trường để đầu tư.
"Ngược lại, nếu tiếp tục chạy theo kiểu đầu tư viển vông, không có chiến lược cân bằng độ lệch pha ngay trong bản thân mỗi công ty, chắc chắn sẽ khó thành công. Đầu cơ hay lướt sóng không phải là bản chất của thị trường BĐS", ông Phúc nói.
Thời gian gần đây nhiều báo cáo cho thấy thị trường sẽ khó khăn, theo ông trong năm 2017 thị trường địa ốc sẽ phát triển theo những kịch bản như thế nào?
Ông Ngô Quang Phúc: Dưới góc độ của một người làm kinh doanh, thị trường BĐS hiện nay đang rất khắc nghiệt. Lượng cung trên thị trường đang rất lớn, điều này đồng nghĩa với việc cạnh tranh giữa các chủ đầu tư rất gay gắt. Tuy nhiên, với diễn biến như thế thì người tiêu dùng đang hưởng lợi rất lớn, bởi tất cả các chủ đầu tư đều hiểu rằng lúc này nếu chúng ta đầu tư kém hơn đối thủ trong cùng một phân khúc, tức là lợi thế cạnh tranh, tốc độ bán hàng và thanh khoản của dự án sẽ giảm sút ngay.
Trong năm 2017, nếu chỉ tính lượng cầu ở thực vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên, nhưng không phải với một tốc độ quá lớn. Chẳng hạn, năm nay nhu cầu nhà ở thực khoảng 100 ngàn căn, thì năm sau không thể nào tăng lên 1 triệu căn được, mà chỉ tăng ở tầm 120 ngàn căn, năm 2018 sẽ là 150 ngàn căn... Theo tôi, lượng cầu đó mới là thước đo chính xác của thị trường trong năm tới, chứ không thể dựa vào lượng cầu của các nhà đầu tư thứ cấp, lướt sóng (đầu cơ).
Ngược lại, trong năm 2017, tiếp tục đà phát triển của thị trường, nguồn cung nhà ở thuộc mọi phân khúc cũng sẽ tăng mạnh. Trong đó, phân khúc nhà ở hợp túi tiền, nhà ở cho giới trẻ tiếp tục "khan hiếm" do nguồn cung có sự biến thiên rất ít.
Đặc biệt, trong năm tới giá nhà ở sẽ không tăng nhiều, bởi vì với một nguồn cung quá lớn như dự báo thì không một doanh nghiệp nào lại thực hiện đẩy giá bán lên. Song song đó, chất lượng sản phẩm nhà ở sẽ được các chủ đầu tư nâng cao hơn nhiều để giành thế cạnh tranh một cách tốt nhất. Ngược lại, những dự án chỉ tập trung vào đầu cơ sẽ dễ dàng bị "gãy cánh", thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Như vậy, tôi có thể nói rằng thị trường thời điểm này đang trở nên minh bạch hơn bao giờ hết. Chính chất lượng sản phẩm nhà ở sẽ định vị được giá trị của doanh nghiệp trên thị trường.
Hiện trên thị trường xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp đổ xô đầu tư vào phân khúc căn hộ cao cấp. Theo ông, liệu tình trạng này có dẫn đến hệ lụy xấu cho thị trường sắp tới?
Ông Ngô Quang Phúc: Đúng là gần đây trên thị trường xuất hiện lượng cung nhà ở cao cấp quá lớn và các cảnh báo của giới chuyên gia hay cơ quan quản lý nhà nước đều có cơ sở. Dĩ nhiên người có hàng chục tỷ trong tay thì không thể đi mua nhà giá rẻ để ở, ngược lại người không có tiền thì nhà cao cấp cũng chỉ là giấc mơ. Do vậy, phân khúc nào cũng có khách hàng của phân khúc đấy. Tuy nhiên, cao cấp hay không còn liên quan đến nhiều yếu tố khác, ngoài vị trí, còn liên quan đến chất lượng xây dựng, quy hoạch tổng thể…
Như tôi đã nói, thị trường bất động sản hiện này dù đã tốt lên, nhưng yếu tố cạnh tranh vẫn vô cùng khốc liệt. Một doanh nghiệp muốn phát triển dự án thành công, anh phải chế biến được món ăn hợp với khẩu vị của thị trường, bởi đi sau mà không có những món ăn ngon, chắc chắn sẽ thất bại. Khách hàng trong giai đoạn hiện nay rất thông minh khi quyết định mua hàng, do vậy, dự án có thực sự cao cấp hay không, chính khách hàng là người hiểu rõ nhất.
Tuy nhiên, để đầu tư các dự án nhà ở hợp túi tiền như Him Lam Land cũng đồng nghĩa với việc phải "săn" được những quỹ đất giá rẻ. Vậy ông đã có chiến lược như thế nào để tạo quỹ đất này?
Ông Ngô Quang Phúc: Từ xưa đến nay, chúng tôi được biết đến là một trong những doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển những khu đô thị quy mô khá lớn, bên cạnh những sản phẩm có giá trị cao tại TP.HCM. Trong hai năm trở lại đây, chúng tôi thực hiện thêm chiến lược phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu ở thật, đó là phân khúc nhà ở giá rẻ, dành cho giới trẻ nhiều hơn. Đây là một trong những chiến lược đầu tư nhằm tạo nhanh dòng tiền, thanh khoản cao.
Quỹ đất đầu tư nhà ở phân khúc này được chúng tôi chuẩn bị từ rất lâu, ngay cả trong giai đoạn thị trường khó khăn nhất, cho nên các dự án này hiện nay nằm không quá xa khu trung tâm thành phố. Chẳng hạn, nếu bây giờ mới đi tạo quỹ đất đầu tư nhà ở giá rẻ thì chắc chắn chúng tôi khó có thể mua được những khu đất rộng hơn 1ha nằm ở khu Đông để làm nhà ở giá rẻ được.
Thị trường BĐS Việt Nam có lúc lên lúc xuống không lường trước được, nhưng một khi đã xác định BĐS là lĩnh vực đầu tư cốt lõi thì chúng ta phải thực hiện chiến lược săn tìm quỹ đất xuyên suốt. Như vậy, không chỉ trong giai đoạn thị trường sốt nóng, mà ngay cả trong khủng hoảng thì chúng tôi vẫn có đất để làm dự án, vẫn phải bán nhà chứ không thể ngồi yên.
Thưa ông, trong bối cảnh thị trường BĐS vàng thau lẫn lộn, vậy làm thế nào để khách hàng có thể tìm mua được ngôi nhà chất lượng, ưng ý mà không chọn nhầm?
Ông Ngô Quang Phúc: Chúng ta đã nói nhiều về pháp lý, về chủ đầu tư nhưng thực ra cũng rất mơ màng trong khi khách hàng phải đứng trước một "rừng" thông tin. Theo tôi, cứ như ông bà ta đã nói "mắt thấy, tay sở, mũi ngửi, miệng nếm". Do vậy, khách hàng muốn biết một chủ đầu tư nào đó bán nhà có tốt hay không thì cần tìm hiểu thêm về lịch sử kinh doanh của họ, rồi đến trực tiếp các công trình mà họ đã xây dựng và bàn giao để kiểm tra xem chất lượng có ổn định hay không.
Ngoài ra, khách hàng có thể hỏi ngay người dân đang sinh sống ngay dự án đó hoặc lên tham quan một căn nhà để xem cư dân có hài lòng với dự án của chủ đầu tư này hay không... Tới tận nơi tìm hiểu thông tin là một cách trực quan sinh động nhất sẽ giúp cho mỗi khách hàng không chọn nhầm chủ đầu tư hay dự án nhà ở.
Đối với một doanh nghiệp, khi đầu tư một căn hộ chúng tôi luôn đặt vị trình mình là người đi mua nhà, phải làm sao đó là ngôi nhà mình có thể ở được và hài lòng thì mới bán cho khách hàng. Giá trị này không phải được tạo ra bởi một dự án, hay một sớm một chiều, mà là cả một quá trình và như một sự cam kết.
Xin cảm ơn ông!