Muốn "thành nhân" cần bạn bè, muốn thành công cần đối thủ, thế nên muốn nâng "cúp vàng", đừng hợp tác làm ăn với bè bạn
Ai cũng từng trải qua giai đoạn bị "ép buộc" trưởng thành. Những lúc như vậy ta rất cần lời động viên từ gia đình và bạn bè. Thế nhưng bạn bè chỉ là người cho ta lời khuyên, còn đối thủ mới là đối tượng tốt nhất cho ta động lực.
- 03-10-2018Những bài học về tài chính mà bố mẹ chưa bao giờ dạy tôi: Tiền bạc chỉ là công cụ nhưng muốn làm giàu nhất định phải học cách quản lý nó
- 03-10-2018Cuộc đời vốn dĩ chẳng có sự cân bằng tuyệt đối, phải luôn nắm chắc quyền kiểm soát hai điều này để mọi thứ bớt chông chênh
01.
Vài ngày trước, tôi vô tình gặp lại anh bạn học chung hồi cấp ba. Lúc mới đầu gặp mặt, tôi cứ ngỡ mình đã nhìn lầm. Bởi vì trông cậu ta rất khác so với năm xưa, dáng người cao lớn, chững chạc, tự tin, rất ra dáng một người đàn ông thành đạt. Ngày xưa, cậu ta chính là "công tử ăn chơi" có tiếng, là thành phần cá biệt của lớp tôi, là người mà tuần nào cũng được các giáo viên "quan tâm" gửi giấy mời họp phụ huynh về nhà.
Sau một hồi ngồi ôn chuyện cũ, tôi cũng biết rõ hơn được phần nào về nguyên nhân cậu ta có sự thay đổi lớn như vậy. Bởi vì lúc lên đại học, công ty của ba cậu ta phá sản, trong lúc khó khăn ấy, cậu ta đã đến nhà những người bạn thân mà ngày trước hay cùng cậu ta cúp học đi chơi để xin giúp đỡ. Nhưng đáp án nhận được chỉ là lời từ chối thẳng thừng hoặc những buổi chờ đợi trong vô vọng. Nghe có vẻ giống như phim nhỉ? Thế nhưng đời mà, sự thật luôn phũ phàng như vậy.
Cậu ta đành chuyển đổi học chính quy thành học bổ túc ban đêm, ban ngày thì đi làm đủ thứ nghề để trang trải. Từ một người tay không dính đất, chân không dính bùn trở thành người làm công đa năng, cái gì cũng có thể làm. Chịu khổ suốt 4 năm trời, rốt cuộc cậu ta cũng có thể chờ được đến ngày lãnh bằng ra trường.
May mắn đã mỉm cười với cậu ta khi cậu ta được nhận vào một công ty có tiếng trong nước. Thế nhưng tiếp theo đó, cậu ta đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, một trong số đó chính là chiến thắng "đối thủ" của mình.
Đối thủ của cậu ta không phải là những người cạnh tranh với công ty, mà chính là những đồng nghiệp đang chực chờ nhìn cậu ta "rớt đài". "Ma cũ bắt nạt ma mới", "ma mới cạnh tranh với ma mới" đó đều là những điều không thể tránh khỏi.
Hơn nữa cậu ta còn phải đối mặt với lớp trẻ có năng lực mạnh mẽ phía sau đang sắp sửa "tiến quân ồ ạt" vào công ty cậu ta. Đối diện với nhiều áp lực như vậy, cậu ta chỉ có hai lựa chọn duy nhất: Một là chấp nhận bị đào thải. Hai là khiến bản thân mạnh hơn đối thủ.
Và kết quả, cậu ta đã làm rất tốt lựa chọn thứ hai của mình. Thế nên cậu ta mới có được thành công của ngày hôm nay.
Lúc đó tôi mới nhận ra, hóa ra "đối thủ" lại chính là "nguồn năng lượng" giúp ta kích thích khả năng chiến đấu tiềm ẩn của bản thân.
02.
Nhìn cậu ta, tôi lại nhớ đến một vị "đàn anh kỳ lạ" thời cấp 2 của tôi. Anh ấy chính là học sinh giỏi nhất trường tôi thời đó. Tính tình anh ta khá kỳ lạ, ít nói chuyện và nếu nói ra câu nào thì câu đó cũng đầy khó hiểu.
Còn nhớ cái ngày vào buổi trao giải, thầy hiệu trưởng đã biểu dương anh ấy trước toàn trường và hỏi một câu: "Em có thể chia sẻ cho các bạn về bí quyết học tập của mình không?"
"Dạ, thưa thầy, có rất nhiều yếu tố để đưa đến kết quả của em như ngày hôm nay, nhưng hai thứ quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực và đối thủ mạnh".
Nghe được câu trả lời đó, cả trường chúng tôi lại cười ồ lên, có người còn nghĩ rằng anh ta đang nói giỡn. Sự nỗ lực là câu trả lời rất hoàn mỹ, nhưng đối thủ mạnh là gì chứ? Đây là trường học chứ có phải môi trường thương nhân cạnh tranh khốc liệt đâu mà có đối thủ. Hơn nữa những thứ cần thiết để học giỏi chẳng phải là sự thông minh, siêng năng, thầy cô dạy giỏi,... hay sao?
Với lại theo quan điểm của hầu hết mọi người, đối thủ càng yếu mới càng dễ vượt qua hơn chứ. Đối diện với đối thủ mạnh chẳng khác nào tự làm nổi bật điểm yếu của chính mình?
Thật ra, thứ đáng sợ nhất không phải là đối thủ mà chính là bản thân chúng ta. Đối thủ chỉ là mục tiêu để ta vượt qua, còn bản thân chúng ta mới là người quyết định ta có vượt qua được hay không.
Giống như câu nói: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng." Chơi với bạn tốt, ta cũng lây tính tốt, chơi với bạn xấu, có ngày bị ảnh hưởng theo. Bạn bè là yếu tố "thành nhân", nhưng đối thủ là yếu tố "thành công".
Có cạnh tranh mới có phát triển: Bởi vì có sự tồn tại của đối thủ, mới có sự tranh giành thắng thua. Bởi ham muốn chiến thắng, mới nỗ lực làm tốt công việc của mình. Vì vậy có đôi lúc, kẻ địch còn giúp ta mau lớn mạnh hơn gấp nhiều lần so với bạn bè.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Trí thức trẻ