Muốn tách rời khỏi Trung Quốc, Mỹ nên nhìn nhận lại những yếu điểm nào ở chính mình?
Chính quyền của ông Trump đang đối đầu với Trung Quốc theo một cách khó có thể thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ hay tận dụng sự hỗ trợ ở nước ngoài.
- 28-09-2019Bloomberg: Nhà Trắng cân nhắc dỡ bỏ hoàn toàn các khoản đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc, dù chiến tranh thương mại dần hạ nhiệt
- 27-09-2019Bất chấp chiến tranh thương mại, Trung Quốc quyết tâm mở rộng "cánh cửa" 43 nghìn tỷ USD chào đón Phố Wall và hứa sẽ không "chèn ép" các công ty nước ngoài
- 27-09-2019Nguyên nhân khiến Trung Quốc không thể ra tay vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc và mối lo ngại đáng báo động cho kinh tế toàn cầu
*Bài viết thể hiện quan điểm của Ali Wyne và James Dobbins. Wyne là một nhà phân tích chính sách và Dobbins là chuyên viên cấp cao tại Viện nghiên cứu RAND.
Hồi tháng trước, Tổng thống Trump đã đưa ra một tuyên bố đầy táo bạo: "Chúng tôi không cần Trung Quốc. Thật ra là sẽ tốt hơn nếu không có họ."
Hầu hết giới quan sát Mỹ đều đồng tình rằng Washington cần phải điều chỉnh lại chính sách đối với Bắc Kinh. Trung Quốc dần độc đoán hơn bởi họ đã và đang ngày càng thịnh vượng, họ cũng đánh giá thấp hy vọng lâu dài của phương Tây rằng việc áp dụng cải cách theo định hướng thị trường sẽ tạo được những bước tiến tới tự do hoá chính trị. Việc Trung Quốc có những hoạt động quân sự trên biển Đông và các hoạt động thương mại của họ đã thuyết phục được nhiều người thuộc phe phản đối ông Trump rằng ông chính là người châm ngòi cho cuộc tranh luận về chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi kết luận rằng Trung Quốc là thách thức hàng đầu của Mỹ, thì chính quyền của ông đang đối đầu với họ theo một cách khó có thể thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ hay tận dụng sự hỗ trợ ở nước ngoài. Các cố vấn của ông Trump nên xem xét 5 điều khi đối chọi với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thứ nhất, chính quyền ông Trump đang giảm bớt khả năng của Mỹ trong việc củng cố một liên minh có thể kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ ít bày tỏ sự quan tâm đến việc tiếp tục đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư liên Đại Tây Dương với Liên minh châu Âu (EU) và cũng rút khỏi Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này đúng với quan điểm của ông Trump rằng các đồng minh đối xử với Mỹ còn tệ hơn các đối thủ của Mỹ. Thậm chí trước khi áp vòng thuế quan đầu tiên với Trung Quốc, hồi tháng 7/2018, chính quyền ông còn đánh thuế các mặt hàng xuất khẩu từ Canada, EU, Nhật Bản, Mexico và Hàn Quốc.
Trung Quốc có lý do chính đáng để tin rằng họ có thể chịu được áp lực đơn phương từ phía Mỹ. GDP của họ đã bằng 2/3 so với GDP của Mỹ và dù tốc độ tăng trưởng của họ sụt giảm thì họ vẫn có khả năng sẽ vượt qua Mỹ về quy mô kinh tế trước thời điểm giữa thế kỷ. Nếu Mỹ hy vọng có thể ép Trung Quốc theo đuổi việc cải cách cấu trúc nền kinh tế như họ muốn, thì họ có thể sẽ cần đến sự hỗ trợ rất lớn từ các đối tác châu Âu và châu Á.
Thứ hai, trong khi những mâu thuẫn trong lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang mang lại những rủi ro đáng kể về an ninh, thì việc ông Trump muốn chia rẽ nền kinh tế 2 nước và chèn ép hoạt động kinh doanh của các công ty như Huawei và ZTE có thể còn giúp Bắc Kinh hưởng lợi. Giờ đây, Trung Quốc cảm thấy họ cần phải tăng tốc hướng đến việc phát triển công nghệ của riêng mình, tìm kiếm những nhà cung ứng dữ liệu máy tính công nghệ cao để thay thế và chuyển hướng xuất khẩu những sản phẩm từng có điểm đến là Mỹ.
Một số ý kiến có thể cho rằng Trung Quốc cuối cùng đã có thể thực hiện những bước tiến đó, bởi họ trước đây cũng cho rằng họ hoàn toàn có thể tự chủ. Có lẽ là vậy, nhưng do sự phụ thuộc lâu dài đã trở thành một trong những công cụ để Mỹ gây sức ép với Trung Quốc. Mỹ có thể cân nhắc việc sử dụng ưu thế từ đó càng lâu càng tốt, đặc biệt là khi chưa có sự thay đổi rõ ràng nào có thể đóng vai trò tương đương trong việc ổn định mối quan hệ song phương. Bởi vậy, Washington có thể đang thúc đẩy sự xuất hiện của một đối thủ "đáng gờm" hơn.
Thứ ba, khi rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPA) với Iran và đưa các biện pháp trừng phạt trở thành một phần trong trọng tâm chính sách đối ngoại của mình, chính quyền ông Trump đã khuyến khích đồng minh và đối thủ quan tâm nhiều hơn đến quy mô của đồng USD, vốn là một trong những nền tảng tạo ra sự vượt trội của nước Mỹ. EU, Trung Quốc và Nga đang hợp tác để phát triển những phương tiện có mục đích đặc biệt và ngày càng nhiều cá nhân định hình sách tiền tệ đang kêu gọi việc giảm bớt vai trò chủ chốt của đồng USD. Ngay cả Thống đốc ngân hàng Bank of England, Mark Carney, cũng đề xuất phát hành một loại tiền số có khả năng dự trữ để "giảm bớt vai trò độc đoán của đồng USD với thương mại toàn cầu."
Thứ tư, dù chỉ trích mạnh mẽ những yếu tố cốt lõi trong chương trình nghị sự địa kinh tế của Trung Quốc (thường có lý do chính đáng), nhưng chính quyền ông Trump dường như cũng không thể đưa ra một quy định chặt chẽ. Do đó, sự chỉ trích của họ có thể chỉ là việc bày tỏ mối lo với những đối tác lâu đời, chứ không phải quan ngại về tính cạnh tranh của mình. Điều này càng củng cố lập luận kép của Trung Quốc, rằng Bắc Kinh tự tin và trỗi dậy, trong khi Mỹ đang lo lắng và chìm dần xuống.
Mỹ không thể thay đổi những quan điểm đó thông qua lời nói, mà họ phải dùng hành động. Rút khỏi TPP, họ không thể làm gì hơn ngoài việc thực hiện sự thay đổi đối với các thoả thuận thương mại song phương hiện có. Trong khi đó, Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc hoàn thiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực - một hiệp định thương mại tự do bao gồm tất cả các đồng minh châu Á của Mỹ chiếm tới 30% GDP toàn cầu. Trong lĩnh vực công nghệ, khi Washington nhấn mạnh những rủi ro về an ninh do Huawei gây ra, thì chính cơ sở hạ tầng 5G của họ lại không đủ sức cạnh tranh. Hồi tháng 4, Uỷ ban Đổi mới Quốc phòng lưu ý rằng "thiết bị không dây của Trung Quốc rẻ hơn. Ở nhiều trường hợp, thiết bị của Trung Quốc còn vượt trội hơn so với sản phẩm của các công ty phương Tây."
Cuối cùng, và có lẽ là điều cơ bản nhất, trong khi đã thực hiện một loạt các biện pháp cạnh tranh, chính quyền ông Trump vẫn chưa giải thích về mục đích của họ là muốn đạt được điều gì. Có thể, mọi thứ đang giống với những gì Minxin Pei đến từ Claremont McKenna gọi là "một cuộc đối đầu không hồi kết, không có có dấu hiệu nào cho thấy sự tiến triển". Có một nguy cơ ngày càng lớn đó là Mỹ có thể đang tập trung vào một mục tiêu "không chắc chắn" để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhiều hơn là nỗ lực để cải thiện chính mình.