MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ bung hai gọng kìm siết tiền điện tử

24-05-2021 - 07:26 AM | Tài chính - ngân hàng

Cả Bộ Tài chính Mỹ và Fed cùng đưa ra tuyên bố siết thị trường tiền điện tử nhằm chống lại các hành vi trốn thuế và cân nhắc trong việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số quốc gia.

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo rằng họ đang thực hiện các bước để siết lại thị trường tiền điện tử, đồng thời sẽ yêu cầu bất kỳ khoản chuyển khoản nào trị giá 10.000 USD trở lên đều phải báo cáo cho Sở Thuế vụ (IRS).

"Tiền điện tử đã đặt ra một vấn đề nghiêm trọng là tạo điều kiện cho hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng bao gồm cả trốn thuế. Đây là lý do tại sao chúng tôi có đề xuất của Tổng thống bao gồm các nguồn lực bổ sung cho IRS để giải quyết sự phát triển của tiền điện tử. Hơn nữa, như với các giao dịch tiền mặt, các doanh nghiệp nhận tiền điện tử có giá trị thị trường hơn 10.000 USD cũng sẽ phải báo cáo", Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Mỹ bung hai gọng kìm siết tiền điện tử - Ảnh 1.

Cả Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dữ trữ Liên bang cùng đưa ra tuyên bố siết lại thị trường tiền điện tử

Theo CNBC, Bộ Tài chính Mỹ ước tính, chênh lệch giữa thuế và những khoản thực tế mà Chính phủ Mỹ phải trả tổng cộng gần 600 tỷ USD vào năm 2019. Thông cáo của Bộ Tài chính đưa ra nhằm thông báo rộng rãi hơn về nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden, trong việc trấn áp nạn trốn thuế và thúc đẩy việc tuân thủ tốt hơn. Các đề xuất mà các quan chức đang xem xét là hỗ trợ tài trợ công nghệ IRS và có các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người trốn tránh nghĩa vụ của họ.

Trong tháng qua, nhiều nhà phân tích Phố Wall đã dự báo, các cơ quan quản lý Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ có thể sẽ sớm đóng vai trò tích cực hơn trong việc quản lý tiền điện tử.

Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Jerome Powell cũng cho biết tiền điện tử có thể có rủi ro tiềm ẩn đối với người dùng và hệ thống tài chính rộng lớn hơn. Ông cho rằng cần phải chú ý nhiều hơn đến quy định và đối với các nhà đổi mới thanh toán của khu vực tư nhân, hiện không nằm trong các thỏa thuận quản lý truyền thống được áp dụng cho các ngân hàng, công ty đầu tư và các trung gian tài chính khác. Cho đến nay, tiền điện tử không phải là một cách thuận tiện để thực hiện các khoản thanh toán.

Về phần mình, Fed dự kiến ra mắt một tài liệu thảo luận tập trung vào thanh toán kỹ thuật số và sẽ có một khoảng thời gian để theo dõi. Fed cũng cho biết trong một thông cáo rằng, những thay đổi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng hệ thống thanh toán. "Cục Dự trữ Liên bang đang nghiên cứu những phát triển này và khám phá những cách mà nó có thể cải thiện vai trò của mình như một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cốt lõi và là cơ quan phát hành tiền tệ của Hoa Kỳ" Fed nêu.

Đối với việc phát triển các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), trọng tâm đang được giới đầu tư công nghệ tài chính quan tâm là liệu CBDC có thể cải thiện hệ thống thanh toán nội địa của Hoa Kỳ vốn đã an toàn, năng động và hiệu quả hay không?

Câu trả lời của Fed thì khá rõ ràng: "Chúng tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là bất kỳ CBDC tiềm năng nào cũng có thể đóng vai trò bổ sung, chứ không phải thay thế tiền mặt và các hình thức kỹ thuật số hiện tại của khu vực tư nhân bởi đồng USD, chẳng hạn như tiền gửi tại các ngân hàng thương mại", ông Powell tuyên bố.

Như vậy có thể thấy, cùng với động thái mới đây của Trung Quốc, Mỹ cũng đang và sẽ tiếp tục siết chặt giao dịch tiền điện tử. Song song đó, họ có sự quan tâm nhất định đối với đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương. Và với tác động tiêu cực từ quyết định của một thị trường cung cấp năng lượng và chiếm tới 80% giao dịch tiền điện tử như Trung Quốc, nay đến lượt Mỹ giương gọng kìm siết hoạt động của các nhà đầu tư, thị trường tiền ảo toàn cầu có lẽ sẽ gặp hạn.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên