MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống đậu mùa khỉ

30-07-2022 - 09:20 AM | Tài chính quốc tế

Hơn 780.000 liều vắc-xin được chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra công chúng vào thứ sáu tuần này (29-7, giờ địa phương). Cộng với 300.000 liều đã được phân bố vào đầu tháng, sẽ nâng con số tổng lên hơn 1 triệu liều

Tuần rồi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm (PHEIC) đối với bệnh đậu mùa khỉ - mức cảnh báo cao nhất của WHO. Đã có hơn 20.000 ca nhiễm được phát hiện ở hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khá nhiều quốc gia trước đây không có báo cáo ca nhiễm nào. Mỹ đang có 4.639 ca bệnh, cao nhất thế giới, tính đến 0 giờ ngày 29-7 (giờ địa phương).

Ca nhiễm đầu tiên ở Mỹ được phát hiện vào ngày 17-5, sau đó virus đã lan rộng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo về việc hơn 780.000 liều vắc-xin được đưa ra công chúng vào thứ sáu tuần này (29-7, giờ địa phương). Số liều lần này cộng với 300.000 liều đã được phân bố vào đầu tháng, sẽ nâng con số tổng lên hơn 1 triệu liều. Chính quyền liên bang cũng đặt mua 5,5 triệu liều vắc-xin từ các nhà cung ứng và dự tính sẽ đưa vào xsử dụng vào 2023.

"Hiện tại chúng tôi liên tục làm việc với nhà cung ứng để xem xét khả năng mở rộng kênh phân phối và đẩy nhanh tiến độ đưa vắc-xin ra cộng đồng" - Jennifer McQuiston, Phó Giám đốc của Bộ phận Bệnh lý và mầm bệnh nguy cơ cao tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC, Mỹ), phát biểu.

Vắc-xin sẽ được dùng để phòng bệnh đậu mùa khỉ có tên là Jynneos. Liệu trình gồm 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi đầu ít nhất 1 tháng. Một loại vắc-xin nữa là ACAM2000 lại có nhiều phản ứng phụ hơn và không thể kiểm soát trên cơ thể người bệnh có hệ miễn dịch yếu và có bệnh lý về da hoặc đang trong thời kỳ thai sản.

Thuốc kháng virus Tecovirimat, được bán với tên gọi TPOXX, đã được chấp thuận đưa vào điều trị bệnh đậu mùa khỉ và hiện tại đang được dùng để chữa bệnh. TPOXX có thể ngăn việc lây nhiễm trong vòng 4 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, ngăn những triệu chứng nghiêm trọng trong vòng 2 tuần sau khi người bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh.

Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Nhân viên ở Trung tâm Y tế Westchester (New York - Mỹ) tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ cho một người đang lái xe Ảnh REUTERS

Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống đậu mùa khỉ - Ảnh 2.

Virus đậu mùa khỉ trong 2 trẻ em Mỹ đầu tiên mắc bệnh Ảnh: AP

Năm ngoái, chỉ có vài ca nhiễm đậu mùa khỉ ở toàn nước Mỹ. Với tần số ca bệnh mới xuất hiện, CDC đã tiến hành những buổi hướng dẫn chuyên gia chăm sóc sức khỏe cách xác định triệu chứng, đặt mua bộ test và cách chữa bệnh. CDC đã thông qua kênh Health Alert Network tổ chức 2 buổi tập huấn với sự có mặt của hơn 17.000 bác sĩ và chuyên viên y tế cũng như tiến hành trả lời câu hỏi trực tiếp.

Ngay cả khi được hướng dẫn trong chương trình tập huấn chuyên nghiệp như vậy, vẫn rất khó có thể phát hiện ca nhiễm vì triệu chứng không rõ ràng: giống như da đang nổi mụn bình thường, theo lời tiến sĩ Brian Caveney, Giám đốc phòng thí nghiệm Labcorp. Vì bệnh lây qua con đường tiếp xúc da, bác sĩ cũng cần phải có thông tin chi tiết và lịch sử tiếp xúc nguồn bệnh từ bệnh nhân.

New York đã công bố bệnh đậu mùa khỉ đã trở thành nỗi đe dọa sức khỏe cộng đồng. Động thái này giúp New York tăng cường khả năng chống dịch khi số lượng ca nhiễm gia tăng nhanh chóng.

Mới nhất, thành phố San Francisco ở bang California hôm 28-7 cũng công bố tình trạng khẩn cấp. Thành phố này đã có hơn 260 ca nhiễm sau khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện vào tháng 6. Trong lúc này, vắc-xin chống bệnh đậu mùa khỉ vẫn trong tình trạng khan hiếm ở San Francisco. Phòng khám cung cấp vắc-xin tại Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg tại San Francisco đã đóng cửa vào giữa tuần này vì không đủ nguồn cho bệnh nhân. Dự kiến phòng khám sẽ mở lại vào thứ hai.

Dù vậy, Cơ quan phụ trách chăm sóc sức khỏe công cộng của San Francisco cũng đã thông báo nhận được 4.220 liều vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ và sẽ phân phối khắp hệ thống bệnh viện trong toàn thành phố.

Các nước tăng tốc ứng phó

Năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ của Mỹ đã được nâng cao đáng kể, có khả năng thực hiện 60.000-80.000 xét nghiệm khẳng định bệnh mỗi tuần, theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Xavier Becerra hôm 28-7. Khi dịch đậu mùa khỉ bắt đầu bùng phát, nước Mỹ chỉ có thể xét nghiệm 6.000 ca/tuần, theo Reuters.

Cùng ngày, nước Úc tuyên bố sự lây lan của đậu mùa khỉ là một "sự cố bệnh truyền nhiễm có ý nghĩa quốc gia". Giám đốc Y tế Paul Kelly cho biết Trung tâm Sự cố quốc gia đã được kích hoạt để tăng cường sự phối hợp giữa các bang và vùng lãnh thổ của Úc để quản lý sự bùng phát. Úc đã có 44 ca, hầu hết là các trường hợp nhập cảnh, cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng đang gấp rút đối phó bằng cách đàm phán vắc-xin và nâng cao năng lực xét nghiệm với tổng cộng 15 phòng xét nghiệm đã được cấp phép đối với căn bệnh này.

Một nghiên cứu dựa trên 197 bệnh nhân tại London - Anh công bố trên BMJ hôm 28-7 cho thấy triệu chứng của các bệnh nhân trong đợt bùng phát hiện tại khác với triệu chứng với bệnh nhân tại vùng thường xuyên lưu hành bệnh trong những năm qua. Trước đây các triệu chứng toàn thân như sốt, sưng hạch, đau nhức thường xuất hiện trước rồi mới có sang thương da nhưng trong các ca bệnh đợt mới này thì đa số bệnh nhân xuất hiện sang thương da trước rồi mới có triệu chứng toàn thân, thậm chí 14% hoàn toàn không có biểu hiện toàn thân.

Nhiều biểu hiện ít thấy cũng trở nên phổ biến: 71 người bị đau trực tràng, 33 người đau họng, 31 người bị phù nề dương vật, 27 người bị loét ở miệng, 22 người có tổn thương da đơn độc và 9 người bị viêm amidan. Những triệu chứng trên rất dễ gây lầm lẫn với bệnh lý khác, gây ít nhiều khó khăn trong khám sàng lọc.

Anh Thư


Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán đậu mùa khỉ

Tại Việt Nam, ngày 29-7, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán đậu mùa khỉ. Hướng dẫn nêu rõ 4 giai đoạn bệnh: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, hồi phục. Thời gian ủ bệnh là 6-13 ngày (có thể dao động 5-21), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Giai đoạn khởi phát từ 1-5 ngày với triệu chứng sốt, nổi hạch ngoại vi toàn thân, có thể đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng... và bệnh bắt đầu lây. Giai đoạn toàn phát đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt 1-3 ngày, ban có xu hướng ly tâm, thường gặp nhất trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân; có thể trên miệng, mắt, cơ quan sinh dục; ban tiến triển dần. Giai đoạn hồi phục là khi bệnh nhân hết dần các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm; các triệu chứng có thể kéo dài 2-4 tuần rồi tự khỏi.

Bệnh được chia làm 3 thể: không triệu chứng, nhẹ, nặng. Thể nhẹ có thể tự khỏi 2-4 tuần mà không cần điều trị đặc hiệu; thể nặng thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, trẻ em, người bệnh nền, suy giảm miễn dịch...), có thể dẫn tới biến chứng da, phổi, não, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong từ tuần thứ 2 của bệnh.

Ca bệnh nghi ngờ là những ca bệnh trong 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với người bệnh trực tiếp hoặc qua vật dụng bị nhiễm mầm bệnh hoặc các ca có bệnh cảnh lâm sàng nghi ngờ mắc bệnh. Ca bệnh xác định là các trường hợp đã có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với virus đậu mùa khỉ.

Việc điều trị các ca bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng song song với bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng nước - điện giải và hỗ trợ tâm lý. Thuốc điều trị đặc hiệu được sử dụng ở các trường hợp nặng hoặc đối tượng nguy cơ cao. Bệnh nhân được xuất viện khi đã cách ly tối thiểu 14 ngày và hết các triệu chứng lâm sàng.

Theo Ngân Hà

Người Lao động

Trở lên trên