Muốn sống an nhàn, đây là số tiền BẮT BUỘC bạn phải tiết kiệm được mỗi giai đoạn từ năm 20 tuổi - 60 tuổi
Không bao giờ là quá già và cũng không bao giờ là quá trẻ để bắt đầu tiết kiệm.
- 26-09-2021Ngôi nhà vườn khiến ai cũng trầm trồ của nữ biên tập viên rời phố, cùng chồng và bố mẹ về quê sống cuộc đời an nhàn
- 26-08-2021Từ 20-50 tuổi cần tích lũy bao nhiêu tiền để sống an nhàn khi về già? Đừng để "nước tới chân mới nhảy" vì lúc đó không còn kịp nữa rồi!
- 11-08-2021Có người ôm giấc mộng giàu sang, có người mong sống an nhàn nhưng ở đời, cần quản tốt 3 điều này thì vận mệnh mới suôn sẻ
Tôi có một người bạn tên Phương, năm nay cô ấy 33 tuổi, là một dân Marketing sành sỏi với tuổi nghề lâu năm và thu nhập cao ngất ngưởng. Thế nhưng khi hỏi đến nhà, xe hay một khoản tiền backup nào đó, cô nàng đều lắc đầu nói không có.
Đơn giản, Phương luôn mải mê với những màn "vung tiền quá trán": nay túi hiệu này, mai điện thoại kia… đến bữa ăn cũng phải là nơi sang chảnh, tiện check-in cho dân tình trầm trồ nhất. Theo Phương, cuộc sống này ngắn ngủi lắm, làm ra tiền thì cứ tận hưởng, việc gì có một đồng phải cất một đồng cho mệt.
Có lẽ tính tôi lo xa nên cảm thấy quan điểm của Phương không đúng lắm. Với tôi, cuộc đời đúng thật là chỉ có một lần nên càng không thể bất chấp, chỉ tìm kiếm niềm vui trong một giai đoạn nào đó rồi sống khốn khó về sau. Ở thời điểm hiện tại, khi những bất ổn của cuộc sống diễn ra, những stress công việc ập đến, tôi càng thấm thía hơn giá trị của một khoản tiền để dành.
Bắt đầu để dành tiền không phải là chuyện dễ dàng ngày một ngày hai là được. Tiết kiệm tiền bạc nhiều hơn tiêu sản không phải là trò chơi hay xiềng xích ép buộc bạn phải "nhịn ăn nhịn mặc", không được tận hưởng cuộc sống. Mà nó là chiếc phao cứu sinh cho bạn lúc có rủi ro, hay thậm chí xa hơn là chiếc thuyền đưa bạn đến với cuộc sống thoải mái, an nhàn ở những năm sau này.
Ở mỗi độ tuổi khác nhau, bạn sẽ cần có một khối tài sản nhất định để đảm bảo tương lai của mình. Con số này có thể khác nhau đối với mỗi người, tùy theo mức độ tài chính và khả năng thu nhập của bạn. Song, bạn hoàn toàn có thể tham khảo qua những cột mốc dưới đây để điều chỉnh, lên kế hoạch dành dụm cho tương lai từ giờ.
20 tuổi: 0 đồng cũng được nhưng phải bắt đầu xây dựng thói quen tiết kiệm dần
Ở ngưỡng 20 tuổi, nếu bạn chưa có gì trong tay cũng đừng lo lắng, đây là chuyện thường tình. Thậm chí, đây còn là tín hiệu tốt bởi rất nhiều người trẻ vì những thói quen, sai lầm chi tiêu vẫn đang è cổ gánh nợ trên lưng hoặc phải cày ngày cày đêm lo cho gia đình đến mức khánh kiệt, vay mượn đầm đìa. Thế nên, tài khoản tiết kiệm của bạn những năm này hoàn toàn có thể dừng lại ở mức 0 đồng miễn sao đừng là số âm.
Dù không đặt nặng số dư cho tài khoản tiết kiệm, tuổi 20 lại là cột mốc quan trọng khi bạn cần hoạch định rõ ràng các mục tiêu tài chính trong tương lai, xác định rõ đâu là tài sản, đâu là tiêu sản để có thói quen chi tiêu hợp lý. Song song với đó, bạn cũng nên đầu tư vào tri thức, tìm hiểu về các hình thức kinh doanh, đầu tư cho tiền đẻ ra tiền. Tiếp đến, bạn cũng cần hình thành tư duy tiết kiệm, bắt đầu chú trọng tới việc có một khoản để dành dù nhiều hay ít.
30 tuổi: Đẩy mạnh chuyện kiếm tiền, siết chặt chuyện chi tiêu
Khi bạn ở độ tuổi 30, bạn có thể sẽ thăng tiến trong sự nghiệp và có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng đây là thời điểm mà cuộc sống sẽ có xu hướng chi nhiều hơn kiếm với những khoản tiền cần cân nhắc như kết hôn, mua nhà, mua xe rồi sinh con, đẻ cái…
Tất tần tật những gánh nặng tài chính ấy sẽ đổ ập đến trong nháy mắt, khiến bạn trở tay không kịp hoặc cảm thấy thua kém vì mãi vẫn không sắm được cái này, cái kia như những người cùng tuổi. Thế nhưng, càng mệt mỏi về tiền bạc, bạn lại càng phải duy trì thói quen tiết kiệm. Toàn bộ cuộc sống của bạn ở hiện tại hay sau này đang phụ thuộc vào thói quen này.
Theo Fidelity, số tiền tiết kiệm mà bạn nên có ở tuổi 30 phải bằng 1/2 thu nhập hằng năm của bạn. Ví dụ đơn giản là lương bạn 10 triệu/ tháng, 30 tuổi bạn phải có ít nhất 60 triệu để "lận lưng". Con số này bắt buộc phải tăng dần và không được giảm nếu không có bất cứ vấn đề gì phát sinh. Đến năm 35 tuổi, số tiền tiết kiệm này ít nhất nên bằng 1 năm thu nhập thì mới có thể đảm bảo cho cuộc sống của bạn được. Để có thể làm được điều này, bạn phải cố gắng giảm bớt nợ nần, tích cực kiếm tiền, tham gia đầu tư kinh doanh và siết chặt chuyện chi tiêu nhiều hơn.
40 tuổi: Càng ổn định càng phải tiết kiệm
Đến năm 40 tuổi, đa phần mọi người đều có sự nghiệp ổn định và tài chính vững vàng, không quá lao tâm khổ tứ vì tiền bạc như trước nữa. Cũng vì lý do này nhiều người bắt đầu trở nên lơ là chuyện "thắt lưng buộc bụng", tính dần đến chuyện tận hưởng . Song, cuộc sống và công việc càng ổn định, bạn lại cần tiết kiệm nhiều hơn.
Ở tuổi này, bạn không còn cần phải thể hiện bản thân trước mặt người khác nữa. càng không cần "vung tay quá trán" vào những bữa tiệc xa hoa, những pha sắm sanh không cần thiết để đổi lấy sĩ diện. Tuổi 40 ổn định cũng đồng nghĩa chuyện nếu không có bước ngoặt lớn, khối tài sản của bạn sẽ chẳng thể nào tăng nhanh như trước được, mọi quyết định tài chính "cuối cùng" đều không có gì chắc chắn. Ai biết được năm sau bạn có đổi việc hay cho con đi du học, sắm nhà mới tiện nghi hơn hay không. Vậy nên, đảm bảo nhất vẫn là tiết kiệm, số tiền mà bạn nên có để "lận lưng" năm 40 tuổi phải bằng ít nhất 3 năm lương của bạn.
50 tuổi: Đừng đi sai hướng
Khó nhất ở tuổi 50 không phải là làm sao có nhiều tiền trong sổ tiết kiệm mà là làm sao giữ chúng khỏi "vuột khỏi ví". Nhiều người vì hối hận đã từng bỏ qua cơ hội làm giàu năm 30-40 tuổi nên bắt đầu chọn tuổi qua 50 để đầu tư, hy vọng tiền đẻ ra tiền. Họ đem trong mình sự tự tin, tuổi đời dày dặn kinh nghiệm làm ăn kinh doanh rồi nên không sợ hãi nữa. Tấm gương rõ rệt nhất chính là tỷ phú đứng top giàu nhất thế giới Warren Buffett với 99,7% khối tài sản kiếm được từ những khoản đầu tư sinh lời trên sàn chứng khoán sau tuổi 52.
Song, bạn cũng nên biết Warren Buffett học đầu tư từ năm 11 tuổi, khối tài sản khổng lồ mà ông có được sau chỉ là kết quả của những tháng năm mày mò, học hỏi chứ không phải "một phát ăn ngay" như nhiều người nghĩ.
Ở tuổi 50, trước khi quyết định đầu tư sinh lời với tham vọng giàu có, hãy tự nhìn nhận khả năng tài chính của bạn, tìm hiểu kỹ lưỡng mọi thứ trước khi rót tiền. Và đương nhiên, có tham vọng đến đâu, cũng phải có một quỹ dự phòng khẩn cấp, dành cho trường hợp gặp phải rủi ro tài chính và không thể phục hồi kịp. Số tiền mà bạn để dành được ở tuổi 50 nên tương đương 6 năm thu nhập của bạn.
60 tuổi: Chặng cuối để tận hưởng thành quả tiết kiệm
60 tuổi là lúc bạn có thể buông bỏ dần những gánh nặng tài chính hay chuyện tiền bạc đau đầu nhức óc và tập trung xác định mình muốn làm gì nhất sau khi về hưu. Có người chọn quây quần bên gia đình, con cháu hay đi du lịch tận hưởng... Có người vẫn giữ nguyên đam mê kiếm thêm tiền và muốn mở rộng thêm khối tài sản.
Dù có dự định như thế nào chăng nữa, thứ bạn cần để thực hiện những điều đó chính là tiền. Ở tuổi 60, số tiền tiết kiệm bạn nên có phải gấp 8 lần thu nhập hằng năm và năm bạn nghỉ hưu 65 - 67 tuổi, số tiền đó nên dừng ở mức 10 - 11 lần. Chỉ khi có được số tiền tiết kiệm ở khoản đó, bạn mới có thể tận hưởng cuộc sống tuổi già an nhàn, giúp đỡ và chăm lo cho con cháu khi cần.
Tham khảo: CNBC, Best Saver
Ảnh: Tổng hợp
Pháp luật và bạn đọc