MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

MWG, FPT Retail, Petrosetco tăng trữ hàng khi thế giới thiếu chip

26-05-2021 - 08:34 AM | Doanh nghiệp

Trước tình trạng thế giới thiếu chip, một số nhà bán lẻ và bán buôn hàng điện tử đang tăng tích trữ hàng tồn kho từ đầu năm. MWG tăng gần 3.800 tỷ đồng hàng tồn kho quý đầu năm do lo ngại thiếu chip và đón đầu nhiều sự kiện thể thao trở lại. Petrosetco cũng tăng hàng tồn kho sau khi phân phối thêm sản phẩm Apple, bên cạnh nhãn hàng chủ lực Samsung đang tăng tốt. Digiworld lại giảm giá trị hàng tồn kho trong quý đầu năm, nhưng công ty có lợi thế phân phối độc quyền cho sản phẩm Xiaomi và Huawei.

MWG, FPT Retail, Petrosetco tăng trữ hàng khi thế giới thiếu chip - Ảnh 1.

MWG và FPT Retail tăng hàng nghìn tỷ đồng tồn kho

Báo cáo quý I của Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ) cho thấy doanh nghiệp đang trích trữ hàng hóa khi giá trị hàng tồn kho tăng mạnh từ mức 19.926 tỷ đầu năm lên 23.708 tỷ đồng.

Mặt hàng đáng chú ý là điện thoại di động ghi nhận tăng gần 2.130 tỷ trong quý vừa qua và thiết bị điện tử cũng tăng giá trị tồn kho thêm 1.350 tỷ đồng. Đây đa phần là những sản phẩm giảm giá theo thời gian, điều này cho thấy doanh nghiệp đã tăng mạnh nhập hàng thời gian qua.

MWG, FPT Retail, Petrosetco tăng trữ hàng khi thế giới thiếu chip - Ảnh 2.

MWG tăng gần 3.800 tỷ đồng hàng tồn kho quý đầu năm do lo ngại thiếu chip và đón đầu nhiều sự kiện thể thao trở lại.


Cũng phải nói rằng MWG đã đẩy mạnh mở mới hàng trăm cửa hàng siêu nhỏ Điện Máy Xanh Supermini thời gian qua, do đó góp phần làm tăng đáng kể giá trị tồn kho hàng điện tử. Trong khi tốc độ mở chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh bị chậm lại trong quý đầu năm.

Do việc tích trữ hàng hóa, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh quý đầu năm bị âm gần 1.860 tỷ đồng, (cùng kỳ năm ngoái dương 3.830 tỷ đồng). Tuy nhiên đây không phải áp lực với MWG khi công ty vẫn giữ được lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn tổng cộng 14.827 tỷ đồng.

Lãnh đạo công ty từng nhiều lần phát biểu do tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu nên chủ động tăng tồn kho các sản phẩm công nghệ - điện máy để tránh rủi ro thiếu hàng. Công ty cho biết có lợi thế về năng lực tài chính vững mạnh, khả năng đàm phán với các nhà cung cấp để tích trữ nguồn hàng, đảm bảo doanh thu và tiếp tục gia tăng thị phần.

“Thế giới đang khan hiếm chip bán dẫn, nhưng thời điểm hiện tại trong ngắn hạn chưa có tác động gì đến tập đoàn, còn tương lai có thể có tác động ít nhiều đến hàng hóa. Chúng tôi thấy có vấn đề này nên đang trữ hàng và có thể tăng thêm thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với đối tác trong việc cung ứng và dự báo để đảm bảo đủ hàng hóa” thành viên HĐQT MWG Đoàn Văn Hiểu Em.

Lãnh đạo MWG cũng nói thêm nhóm hàng điện tử, đặc biệt là tivi phụ thuộc nhiều dịp lễ tết hay sự kiện bóng đá. Ông Hiểu Em nhận thấy nhiều sự kiện bóng thời gian tới như Euro, World Cup, Olympic hay Seagame… sẽ khởi động lại và do đó nhu cầu tivi sẽ tăng lên.

Tương tự một nhà bán lẻ khác là FPT Retail ( HoSE: FRT ) cũng tăng mạnh giá trị hàng tồn kho lên trên 2.000 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 590 tỷ so với đầu năm. Theo thuyết minh, đây chủ yếu là giá trị tồn kho hàng hóa.

Hiện nay FPT Retail quản lý 2 chuỗi bán lẻ lớn là hàng điện tử FPT Shop và nhà thuốc Long Châu. Trong đó, hàng điện tử là sản phẩm có giá trị bình quân cao hơn rất nhiều. Số lượng cửa hàng FPT Shop đạt trên 600, cũng cao hơn nhiều so với con số 216 nhà thuốc.

Xét thêm ở khoản mục phải trả người bán ngắn hạn, có thể thấy FPT Retail đã tăng mua các sản phẩm điện tử của Samsung Việt Nam và các sản phẩm được phân phối thông qua Digiworld (nhà phân phối độc quyền Xiaomi). Ngược lại, nhà bán lẻ hàng điện tử lại giảm mua từ Apple Việt Nam.

MWG, FPT Retail, Petrosetco tăng trữ hàng khi thế giới thiếu chip - Ảnh 3.

FPT Retail tăng mua hàng của SamSung và Digiworld.

Trái ngược 2 công ty bán buôn

Petrosetco ( HoSE: PET ) – nhà phân phối lớn các sản phẩm điện thoại điện máy cũng tăng tích trữ hàng hóa. Giá trị hàng tồn kho đã đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 422 tỷ so với thời điểm đầu năm, chủ yếu là hàng hóa.

Tổng công ty này đang kinh doanh nhiều ngành nghề từ dịch vụ phân phối, hậu cần, cung cấp suất ăn và cả bất động sản. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động phân phối vẫn là chủ lực chiếm khoảng 85% tổng doanh thu.

Trong mảng phân phối, Samsung vẫn luôn là nhãn hàng lớn nhất và ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu cao 70% trong năm ngoái. Ngoài ra, Petrosetco cũng trở thành một trong những nhà phân phối ủy quyền của Apple tại thị trường Việt Nam từ tháng 6/2020, sản phẩm của Apple đóng góp khoảng 16% cơ cấu hàng điện tử.

Ngược lại Digiworld ( HoSE: DGW ) lại giảm tồn kho về còn 682 tỷ đồng, giảm hơn 160 tỷ đồng so với đầu năm. Phần giảm chủ yếu là giảm giá trị hàng mua đang đi đường, trong khi giá trị hàng hóa vẫn cao hơn đầu năm.

MWG, FPT Retail, Petrosetco tăng trữ hàng khi thế giới thiếu chip - Ảnh 4.

Digiworld lại giảm hàng tồn kho trong quý đầu năm, nhưng có lợi thế độc quyền thương hiệu Xiaomi và Huawei.


Đặc thù của Digiworld là đang tăng trưởng cao nên vòng quay hàng tồn kho thường ở mức cao. Việc nhập hàng cũng phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận với các đối tác, trong đó nhà phân phối này là đơn vị độc quyền cho thương hiệu Xiaomi và Huawei, do đó có lợi thế cạnh tranh về mua hàng hóa và ít chịu áp lực về hàng tồn kho hơn.


Chiến lược hàng tồn kho phụ thuộc rất nhiều vào sức mua của thị trường tại các giai đoạn khác nhau cũng như các điều khoản với các nhà cung cấp. Giá trị hàng tồn kho cũng mang tính thời điểm và số liệu thực tế có thể đã thay đổi nhiều trong gần 2 tháng qua.

Hiện tình trạng thiếu hụt chip điện tử đang khiến các doanh nghiệp và các nhà sản xuất điện tử gặp khó khăn. Không chỉ có lĩnh vực sản xuất xe hơi, thiếu chip còn ảnh hưởng tới mảng sản xuất điện thoại và xu hướng internet vạn vật. Nhiều dự báo cho thấy, tình trạng thiếu hụt này có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022.

MWG, FPT Retail, Petrosetco tăng trữ hàng khi thế giới thiếu chip - Ảnh 5.

Giá trị hàng tồn kho và vị thế tài chính một số công ty kinh doanh hàng điện tử vào cuối quý I. Tiền*: Bao gồm tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn ngân hàng.


Theo Huy Lê

Người đồng hành

Trở lên trên